October 21, 2022 | 16:20 GMT+7

Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp

Kể từ ngày Thông tư 12/2022/TT-NHNN có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp cần thực hiện báo cáo trực tuyến trên Trang điện tử về tình hình vay, trả nợ nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh với định kỳ báo cáo hàng tháng...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ngân hàng Nhà nước ban hành công văn số 7297/NHNN-QLNH về việc triển khai thực hiện Thông tư 12/2022/TT-NHNN hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã ban hành Thông tư 12/2022/TTNHNN (thay thế Thông tư 03/2016/TT-NHNN) nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.

Trên nguyên tắc kế thừa những quy định đang được áp dụng hiệu quả tại Thông tư 03/2016/TT-NHNN, Thông tư 12/2022/TT-NHNN có sự sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của hoạt động vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp cũng như mục tiêu quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, trường hợp bên đi vay lựa chọn khai báo thông tin đăng ký, đăng ký thay đổi để giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính, bên đi vay sử dụng trang điện tử để khai báo thông tin liên quan đến khoản vay được đăng ký, khai báo thông tin về các nội dung đề nghị xác nhận đăng ký thay đổi trước khi gửi hồ sơ đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài.

Đối với việc báo cáo tình hình thực hiện khoản vay nước ngoài, bên đi vay phải sử dụng trang điện tử để thực hiện chế độ báo cáo trực tuyến theo quy định tại thông tư này.

Thông tư 12 cũng quy định một số khoản vay phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước. Đó là các khoản vay trung, dài hạn nước ngoài; khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 1 năm.

Doanh nghiệp cũng phải đăng ký khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm cả nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểm tròn 1 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp bên đi vay hoàn thành thanh toán dư nợ gốc nói trên trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ thời điểm tròn 1 năm tính từ ngày rút vốn đầu tiên.

 

Thỏa thuận vay nước ngoài để thực hiện đăng ký khoản vay là các thỏa thuận có hiệu lực rút vốn được ký kết giữa bên đi vay và bên cho vay là người không cư trú; các công cụ nợ do người cư trú phát hành cho người không cư trú ngoài lãnh thổ Việt Nam; thỏa thuận ủy thác cho vay hoặc thỏa thuận ủy thác cho vay kèm theo thỏa thuận cho vay lại trong trường hợp đối tượng ủy thác là bên có trách nhiệm trả nợ trực tiếp cho bên ủy thác là người không cư trú.

Nhìn chung, các nội dung sửa đổi, bổ sung so với Thông tư 03 tập trung tại các nhóm vấn đề: (i) tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, mở rộng các trường hợp không yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay, phân cấp trong xử lý khoản vay nước ngoài bằng VNĐ; (ii) bổ sung hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc bảo đảm tài sản cho các khoản vay nước ngoài; (iii) bổ sung quy định hướng dẫn trong trường hợp bên đi vay ban đầu có sự chia, tách, hợp nhất hoặc sáp nhập; (iv) cải tiến chế độ báo cáo...

Kể từ ngày Thông tư 12/2022/TT-NHNN có hiệu lực thi hành (15/11/2022), doanh nghiệp cần thực hiện báo cáo trực tuyến trên Trang điện tử về tình hình vay, trả nợ nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh với định kỳ báo cáo hàng tháng.

Để đảm bảo việc triển khai thực hiện Thông tư hiệu quả, ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang cung ứng dịch vụ chuyển tiền (rút vốn, trả nợ) thực hiện khoản vay nước ngoài thông báo, lưu ý khách hàng đang sử dụng dịch vụ thực hiện đăng ký, cập nhật tài khoản truy cập Trang điện tử cũng như các quy định khác tại Thông tư, tránh trường hợp doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm chế độ báo cáo về vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate