October 27, 2023 | 23:28 GMT+7

Ngân hàng Nhà nước đề ra 5 giải pháp đẩy mạnh tiếp cận tín dụng

Kỳ Phong -

Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đã có sự cải thiện kể từ tháng 5/2023 nhưng vẫn chậm, đến 24/10, vẫn chưa đạt 50% mục tiêu 14% - 15% cho cả năm...

Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức rất thấp.
Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức rất thấp.

Ngày 27/10/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam  tổ chức Hội nghị triển khai Công điện 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023 và đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ với sự tham gia của đại diện nhiều bộ/ngành.

Tại hội nghị, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết cho biết đến ngày 24/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,81% so với cuối năm 2022, trong đó từ tháng 5 trở lại đây đã tăng nhanh hơn. Tín dụng đối với doanh nghiệp đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 50% dư nợ toàn nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian tới,  để triển khai và cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023, cơ quan này sẽ tiếp tục tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp nhằm góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Thứ nhất, tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thích ứng kịp thời với biến động của thị trường trong và ngoài nước. Điều tiết tiền tệ, thanh khoản thị trường hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Thứ hai, điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn tín dụng.

Thứ ba, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, chú trọng: (i) Quyết liệt thực hiện theo thẩm quyền các biện pháp để thúc đẩy triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP; theo sát tình hình, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các vấn đề vượt thẩm quyền; chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường công tác thông tin truyền thông, hướng dẫn khách hàng, đối tượng thụ hưởng trong tiếp cận chính sách. (ii) Đẩy mạnh triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp ngành lâm nghiệp, thủy sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 225, Văn bản 4960/VPCP-KTTH ngày 05/7/2023. (iii) Tiếp tục rà soát, đẩy mạnh triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Thứ tư, khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 03 và Thông tư 06 để kịp thời ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn thị trường, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ năm, đề nghị các tổ chức tín dụng tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp: Tập trung phân bổ nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, đồng thời tiếp tục tăng cường kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tiếp tục nỗ lực tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu.

Chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tiếp tục rà soát, rút gọn, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, ứng dụng chuyển đổi số vào quy trình cho vay, tăng tốc độ xử lý hồ sơ khách hàng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate