May 06, 2021 | 15:45 GMT+7

Ngân hàng không “gồng” nổi, VN-Index đỏ

Kim Phong -

Một số cổ phiếu ngân hàng hôm nay vẫn rất xuất sắc, nhưng không thể “gồng” cho toàn thị trường được. Độ rộng quá hẹp do quá nhiều mã giảm giá, khiến VN-Index ngắt mạch 5 phiên tăng liên tiếp...

VN-Index giảm khá nhẹ, nhưng rất nhiều cổ phiếu giảm mạnh hôm nay.
VN-Index giảm khá nhẹ, nhưng rất nhiều cổ phiếu giảm mạnh hôm nay.

Số cổ phiếu giảm giá trong rổ VN30 nhiều hơn 3 lần số tăng. Trong 7 mã tăng ở rổ này thì xuất sắc nhất là TCB tăng 2,5%, VPB tăng 1,98%. Một mã ngân hàng khác ngoài VN30 cũng rất mạnh là VIB tăng 6,36%. Đây là 3 cổ phiếu trụ cột đối với VN-Index khi kéo lại gần 3 điểm tăng, giúp chỉ số này chỉ mất 5,86 điểm.

Ngay cả khi như vậy thì TCB, VPB và VIB cũng không đại diện cho nhóm ngân hàng được. Nhiều mã trong nhóm này bắt đầu bị xả mạnh và giảm giá. Đáng kể nhất là VCB giảm 1,88%, BID giảm 1,55%, CTG giảm 1,04%, STB giảm 1,21%, TPB giảm 175%...

Đà đi lên của cổ phiếu ngân hàng không còn đồng loạt nữa. Thực ra nhóm này cũng chỉ có một vài cổ phiếu tạo cảm hứng chung như TCB, VPB. TCB vào xu thế tăng ngắn hạn cực mạnh phiên thứ 6 với mức tăng trên 19%. VPB thậm chí tăng liên tục 8 phiên với biên độ trên 26%. Do các cổ phiếu này tăng quá tốt, thu hút chú ý nên nhiều mã ngân hàng hôm qua bật tăng theo.

Thực tế nhiều cổ phiếu ngân hàng không có được xu hướng tăng rõ và mạnh như hai cổ phiếu nói trên, nên rất dễ quay đầu giảm. Ví dụ VCB hôm qua tăng 2,1%, hôm nay đã giảm ngay 1,88%, BID hôm qua tăng 1,5%, hôm nay giảm 1,55%.

Khi nhóm cổ phiếu dẫn dắt đã phân hóa mạnh, chỉ sót lại các cổ phiếu thật sự khỏe, thì phần còn lại của thị trường cũng suy yếu theo. Độ rộng sàn HSX phiên này quá hẹp với số mã giảm giá nhiều gấp 2,3 lần số tăng giá. Độ rộng rất hẹp duy trì rất lâu trong cả phiên, thời điểm duy nhất khá tích cực là khoảng 9h30 sáng với 234 mã tăng/104 mã giảm. Đó cũng là thời điểm VN-Index cao nhất trong ngày, tăng 0,4% so với tham chiếu. Toàn bộ thời gian còn lại số mã giảm giá đều áp đảo.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc rất nhiều cổ phiếu đạt đỉnh đầu phiên sau đó đổ đèo giảm. Ngay cả những mã siêu khỏe như TCB thì cũng phải đi lùi cỡ 0,7%. Những mã yếu thì tạo bull-trap khá lớn trong phiên như CTG giảm so với đỉnh 1,8%, HDB giảm 2,2%, MBB giảm 1,6%, VCB giảm 2,3%, BID giảm 1,6%, STB giảm 2%...

Thị trường mất trụ ở nhóm ngân hàng nhưng cũng không có các cổ phiếu lớn khác thay thế. VIC sụt giảm 0,9%, VHM giảm 0,9%, GAS giảm 0,7%, SAB giảm 2,74%. Đặc biệt VNM rơi tới 2,61%, là mức giảm mạnh nhất 6 phiên. Kể từ sau phiên phá đáy ngày 27/4 vừa qua, VNM đã bốc hơi thêm 6,7% giá trị. Cổ phiếu này đang hướng tới đáy thấp nhất 12 tháng ở quanh ngưỡng 85.000 đồng từ tháng 7 năm ngoái.

Cổ phiếu VNM đang hướng tới đáy thấp nhất 12 tháng.
Cổ phiếu VNM đang hướng tới đáy thấp nhất 12 tháng.

VN30-Index đóng cửa giảm khá nhẹ 0,17% dù có số mã giảm tới 23, số tăng chỉ có 7. Lý do là TCB và VPB, cộng thêm NVL vốn hóa lớn trong chỉ số này. Trong khi đó VN-Index giảm 0,47%. Cả sàn HSX ghi nhận gần 150 mã giảm trên 1% hôm nay, một mức thiệt hại khá lớn nếu so với mức điều chỉnh nhẹ ở chỉ số.

Dòng tiền cũng sụt giảm khá nhiều ở các blue-chips, với tâm điểm là các mã ngân hàng. VPB và TCB giao dịch nổi bật và vẫn hút được tiền nhiều. Cụ thể, VPB khớp gần 28,9 triệu cổ tương ứng 1.766,5 tỷ đồng. TCB khớp 26,7 triệu cổ tương ứng 1.235,8 tỷ đồng. Số mã ngân hàng khớp trên ngàn tỷ đồng đã ngày càng ít đi. VN30 giảm giá trị giao dịch khoảng 10% so với ngày hôm qua.

Nhà đầu tư nước ngoài có thêm một phiên bán ròng dữ dội nữa. Tổng giá trị bán ròng sàn HSX tới 1.104,6 tỷ đồng. Hai phiên trước qua khối này đã bán ròng tới 1.494 tỷ đồng.

Blue-chips vẫn là nhóm mã bị xả ròng lớn nhất. VPB gây sốc với mức bán ròng 311,9 tỷ đồng. VNM bị ép mạnh từ khối ngoại, lượng bán chiếm 53% thanh khoản và mức bán ròng tới 287 tỷ đồng. HPG bị xả ròng 229 tỷ đồng. KBC, MSB, VCI, SSI, POW, VRE, PHR, PLX, VIC, GAS, VJC, VHM là các mã khác bị bán ròng nhiều, tối thiểu đều trên 20 tỷ đồng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate