Kết quả có 6 thành viên trúng thầu với khối lượng 14.999,8 tỷ đồng; lãi suất 1,4%/năm.
Động thái của nhà điều hành diễn ra trong bối cảnh thanh khoản VND dồi dào và tỷ giá gặp áp lực trong những tuần gần đây.
Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh trở lại sau dịp Tết cho thấy thanh khoản không căng thẳng khi tăng trưởng tín dụng yếu. Tại ngày 7/3, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (chiếm tới 90% giao dịch) còn 1,17%/năm. Trong khi đó, tính đến ngày 16/02/2024, tăng trưởng tín dụng đạt -1% YTD (kể từ đầu năm), tiếp tục giảm sâu so với mức -0,6% YTD tính đến cuối tháng 1/2024.
Tỷ giá tiếp tục leo dốc trong tháng 2/2024 sau khi FED phát tín hiệu “diều hâu” hơn trong cuộc họp tháng 1/2024. Trong 2 tháng đầu năm, VND mất giá 1,54% so với USD. Tuy nhiên, so với các đồng tiền khác, tính từ đầu năm 2024, đồng VND ổn định thứ hai, sau CNY.
Bước sang tháng 3/2024, áp lực tỷ giá chưa vơi khi ngày 11/3, giá USD trên thị trường tự do cán mốc 25.500 – 25.700 VND/USD (mua vào- bán ra) – mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Theo giới phân tích, áp lực tỷ giá chỉ mang tính thời điểm khi (1) sản xuất phục hồi khiến nhu cầu ngoại tệ phục vụ hoạt động nhập khẩu lên cao và (2) chênh lệch lãi suất VND – USD hiện âm sâu, thanh khoản hệ thống dư thừa kích thích các hoạt động đầu cơ ngoại tệ.
Lần gần nhất Ngân hàng Nhà nước hút tiền qua kênh tín phiếu là từ 21/9 đến 9/11/2023 Ngân hàng Nhà nước đã có 34 đợt phát hành tín phiếu với hình thức đấu thầu lãi suất, kỳ hạn 28 ngày. Tổng giá trị tín phiếu phát hành đạt 360.345 tỷ đồng. Ngày 19/10, lô tín phiếu đầu tiên đáo hạn. Cũng từ thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước giảm dần cường độ hút tiền qua kênh tín phiếu. Trong tháng 10/2023, tại những thời điểm đỉnh áp lực của tỷ giá, quy mô tín phiếu lưu hành lên tới 260 nghìn tỷ đồng (vượt xa so với cùng kỳ năm 2022 khi Ngân hàng Nhà nước chỉ hút ròng 150 ngàn tỷ đồng thanh khoản). Lãi suất trúng cuối tháng 10/2023 lên tới 1,5%/năm.
Dữ liệu kinh tế vĩ mô do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy xuất nhập khẩu tháng 2/2024 tiếp tục có diễn biến tích cực khi nhu cầu hàng hóa tại các quốc gia xuất khẩu chính của Việt Nam (Hoa Kỳ, châu Âu,...) phục hồi. Cán cân thương mại thăng dư 4,72 tỷ USD, mở rộng so với tháng 1 cho thấy hoạt động xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn hoạt động nhập khẩu.
Trog 2 tháng đầu năm 2024, FDI tiếp tục duy trì đà tăng. Trong đó, FDI thực hiện +9,8% so với cùng kỳ năm trước (YoY), FDI đăng ký (không bao gồm góp vốn, mua cổ phần) tăng mạnh + 75,61% YoY. FDI chủ yếu đổ vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, theo sau là bất động sản. Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 32,3%).
Chỉ số PMI sản xuất tháng 2/2024 là 50,4 điểm, ghi nhận sự cải thiện sau khi vượt mốc 50 điểm vào tháng 1 song mức tăng tổng thể vẫn tương đối yếu. Các doanh nghiệp tiếp tục thận trọng trong hoạt động mua hàng và duy trì hàng tồn kho.