Số liệu từ một thành viên tham gia thị trường cho biết, nghiệp vụ thị trường mở (OMO) đã ghi nhận khối lượng trúng thầu gần 10.000 tỷ đồng trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021.
Cụ thể, ngày 31/12/2021, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh OMO và đã có 2 tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn trên với giá trị 9.977,3 tỷ đồng.
Trước đó, nhà điều hành vẫn duy trì chào thầu đều đặn mỗi phiên 5.000 tỷ đồng. Nhưng khối lượng trúng thầu khá nhỏ. Đến cuối phiên 30/12/2021, chỉ có 562,45 tỷ đồng lưu hành trên kênh này.
Như vậy, mùa cao điểm về thanh khoản hệ thống ngân hàng đã chính thức bắt đầu. Tính riêng trong tuần trước Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 10.537,71 tỷ đồng ra thị trường. Đây cũng là khối lượng đang lưu hành trên kênh này tại phiên cuối năm 2021, thay vì “đóng băng” gần như không có giao dịch kéo dài trong quãng thời gian trước đó.
Diễn biến trên có hai điểm đáng chú ý. Thứ nhất, mùa cao điểm thanh khoản hệ thống năm 2021 đến sớm. Tại thời điểm chốt năm 2020 Ngân hàng Nhà nước không phải bơm ròng ra hỗ trợ hệ thống một đồng nào.
Trong tuần trước Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 10.537,71 tỷ đồng ra thị trường. Đây cũng là khối lượng đang lưu hành trên kênh này tại phiên cuối năm 2021, thay vì “đóng băng” gần như không có giao dịch trong một thời gian dài trước đó
Thứ hai, các tổ chức tín dụng này đã chấp nhận nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước với lãi suất lên tới 2,5%/năm, kỳ hạn 14 ngày. Mức lãi suất này cao hơn nhiều so với lãi suất liên ngân hàng cùng kỳ hạn hiện chỉ vào khoảng 1,9%/năm.
Tại diễn biến liên quan đến thanh khoản, số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 24/12/2021, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 12,97%, bứt tốc khá nhanh so với mức 10,1% của ngày 25/11. Tương đương các ngân hàng thương mại đã cung ứng ra thị trường gần 300.000 tỷ đồng trong hơn 1 tháng.
Thậm chí, nếu tính đến hết ngày 31/12/2021, con số được các ngân hàng thương mại cung ứng ra thị trường có thể còn lớn hơn rất nhiều. Bởi lẽ, hoạt động giải ngân thường cấp tập hơn vào những ngày cuối cùng của năm. Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, tăng trưởng tín dụng năm 2021 của toàn nền kinh tế có khả năng sẽ đạt khoảng 13,5%.