Bốn ngân hàng có trụ sở ở Tp.HCM vay “cấp tốc” một ngân hàng khác 1.475 tỷ đồng, nhưng khất lần trả nợ.
Quá lo lắng trước tình trạng này, các ngân hàng cho vay lẫn nhau yêu cầu phải có tài sản đảm bảo, điều chưa bao giờ có từ trước tới nay trên thị trường liên ngân hàng.
Khất lần và… trả dần
Theo lãnh đạo ban kinh doanh nguồn vốn một ngân hàng thương mại nhà nước, khoảng 10 ngày nay, Ngân hàng Nhà nước khá tích cực hỗ trợ thị trường thông qua giao dịch nghiệp vụ thị trường mở (OMO).
Cụ thể, trong tuần từ 14/11 - 18/11, Ngân hàng Nhà nước bơm ra thị trường 34 nghìn tỷ đồng, khối lượng đến hạn hút vào là 28 nghìn tỷ đồng, “net ròng” 6 nghìn tỷ đồng. Ở những ngày cuối tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đáp ứng ở mức khá, khoảng 70% - 80% nhu cầu thị trường; tỷ lệ trúng thầu ở mức phổ biến “đặt 1,5 - 2 ăn 1”.
Tuy nhiên, cảm nhận chung, thanh khoản thị trường vẫn chưa thoát khỏi sự “lùng bùng” vốn dĩ tồn tại đã quá lâu.
Trong đó, một điểm đáng chú ý là ở các kỳ hạn qua đêm và một tuần, trong khi các ngân hàng đang giao dịch với nhau ở mức lãi suất 14% - 16%%/năm thì Vietcombank bất ngờ hạ giá xuống còn ở mức 12% - 13,5%/năm nhưng yêu cầu phải có tài sản đảm bảo.
Giải thích hiện tượng này, tổng giám đốc một ngân hàng cho biết: “Giao dịch liên ngân hàng hiện rất bất an. Nếu không có tài sản đảm bảo, sẽ chẳng ai dám cho vay vốn, kể cả lãi suất cao đến mức nào”. Theo ông, sở dĩ như vậy là bởi khoảng hai tháng nay, nhiều ngân hàng vay mượn của nhau nhưng đến hạn cứ khất lần không trả hoặc trả lắt nhắt mỗi lần dăm ba tỷ, khiến chủ nợ rất bức xúc.
Tìm hiểu thông tin qua một ngân hàng khác, tổng giám đốc ngân hàng này cho biết, ngân hàng của ông hiện cho 4 ngân hàng, gồm ĐN, SC, ĐT, VNTN có trụ sở ở Tp.HCM vay trên 1.400 tỷ đồng nhưng quá hạn đã vài tháng nay mà họ không chịu trả. Trong đó, có một đơn vị vay của ngân hàng này khoảng 200 tỷ đồng nhưng mỗi lần trả chỉ dăm tỷ đồng.
Quá lo lắng, lãnh đạo ngân hàng này đã gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thông báo, thậm chí cho người đến tận nơi đòi nợ, nhưng tổng giám đốc ngân hàng vay nợ cho nhân viên trả lời là “lãnh đạo đi vắng”, hoặc tắt điện thoại không nghe.
Quá bực mình vì bị thất tín, vị tổng giám đốc nói trên đã nhờ chi nhánh Ngân hàng Nhà nước địa phương kiểm tra cân đối tài sản của con nợ thì nhận được câu trả lời: “Họ vẫn báo cáo cân đối nguồn rất tốt!”.
“Cân đối nguồn tốt, tại sao không trả nợ? Rõ ràng, họ đã báo cáo thiếu trung thực với Ngân hàng Nhà nước”, ông tổng giám đốc nói trên bức xúc.
Liên quan đến thực tế này, hiện nay, ở một số ngân hàng thương mại nhà nước đều thông báo tới các ngân hàng thương mại cổ phần muốn vay vốn của mình, bắt buộc phải có tài sản đảm bảo mà trường hợp Vietcombank là một ví dụ.
Còn giám đốc ban vốn một ngân hàng thương mại nhà nước khác cho biết thêm: “Cũng có trường hợp chúng tôi cho vay không cần thế chấp nhưng chỉ đối với một số ít đơn vị đặc biệt tin tưởng, làm ăn với nhau đã lâu. Ngoài đối tượng này, muốn vay đều phải có tài sản đảm bảo như nhà đất, vàng với giá trị tương đương khoản vay”.
Một chuyên gia của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết thêm, thực ra, tình trạng này đã xuất hiện ít lâu. Cách đây khoảng 2 tháng, khi mà lãi suất thị trường liên ngân hàng ở một số kỳ hạn lên tới 30%/năm, khiến bên cho vay phải đặt ra quy định có tài sản thế chấp để bảo toàn đồng vốn.
Bởi vậy, những ngân hàng đi vay VND trên liên ngân hàng không còn cách nào khác là huy động vàng làm tài sản đảm bảo để vay VND, khiến lãi suất vàng bị đẩy cao ngất ngưởng và bất thường cho tới tận bây giờ.
Bế tắc đòi nợ
Tại sao thị trường liên ngân hàng lâu nay vốn là nơi làm ăn gắn liền với chữ tín, nhưng bây giờ lại đứng trước mối lo thất tín như vậy?
Trao đổi với một chuyên gia ngân hàng, ông phân tích, bản chất giao dịch liên ngân hàng chủ yếu là để đáp ứng nhu cầu thanh khoản cấp thiết của tổ chức tín dụng trong thời gian rất ngắn: qua đêm, dăm ba ngày, một vài tuần. Hầu hết các giao dịch đều dựa vào chữ tín và thông qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng. Chỉ cần một lệnh của đối tác phát đi, mấy phút sau hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng đã về kho tiền của mình.
“Với khối lượng giao dịch lớn như vậy, phải rất tin tưởng nhau thì quá trình thanh toán, giao dịch mới không bị ách tắc và thanh khoản hệ thống mới đảm bảo”, ông này nói.
Tuy nhiên, theo ông, gần đây, rất nhiều tổ chức tín dụng, kể cả tổ chức lớn lâm vào khó khăn do nhiều yếu tố: Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ; vay mượn tái cấp vốn phải đáp ứng điều kiện ngặt nghèo; cùng đó là thông tin tái cơ cấu xuất hiện dày đặc, khiến cho dòng tiền gửi từ dân cư chảy từ nhiều ngân hàng nhỏ sang ngân hàng thương mại nhà nước, dẫn đến tình trạng mất cân đối nguồn ở không ít đơn vị.
Thứ hai, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải hạch toán tất cả những khoản tín dụng lách quy định “vay mượn trên thị trường 2 không được vượt quá 20% thị trường 1” được trá hình dưới hình thức “ủy thác đầu tư”, mua “trái phiếu doanh nghiệp”, “khoản phải thu”… trở về đúng bản chất tín dụng.
Theo đó, mua trái phiếu cũng như một món cho vay và không được vượt quá 15% vốn tự có của đơn vị cho vay; đồng thời, phải trích lập dự phòng rủi ro như đối với bất kỳ khoản tín dụng nào ở thị trường 1. Sự nghiêm khắc này đã làm cho bảng tài sản của các ngân hàng được phản ánh đúng giá trị thực nhưng ở phía bên kia, những ngân hàng vẫn quen “ăn đong” trên thị trường 2, phần bị rút bớt vốn, phần thì dòng tiền gửi bị giảm nên đã khó càng khó hơn.
Khó khăn thì chây ỳ, nhiều đơn vị vay mượn đã không trả nợ đúng hạn. Những đơn vị cho vay bắt đầu lo sợ không hẳn vì mất vốn mà vì dòng tiền về không đúng hẹn, gây ảnh hưởng xấu đến kế hoạch kinh doanh, đã buộc phải ban hành quy định cho vay trên thị trường liên ngân hàng cũng phải có tài sản đảm bảo giống như cho vay trên thị trường 1.
Với hình thức này, đòi hỏi bên vay phải có tài sản đảm bảo, hoàn thiện hồ sơ và thẩm định đúng quy trình của một hồ sơ vay vốn trên như trên thị trường 1. Trên thực tế, những ngân hàng thế chấp bằng nhà đất, bất động sản thì thời gian thẩm định rất lâu, chưa kể không phải tổ chức tín dụng nào cũng có tài sản đảm bảo đủ để vay hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, thế nên mới có chuyện xoay xở huy động vàng như nói trên.
Trước tình trạng này, một số chủ nợ cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên tái cấp vốn để hỗ trợ cho những ngân hàng yếu kém thanh khoản, để họ có tiền trang trải nợ nần cho bên vay, trong đó có khoản nợ trên thị trường 2.
Nhưng thực tế, Ngân hàng Nhà nước lại chỉ ưu tiên duyệt tái cấp vốn đối với những khoản nợ trên thị trường dân cư và tổ chức, vì thế, hành trình đòi nợ của những chủ nợ vì chữ tín trên thị trường liên ngân hàng, có lẽ, đang đi vào ngõ cụt.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate