July 14, 2022 | 17:02 GMT+7

Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng gần 200.000 tỷ đồng

Một lượng tiền lớn đã được được rút ròng về Ngân hàng nhà nước với mức lãi suất khá thấp, chỉ khoảng 1,5%/năm, nhưng các ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục nâng mặt bằng lãi suất huy động...

Dữ liệu từ thị trường cho thấy, hôm qua (13/7), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu tín phiếu. Theo đó, có gần 2.000 tỷ đồng trúng thầu với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 0,9% và gần 6.000 tỷ đồng trúng thầu kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 1,5%.

Trái lại có 4.525 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, lượng tín phiếu đang lưu hành ở mức 191.098 tỷ đồng, tương đương khối lượng tiền bị Ngân hàng Nhà nước hút ròng thời gian qua.

Bị hút ròng lượng tiền lớn nhưng thanh khoản trong hệ thống vẫn khá dồi dào. Lãi suất VND liên ngân hàng các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng chỉ nhích tăng.

Thậm chí, tại kỳ hạn qua đêm còn có xu hướng giảm so với cuối tuần trước. Cụ thể, chốt ngày 13/7, lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm dừng ở mức 0,77%/năm, trong khi lãi suất VND cùng kỳ hạn cuối tuần trước là 0,80%/năm.

Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng gần 200.000 tỷ đồng - Ảnh 1

Không chỉ hút ròng trên kênh tín phiếu thị trường mở, tiền còn bị Ngân hàng Nhà nước rút về thông qua nghiệp vụ bán ngoại tệ. Trong báo cáo mới công bố, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính, để kìm hãm sự mất giá của VND, nhà điều hành tiền tệ đã bán ra khoảng 12-13 tỷ USD từ đầu năm, tương đương khoảng 270.000 – 300.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, mặc dù tiền bị hút mạnh với mức lãi suất rất thấp nhưng các ngân hàng thương mại vẫn đều đặn nâng mặt bằng lãi suất huy động tại thị trường 1 (ngân hàng với dân cư). Tại một vài đơn vị còn xuất hiện mức chênh lệch khoảng 0,3 – 0,5 điểm phần trăm giữa lãi suất thực tế và niêm yết, thông qua các chương trình khuyến mãi cũng như cộng thêm phần trăm lãi suất dành cho gửi online.

Có hai nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng ngược chiều trên.

Thứ nhất, nguồn cung USD trên thị trường không dồi dào như những năm vừa qua. Trên thị trường chứng khoán, lũy kế nửa đầu năm 2022, khối ngoại chỉ mua ròng khoảng 100 triệu USD. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2022 giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước.

 

Chênh lệch lãi suất VND - USD vẫn đang duy trì ở mức âm khoảng 0,9 điểm phần trăm. Đồng nghĩa, tỷ giá USD/VND vẫn chịu áp lực tăng đáng kể.

Ngoài ra, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ 6 tháng đầu năm 2022 ước tính xuất siêu 710 triệu USD, là mức tương đối khiêm tốn; trong khi đó, nhập siêu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2022 là 8 tỷ USD. Hoạt động chào mua ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước, với khối lượng đợt 3 lên tới 200 triệu USD qua hình thức giao dịch giao ngay với các ngân hàng thương mại.

Trái lại, nguồn cung VND trong ngắn hạn lại tương đối dồi dào, trong bối cảnh các ngân hàng cạn room tín dụng, lũy kế 6 tháng đầu năm ngân sách nhà nước thặng dư khiến nguồn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước dồi dào cùng nguồn cung VND từ hoạt động chào mua ngoại tệ. Trong khi đó, hoạt động phát hành tín phiếu chỉ có kỳ hạn ngắn (1 tuần và 2 tuần) nên thanh khoản VND vẫn tương đối dồi dào.

Đây là một phần lý do chênh lệch âm giữa lãi suất VND và USD trên thị trường liên ngân hàng vẫn tiếp tục gia tăng. Cũng chính vì lý do này, Ngân hàng Nhà nước sử dụng hai công cụ gồm dự trữ ngoại hối và tín phiếu để hút VND trên thị trường 2 để tác động lên thanh khoản hệ thống, từ đó kiếm chế áp lực tăng tỷ giá USD/VND.

Thứ hai, thời gian tới, khi Ngân hàng Nhà nước cấp thêm room tín dụng, nguồn cung VND dự kiến sẽ không còn được dồi dào. Mặt khác, đến 1/10/2022, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ chính thức giảm từ 37% xuống 34%. Để chuẩn bị cho các diễn biến trên, các ngân hàng thương mại buộc phải tiếp tục gia tăng huy động vốn.

Theo giới chuyên môn, cuộc họp tổng kết ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm và hoạt động trong 6 tháng cuối năm được Ngân hàng Nhà nước tổ chức vào cuối tuần này kỳ vọng sẽ có những thông báo rõ ràng hơn về chính sách tín dụng trong thời gian tới. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới xu hướng ngược chiều như đã nêu.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate