Ở thời điểm hiện tại, mặc dù sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện, song giới phân tích đánh giá hệ số an toàn vốn (CAR) của hệ thống vẫn thấp hơn nhiều so với khu vực. Chưa kể, trong bối cảnh lãi suất ngày càng giảm, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp yếu đi, huy động vốn của ngân hàng sẽ ngày càng khó khăn. Bởi vậy, năm 2024 rất nhiều ngân hàng đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của SHB diễn ra chiều 25/4, báo cáo của ngân hàng này cho thấy: năm 2023, ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức 7.321 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 5.929 tỷ đồng. Đại hội đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 16% vốn điều lệ, hay 5.859 tỷ đồng, theo hai cấu phần.
SHB sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 5%, tổng số tiền dự kiến dùng để chia là 1.831 tỷ đồng. Về cấu phần thứ hai, ngân hàng cũng sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 11%, tương ứng số tiền 4.029 tỷ đồng. Sau khi chia cổ tức, lợi nhuận để lại chưa phân phối sẽ là 69,4 tỷ đồng.
Hiện vốn điều lệ của SHB đang là 36.194 tỷ đồng. Ngân hàng đang hoàn tất các thủ tục để nâng vốn lên 36.629 tỷ đồng sau khi phát hành thêm 43,5 triệu cổ phiếu ESOP.
Nếu hoàn thành kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 11%, vốn điều lệ của SHB dự kiến sẽ lên gần 40.658 tỷ đồng. Kế hoạch trên dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm 2024.
Sau khi chia cổ tức, quy mô vốn điều lệ của SHB vẫn sẽ đứng thứ 9 ngành ngân hàng, sau ACB và trước HDBank. Trong nhóm cổ phần, vốn điều lệ của SHB đứng thứ 5.
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB, đánh giá tình hình chung cả quốc tế và trong nước năm 2024 còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Doanh nghiệp khó khăn sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng. Do đó, SHB sẽ dồn lực xử lý nợ xấu trong năm nay, thành lập các tổ từ trụ sở đến các phòng giao dịch đồng hành với khách hàng. Ông Hiển cho biết dù kế hoạch trình Đại hội đồng cổ đông là kiểm soát nợ xấu dưới 3% nhưng ban lãnh đạo ngân hàng quyết tâm đưa nợ xấu về dưới 2%.
Tại Đại hội đồng cổ đông của SHB, cổ đông cũng chất vấn ban lãnh đạo về định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024. Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cho biết tăng trưởng tín dụng phải đảm bảo an toàn hoạt động, lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực, phương án khả thi, tỷ lệ cho vay đảm bảo. Hiện, tỷ lệ cho vay lĩnh vực bất động sản của ngân hàng SHB là 16%, SHB có tỷ lệ trái phiếu rất thấp, các khoản này đều đúng mục đích và có tài sản đảm bảo.
Với Techcombank, tỷ lệ an toàn vốn CAR theo Thông tư 41 được duy trì ở mức 14,4% (tại ngày 31/12/2023), cao hơn rất nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8% của Ngân hàng Nhà nước và đứng thứ 2 toàn hệ thống nhưng tại kỳ đại hội đồng cổ đông mới đây, ngân hàng này vẫn thông qua kế hoạch tăng gấp đôi vốn điều lệ lên hơn 70.450 tỷ đồng trong năm 2024. Ở mức vốn này, bộ đệm an toàn của ngân hàng được xác lập ở mức tiệm cận với nhiều ngân hàng lớn trong khu vực.
Một ngân hàng khác là SeABank, kết thúc năm 2023, vốn điều lệ ngân hàng này ở mức 24.957 tỷ đồng, mức vốn này giúp ngân hàng nâng cao hệ số CAR, đầu tư công nghệ, bổ sung nguồn lực cho vay. Hiện tại, SeABank thuộc nhóm số ít ngân hàng áp dụng Basel III áp dụng hơn 1 năm qua. Bởi vậy, ngân hàng đã tối ưu được tài sản có rủi ro (RWA) và vốn bằng các phương pháp luận nâng cao cho phép tính toán đo lường nhạy cảm với rủi ro và thị trường. Nhờ đó, Ngân hàng có thể cân đối được giữa rủi ro và cơ hội sinh lời của việc nắm giữ vốn, cải thiện thanh khoản, nâng cao khả năng xử lý rủi ro tín dụng, đơn giản hóa cách thức xử lý rủi ro hoạt động.
Hay như mới đây, LPBank cũng lên kế hoạch chào bán tối đa 800 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên hơn 33,5 nghìn tỷ đồng.
Theo giới phân tích, từ 2020 đến nay, hệ thống ngân hàng Việt Nam trải qua hàng loạt cú sốc từ bên trong đến bên ngoài, đặc biệt là sản xuất đình trệ, khả năng trả nợ vay giảm mạnh, khối lượng nợ xấu toàn hệ thống hiện ngấp nghé 5%/tổng dư nợ. Bởi vậy, nỗ lực tăng vốn điều lệ của các ngân hàng nhằm củng cố năng lực tài chính để xử lý các rủi ro nợ xấu được cho là dễ hiểu.
Ngoài ra, cũng theo các chuyên gia, mặc dù thu nhập phi lãi ngày càng tăng nhưng thu nhập từ lãi vẫn là kênh chủ đạo ở tất cả các ngân hàng. Do đó, việc tăng vốn còn có ý nghĩa vừa mở rộng quy mô tín dụng, vừa gia tăng thu nhập, vừa pha loãng tỷ lệ nợ xấu.