March 07, 2014 | 16:26 GMT+7

“Nga sẽ tôn trọng lựa chọn lịch sử của Crimea”

Tâm Anh

Quốc hội Ukraine bắt đầu thủ tục giải tán nghị viện Crimea, sau khi cơ quan này bỏ phiếu thông qua đề xuất gia nhập Nga

 Lực lượng vũ trang không rõ danh tính vẫn đang hiện diện trên lãnh thổ Ukraine - Ảnh: Reuters.<br>
Lực lượng vũ trang không rõ danh tính vẫn đang hiện diện trên lãnh thổ Ukraine - Ảnh: Reuters.<br>
Chủ tịch Hạ viện (Duma quốc gia) Nga Sergei Naryshkin vừa tuyên bố, Quốc hội Nga sẽ tôn trọng lựa chọn lịch sử của khu tự trị Crimea thuộc Ukraine, một ngày sau khi nghị viện Crimea bỏ phiếu thông qua đề xuất sáp nhập vào Liên bang Nga, hôm 6/3.

Ukraine muốn giải tán nghị viện Crimea

Các nguồn tin cho hay, 78 trên tổng số 86 nghị sỹ trong Quốc hội Crimea đã bỏ phiếu thông qua đề xuất nói tên.

Nghị viện Crimea đã đề ra kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16/3 tới, để xem người dân tại bán đảo này có muốn đưa Crimea trở thành "một phần của Nga" hay không. Người dân Crimea cũng sẽ được lựa chọn quay lại thành một vùng tự trị theo quy định của hiến pháp năm 1992. Đồng thời, nghị viện Crimea đã gửi thư đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin cân nhắc về vấn đề này.

Tiếp đó, hội đồng thành phố Sevastpol, thuộc Crimea cũng bỏ phiếu, nhất trí cắt đứt mọi mối liên hệ với Ukraine và trở thành một phần lãnh thổ của Nga..

Theo thông cáo được đăng tải trên trang web của hội đồng thành phố này, lãnh đạo Sevastpol đã quyết định "sáp nhập với Liên bang Nga như một chủ thể của Liên bang Nga". Hội đồng thành phố cũng bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với quyết định của nghị viện Crimea về việc tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 16/3 tới.

"Chúng tôi sẽ tôn trọng sự lựa chọn lịch sử của người dân Crimea. Chúng tôi ủng hộ sự lựa chọn tự do và dân chủ của người dân Crimea", Chủ tịch Hạ viện Nga Sergei Naryshkin Sergei Naryshkin nói.

Chính quyền lâm thời của Ukraine đã có phản ứng nhanh chóng. Ngay trong ngày 6/3, Tổng thống tạm quyền Oleksandr Turchynov cho biết, quốc hội nước này bắt đầu thủ tục giải tán nghị viện Crimea, sau khi cơ quan này bỏ phiếu thông qua đề xuất gia nhập Liên bang Nga.

Nga đòi điều tra nghi án bắn tỉa


Trong một diễn biến khác, hôm 6/3, Nga đã kêu gọi Liên hiệp quốc hỗ trợ điều tra thông tin nói rằng các thủ lĩnh đối lập ở Ukraine đã thuê các tay súng bắn tỉa để bắn cảnh sát và người biểu tình trên quảng trường Độc lập ở Kiev hồi tháng 2.

Đại sứ Nga ở Liên hiệp quốc Vitaly Churkin nói rằng, Moscow hy vọng Phó tổng thư ký Jan Eliasson và Trợ lý Tổng thư ký Liên hiệp quốc về nhân quyền Ivan Simonovic đang có mặt ở Ukraine sẽ thuyết phục chính quyền Kiev điều tra làm rõ, liệu có phải thủ lĩnh phe đối lập đứng đằng sau các vụ nổ súng ở Kiev hay không.

Trước đó, các cơ quan truyền thông tại Nga loan tin, một đoạn băng ghi âm, với nội dung cuộc nói chuyện giữa Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Estonia Urmas Paet với quan chức phụ trách chính sách an ninh, đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton đã bị tung lên mạng Internet và khiến dư luận quốc tế xôn xao.

Trong đoạn ghi âm này, ông Paet đã nói với bà Ashton rằng, "Ngày càng có nhiều thông tin rõ ràng hơn về thế lực đứng sau các tay bắn tỉa, đó không phải là Yanukovych, mà là kẻ nào đó thuộc liên minh mới". Đáp lại, bà Ashton nói, "tôi nghĩ chúng ta rất cần điều tra nghi vấn này. Tôi không biết gì vụ này... Thật là kỳ quá!".

Cuộc điện đàm nói trên diễn ra sau khi ông Paet đến thăm Kiev hôm 25/2. Trước đó vài ngày, những cuộc đụng độ ác liệt giữa những người biểu tình chống Tổng thống Viktor Yanukovych và lực lượng an ninh đã diễn ra trên quảng trường Độc lập tại Kiev, khiến ít nhất 82 người thiệt mạng, hàng trăm người khác bị thương.

Bộ Ngoại giao Estonia đã xác thực có đoạn ghi âm nói trên, nhưng tuyên bố ông Paet chỉ nêu tổng quan những gì nghe được ở Kiev và bày tỏ sự lo lắng trước tình hình ở đó. "Chúng tôi bác bỏ luận điệu rằng, ông Paet đã đưa ra đánh giá về sự dính líu của lực lượng đối lập trong vụ xung đột", thông cáo của Estonia nêu rõ.

Kế hoạch ba bước của EU


Liên quan tới vấn đề khủng hoảng hiện nay ở Ukraine, kết thúc cuộc họp bất thường hôm 6/3, Liên minh Châu Âu (EU) đã nhất trí gia tăng sức ép đối với Nga bằng cách dừng đàm phán thị thực và đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung.

EU đã vạch ra kế hoạch ba bước để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Thứ nhất, EU dừng đàm phán thị thực với Nga, dừng chuẩn bị cho hội nghị G8. Thứ hai, xử lý khủng hoảng qua đàm phán giữa Ukraine, Nga và lập cơ chế đối thoại quốc tế. Thứ ba, bất kỳ hành động tiếp theo nào của Nga gây bất ổn ở Ukraine sẽ dẫn tới hậu quả lâu dài giữa Nga và EU, gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế.

EU cũng tuyên bố sẽ ký thỏa thuận liên kết với Kiev, trước khi nước này tiến hành bầu cử tổng thống vào ngày 25/5. Các lãnh đạo EU cũng nhất trí với đề xuất của Ủy ban Châu Âu về cấp gói viện trợ 11 tỷ Euro cho Ukraine có thời hạn đến 2020, nhưng với điều kiện Kiev phải thực thi toàn bộ yêu cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Trong khi đó, Hạ viện Mỹ cùng ngày đã thông qua dự luật cho phép Chính phủ Tổng thống Mỹ Barack Obama cung cấp khoản vay đảm bảo trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine. Dự luật được thông qua với 385 phiếu thuận và 23 phiếu chống.

Dự kiến tuần tới, Thượng viện Mỹ sẽ xem xét dự luật trước khi chuyển lên Tổng thống.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate