April 26, 2022 | 17:06 GMT+7

Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ, lãi suất VND tiếp tục giảm

Với nghiệp vụ bán ngoại tệ kỳ hạn của Ngân hàng Nhà nước, một lượng tiền VND sẽ được quay về "kho" nhưng thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào bất ngờ...

Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ kỳ hạn và một lượng lớn tiền đồng quay về "kho"
Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ kỳ hạn và một lượng lớn tiền đồng quay về "kho"

Ghi nhận trên thị trường ngoại hối tuần trước (18 – 22/4), VND đã điều chỉnh giảm giá tương đối mạnh khi nhiều áp lực dần xuất hiện.

Cụ thể, trên thị trường liên ngân hàng, USD giao dịch quanh mức 22.960 VND (tăng 60 VND so với tuần trước). Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại tăng 60 VND, kết tuần ở mức 22.790/23.110 VND. Hay như tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng 25 VND, giao dịch ở 23.300/23.380 VND.

Còn các áp lực xuất hiện như cán cân thương mại đảo chiều sang nhập siêu tới 1,6 tỷ USD chỉ trong nửa đầu tháng 4. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp FDI đang gấp rút thực hiện chuyển lợi nhuận về công ty mẹ vào cuối năm tài chính nên nhu cầu USD tăng đột biến.

Với diễn biến trên, Ngân hàng Nhà nước đã phải sử dụng công cụ bán USD kỳ hạn 3 tháng nhằm hỗ trợ thanh khoản USD cho thị trường. Đây là lần đầu tiên kể từ giữa năm 2018 đến nay, nhà điều hành thực hiện nghiệp vụ này.

Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng liên tục giảm
Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng liên tục giảm

Điều đáng nói, mặc dù nhà điều hành bán USD và lượng VND đối ứng sẽ bị hút về "nhập kho”, tuy nhiên thanh khoản VND trong hệ thống vẫn rất dồi dào. Thể hiện rõ nhất ở diễn biến lãi suất liên ngân hàng VND.

Cụ thể, lãi suất VND kỳ hạn qua đêm tụt sâu dưới mốc 2%/năm và dừng tại mức 1,90%/năm, tương đương giảm 0,33 điểm phần trăm so với cuối tuần trước. Tương tự, kỳ hạn 1 tuần cũng giảm 0,38 điểm phần trăm, xuống còn 2,02%/năm.

Theo giới chuyên môn, việc thanh khoản hệ thống dồi dào bất chấp hành động hút bớt tiền về từ nghiệp vụ bán ngoại tệ kỳ hạn là do 2 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, tiền gửi cư dân quay trở lại quỹ đạo sau hai năm lạc nhịp. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm, người dân đã gửi ròng vào hệ thống ngân hàng khoảng 159.000 tỷ đồng, tăng 3% so với thời điểm đầu năm. Thậm chí mức gửi ròng này còn cao hơn mức tăng 158.000 tỷ đồng của cả năm 2021.

Thứ hai, dù Ngân hàng Nhà nước chưa công bố số liệu trong tháng 4/2022, nhưng dường như tăng trưởng tín dụng đã phần nào chậm lại trong bối cảnh Chính phủ có những động thái cứng rắn đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.

Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ, lãi suất VND tiếp tục giảm - Ảnh 1

Quay trở lại với diễn biến tuần trước nhưng ở thị trường trường trái phiếu Chính phủ, Kho bạc Nhà nước gọi thầu tổng cộng 5.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, và đã phát hành thành công 2.500 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ trúng thầu đạt 50%.

Như vậy, tính đến hiện tại, chỉ có 11,5% kế hoạch phát hành năm và 3,9% kế hoạch quý của Kho bạc Nhà nước được thực hiện.

Với áp lực giải ngân vẫn chưa lớn trong quý 2 nên nguồn cung trái phiếu Chính phủ sẽ chưa có sự cải thiện nhiều. Trái lại, sự chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ trên 2 thị trường sơ cấp và thứ cấp vẫn được duy trì khiến nhu cầu đầu tư vẫn thận trọng.

Do đó nhiều khả năng, diễn biến trên thị trường trái phiếu Chính phủ sẽ không có nhiều biến động, ít nhất từ nay đến hết quý 2/2022.

Được biết, trong tuần này, Ngân hàng Chính sách xã hội lần đầu tiên trong vòng 6 tháng gọi thầu tổng cộng 3,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu ở các kỳ hạn 3 năm, 5 năm, 10 năm và 15 năm. Trong khi đó, Kho bạc Nhà nước vẫn giữ nguyên mức chào bán như tuần trước là 5.000 tỷ đồng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate