Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp, là vùng sản xuất và xuất khẩu thủy sản, lúa gạo và rau quả lớn nhất của cả nước. Thời gian qua, để tạo lập môi trường và tạo đà cho phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là các ngành hàng nông sản chủ lực, Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận tín dụng ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, ngày 5/12/2022 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn.
DOANH NGHIỆP MONG TIẾP CẬN VỐN DỄ DÀNG HƠN
Tại hội nghị “Giải pháp tín dụng thúc đẩy thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với UBND Thành phố Cần Thơ tổ chức ngày 13/12 vừa qua, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tính đến cuối tháng 11/2022, hoạt động ngân hàng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt các kết quả tích cực. Huy động vốn đạt gần 719.000 tỷ đồng, tăng 8,68% so với cuối năm 2021. Dư nợ đạt trên 955.000 tỷ đồng, tăng 13,53% so với cuối 2021. Tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn luôn được các tổ chức tín dụng quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt gần 540.000 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cuối năm 2021.
Một số mặt hàng nông sản chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long có mức tăng trưởng tín dụng cao. Trong đó, dư nợ ngành thủy sản đạt hơn 112.000 tỷ đồng, tăng 16%, chiếm gần 54% dư nợ thủy sản toàn quốc. Dư nợ ngành lúa gạo đạt hơn 89.000 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cuối năm 2021 và chiếm gần 55% dư nợ lúa gạo toàn quốc; dư nợ ngành rau quả đạt 19.000 tỷ đồng và chiếm khoảng 21% dư nợ rau quả toàn quốc. “Kết quả trên cho thấy dòng vốn tín dụng của ngành ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo đúng định hướng chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả quốc nói chung”, bà Giang nhấn mạnh.
Tuy nhiên, chia sẻ tại hội nghị ông Hoàng Minh Nhật, Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật, bộc bạch: “Lĩnh vực lúa gạo xuất khẩu, trong năm 2022, Vietcombank dành cho Hoàng Minh Nhật hạn mức vốn tăng 20% so với năm trước và 4 lần hỗ trợ lãi suất từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay. Mặc dù việc hỗ trợ lãi suất như vậy quá tốt với người kinh doanh, nhưng doanh nghiệp mong muốn tiếp cận vốn dễ dàng hơn để cho kịp thời mùa vụ”.
Còn ông Cao Minh Quốc, Giám đốc Công ty Quốc Thảo, doanh nghiệp trồng dứa (khóm) tại Vĩnh Long lại mong muốn ngành ngân hàng dành nhiều nguồn vốn ưu đãi cho bà con nông dân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này. Theo ông Quốc, Việt Nam không thua Thái Lan, hàng năm xuất khẩu dứa được vài trăm tỷ đồng nếu như tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi dễ dàng hơn.
Về phần mình, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Aria, doanh nghiệp chuyên sản xuất chế biến xuất khẩu cá tra tại Đồng Tháp, kiến nghị: “Hai quý đầu năm xuất khẩu cá tra tốt nhưng hai quý cuối năm khó khăn do cuộc xung đột Nga - Ukraine và việc các quốc gia thi nhau phá giá đồng nội tệ làm ảnh hưởng xuất khẩu. Thêm vào đó, vấn đề tỷ giá cũng có những ảnh hưởng tới doanh nghiệp xuất khẩu. Tôi kiến nghị ngành ngân hàng giữ ổn định mặt bằng tỷ giá và giảm lãi suất cho doanh nghiệp”.
Cùng tiếng nói chung với các doanh nghiệp, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nêu kiến nghị thời gian tới, ngành ngân hàng cần mở rộng tín dụng, tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng để thực hiện sản xuất, kinh doanh.
NGÂN HÀNG LUÔN ƯU TIÊN VỐN CHO ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng với các tổ chức tín dụng mà doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long kiến nghị tại hội nghị đã được các ngân hàng giải đáp và nêu các giải pháp tháo gỡ. Đại diện các tổ chức tín dụng cũng đã có những cam kết cung ứng đủ vốn tín dụng cho doanh nghiệp. Đồng thời triển khai các giải pháp để rút gọn thời gian thẩm định dự án, phương án vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay dễ dàng.
Cụ thể, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành VietinBank, cho biết từ nay đến Tết Nguyên đán 2023, VietinBank dành hạn mức giải ngân thêm 5.000 tỷ đồng và giảm lãi suất 20% đối với nhu cầu thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tương tự, Agribank cũng luôn quan tâm và xác định Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những khu vực chủ đạo để đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Theo ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Agribank, tăng trưởng tín dụng mà Agribank ưu tiên cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2022 là 11,6%, tương đương khoảng 23.000 tỷ đồng, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng của toàn hệ thống. Đến nay, Agribank đã đầu tư tín dụng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hơn 217.000 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2021, chiếm 15% tổng dư nợ của Agribank. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn là 180.000 tỷ đồng với 670.000 khách hàng, chiếm 83% dư nợ cho vay của khu vực. Đáng chú ý, mặc dù thị phần tín dụng của Agribank tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chỉ chiếm 22,6% nhưng thị phần tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm tới 40%.
Với Vietcombank, tốc độ tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước giao cho Vietcombank trong năm 2022 là 18,53%, tương đương với mức tăng dư nợ gần 200.000 tỷ đồng, thì mức tăng trưởng dư nợ tại 16 chi nhánh hoạt động tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt trên 14%. Kết quả này thể hiện cam kết của Vietcombank trong việc cung ứng đủ vốn tín dụng để đáp ứng tốt nhất nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long cũng như trên cả nước.
Theo ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, ngân hàng luôn tập trung tín dụng cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, trong đó ưu tiên đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 của Chính Phủ. Tính đến 30/11/2022, Vietcombank đã hỗ trợ cho các khách hàng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất gần 300 tỷ đồng.
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, chi nhánh Hậu Giang cũng có các chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp thấp hơn từ 0,5-1% so với các lĩnh vực khác. Đến nay, dư nợ nông nghiệp tại ngân hàng này là 43%, cao hơn hệ thống 3%. Tỷ lệ dư nợ cho vay nông nghiệp đứng thứ 2 trên địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu tập trung vào cho vay trồng lúa, cây ăn quả, thu mua, chế biến xuất khẩu, thức ăn chăn nuôi...