June 19, 2024 | 13:19 GMT+7

Ngân hàng Nhà nước đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ trong bối cảnh nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm

Phan Linh -

Ngân hàng Nhà nước cho biết đến 14/6, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 3,79%; có những tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, thậm chí tăng trưởng âm...

Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp.
Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp.

Sáng 19/6, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024. Số liệu cho thấy đến 14/6/2024, tăng trưởng tín dụng tăng 3,79% so với cuối năm 2023; tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng nhưng vẫn nằm trong vùng đáy của 10 năm trở lại đây.  

TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG "LỘI BÌ BÕM" Ở VÙNG ĐÁY 10 NĂM

Theo đó, trong giai đoạn 2014-2024, có những năm ghi nhận tăng trưởng tín dụng chậm trong nửa đầu năm là 2014 là 3,72%; 2020 là 3,65%; 2023 ở mức 4,71% và 2024 là 3,79% (tính đến 14/6).

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm ở những năm 2022 là rất cao, lên tới 9,44%; 2021 là 6,44%; 2019 ở mức 7,36%; 2018 là 7,86%; 2017 9,01%; 2016 là 8,21%; 2015 là 7,86%...

Ngân hàng Nhà nước cho biết tại một số địa phương tăng trưởng tín dụng còn thấp; có những tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, thậm chí tăng trưởng âm.

 

Đến 31/3/2024, có 7 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng âm là Vietcombank (-0,3%); SHB (-0,7%); SaigonBank (-1,1%); VietCapitalBank (-1,2%); PGBank (-1,8%); TPBank (-3,3%); cá biệt có Ngân hàng An Bình ghi nhận tín dụng sụt giảm tới 19,3% trong quý 1/2024.

Cập nhật từ báo cáo tài chính quý 1/2024 các ngân hàng.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, tín hiệu này cho thấy về tổng thể cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ được cho là động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định, một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, cùng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân.

Cập nhật báo cáo tài chính quý 1 của các ngân hàng niêm yết cho thấy, đến 31/3/2024, có 7 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng âm là Vietcombank (-0,3%); SHB (-0,7%); SaigonBank (-1,1%); VietCapitalBank (-1,2%); PGBank (-1,8%); TPBank (-3,3%); cá biệt có Ngân hàng An Bình ghi nhận tín dụng sụt giảm tới 19,3% trong quý 1/2024.

Một số ngân hàng khác như BIDV tăng trưởng tín dụng thấp trong quý 1, chỉ 0,9%; MBB chỉ 0,4%. 

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì hội nghị.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì hội nghị.

Hầu hết các ngân hàng niêm yết còn lại tăng trưởng tín dụng từ 2% đến 5% trong quý 1/2024. 

Động lực tăng trưởng tín dụng chủ yếu đến từ phân khúc khách hàng doanh nghiệp, trong khi tín dụng bán lẻ chưa ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Các ngân hàng tư nhân có tỷ trọng cho vay bất động sản - xây dựng ở mức cao ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng khả quan hơn so với trung bình ngành như LPB (11,7%), Techcombank (7,1%), HDBank (6,2%)….

Giới phân tích đánh giá nhu cầu tín dụng của nền kinh tế trong nửa đầu năm nhìn chung vẫn ở mức yếu do: (1) Nền kinh tế và thị trường bất động sản phục hồi chậm, mức thu nhập cũng như khả năng trả nợ vẫn chưa có nhiều sự cải thiện. (2) Lượng lớn tín dụng đã được đẩy nhanh giải ngân tại thời điểm cuối 2023.

BẢY NHÓM NHIỆM VỤ THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG 

Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm  khả quan hơn và xác định 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm điều hành tín dụng 6 tháng cuối năm 2024.

Thứ nhất, điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu tại Nghị quyết 01 của Chính phủ.

Trong điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất tiếp tục được điều hành ổn định theo hướng từng bước giảm mặt bằng lãi suất chung trong nền kinh tế; điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo sự hài hòa giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng công bố công khai lãi suất cho vay bình quân.

Thứ hai, khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024 đảm bảo hiệu lực thi hành Luật từ 1/7/2024; đồng thời, tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Thứ ba, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn có tính mùa vụ cao đối với một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực (lúa gạo, cà phê, thủy sản,…); rà soát để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế: lĩnh vực bất động sản, các dự án hạ tầng giao thông, các ngành như xi măng, sắt, thép, vật liệu xây dựng,…

Thứ tư, triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội; chương trình cho vay 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; mở rộng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Thứ năm, tiếp tục rà soát để hoàn thiện và đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: sửa đổi chương trình tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng theo hướng ưu đãi hơn; báo cáo cấp có thẩm quyền về chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ sáu, theo dõi sát tình hình triển khai Thông tư 06/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Tiếp tục chỉ đạo tổ chức kết nối ngân hàng – doanh nghiệp theo nhiều hình thức. Tổ chức các đoàn công tác của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tại các địa phương về công tác tín dụng và theo chuyên đề nhằm kịp thời nắm bắt, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong hoạt động tín dụng.

Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng tại các Chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục triển khai các kế hoạch, chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng 6 vùng kinh tế.

 

Từ đầu năm 2024 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 8 văn bản (gồm 1 Chỉ thị, 1 Quyết định, 1 Thông báo, 5 Công văn) chỉ đạo toàn hệ thống về công tác tín dụng

Trong đó, ngày 18/6/2024, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06 kéo dài thời gian thực hiện chính sách tại Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết ngày 31/12/2024.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước nâng quy mô gói tín dụng lâm sản thủy sản lên 30.000 tỷ đồng; đang đề xuất sửa đổi chương trình 120.000 tỷ đồng nhà ở xã hội theo hướng ưu đãi hơn…

 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate