Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong - TPBank (TPB) vừa thông qua chủ trương lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế vốn cấp II trong năm 2019.
Được biết số trái phiếu này sẽ được niêm yết tại thị trường chứng khoán Singapore và là trái phiếu thường, không chuyển đổi.
Không chỉ TPBank, trong những tháng nửa đầu năm 2019, hàng loạt nhà băng cũng đã rục rịch thực hiện kế hoạch phát hành trái phiếu.
Cuối tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam - Vietinbank (CTG) cũng đã nhận được chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước về việc phát hành trái phiếu năm 2019 với tổng mệnh giá phát hành là 10.000 tỷ đồng.
Trước đó, Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) cũng đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ đợt 1 trong năm 2019 với 2.500 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu tương ứng tổng giá trị phát hành là 2.500 tỷ. Trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được đảm bảo bằng tài sản và không phải là nợ thứ cấp của ACB, trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm.
Đáng chú ý là HDBank, trong vòng 6 tháng đầu năm ngân hàng này đã thực hiện 4 đợt phát hành trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo. Đợt 1 và đợt 2 phát hành trong tháng 4 với 25 triệu trái phiếu tương ứng tổng giá trị phát hành 2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 2-3 năm. Đợt 3 và đợt 4 phát hành trong tháng 5 với tổng giá trị 1.900 tỷ, trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Tổng cộng, nhà băng này đã phát hành 4.400 tỷ đồng trái phiếu từ đầu năm đến nay.
Việc các ngân hàng chọn phát hành trái phiếu trở thành xu hướng khi huy động vốn cấp 1 gặp nhiều khó khăn, dẫn tới sự cần thiết phải huy động vốn cấp 2 qua trái phiếu để bổ sung tăng tín dụng trung và dài hạn. Tuy vậy, với kỳ hạn 2-3 năm, áp lực tài chính cũng sẽ dồn lên các ngân hàng này trong vài năm tới.
Dự thảo thông tư thay thế thông tư 36/2014/TT-NHNN vừa qua đã đưa ra lộ trình đưa tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về 30%.
Cụ thể, đối với phương án 1, từ ngày thông tư có hiệu lực đến 30/6/2020, áp dụng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung hạn và dài hạn là 40%; từ 01/7/2020 đến 30/6/2021, tỷ lệ áp dụng là 35%; và từ 01/7/2021 trở đi tỷ lệ áp dụng là 30%.
Phương án 2, từ ngày thông tư có hiệu lực đến 30/6/2020, áp dụng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung hạn và dài hạn là 40%; từ 01/7/2020 đến 30/6/2021, tỷ lệ áp dụng là 37%; từ 01/7/2021 đến 30/6/2022, tỷ lệ áp dụng là 34%; và từ 01/7/2022 trở đi, tỷ lệ áp dụng là 30%.
Hiện tại tỷ lệ này được quy định ở mức tối đa là 40% từ 1/1/2019, giảm từ mức 45% năm 2018. Để đảm bảo tỷ lệ này giảm về mức 30%, các ngân hàng sẽ phải tiến hành tăng nguồn vốn ngắn hạn cũng như nguồn vốn trung dài hạn, đồng thời giảm tổng dư nợ trung dài hạn.