Như VnEconomy đã đưa, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây đã ban hành Thông tư 16 quy định về hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại và sẽ có hiệu lực vào ngày 15/1/2022.
Trong đó, điểm nhấn của Thông tư này tập trung vào việc đưa ra quy định chi tiết về trường hợp tổ chức tín dụng không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích: để tái cơ cấu nợ; góp vốn/mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác; tăng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp phát hành.
Theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC), quy định mới tác động không đáng kể do trước đây các ngân hàng cũng không tham gia vào các hoạt động này.
Đối với quy định, các ngân hàng không được bán và mua lại trái phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết trong vòng 12 tháng, VCSC cho rằng các ngân hàng trước đây kiểm soát tăng trưởng tín dụng bằng cách bán trái phiếu doanh nghiệp vào cuối năm và sau đó mua lại vào năm mới. Tuy nhiên, hành vi này hiện đã bị cấm bởi quy định trước đó.
Còn với quy định các ngân hàng không được chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp cho các công ty con của họ, VCSC lấy ví dụ cụ thể tại Techcombank và nhấn mạnh điều khoản này hiện không cho phép Techcombank chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con TCBS.
Tuy nhiên, Techcombank cho biết trước đây biết số lượng này là rất nhỏ và sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của ngân hàng. Đồng thời, VCSC lưu ý, Thông tư 16 không có tác động đến quỹ thị trường tiền tệ của TCBS vì vai trò của công ty chứng khoán này là nhà quản lý quỹ chứ không phải chủ sở hữu.
Nhìn chung, VCSC đánh giá, Thông tư 16 sẽ có tác động làm giảm lượng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường liên ngân hàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước có khả năng đang khuyến khích các ngân hàng thực hiện chiến lược mua và nắm giữ đối với danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Hiện tại, xét về cơ cấu, nhóm ngân hàng đang đứng ở vị trí thứ 2, chỉ sau nhóm bất động sản về giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2021. Mục đích chính nhằm thực hiện tăng vốn cấp 2 và cải thiện tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trước nhu cầu vốn trung và dài hạn rất lớn từ doanh nghiệp.
Mặt khác, các ngân hàng đóng vai trò là người mua chính với 56% tổng giá trị toàn thị trường. Riêng khối lượng ngân hàng tham gia trực tiếp mua trái phiếu của các ngân hàng khác trên thị trường sơ cấp đã chiếm khoảng 23,2% lượng trái phiếu toàn nhóm ngân hàng phát hành.
Theo theo FiinGroup thống kê tại 29 ngân hàng thương mại, số dư trái phiếu doanh nghiệp thời điểm 30/6/2021 ở mức 403.700 tỷ đồng, tương đương giá trị trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng mà các ngân hàng này cũng đang nắm giữ tại thời điểm đó.