Trong tuần từ 6 - 10/5, tỷ giá trung tâm chủ yếu được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng. Chốt ngày 10/5, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.271 VND/USD, tăng 26 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay được niêm yết ở mức 25.450 VND/USD qua tất cả các phiên.
Tỷ giá liên ngân hàng tăng trở lại trong tuần từ 6/5 - 10/5. Kết thúc phiên 10/05, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25.452 VND/USD, tăng 46 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng qua các phiên trong tuần qua. Chốt phiên 10/5, tỷ giá thị trường tự do tăng 140 đồng ở chiều mua vào và 120 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.670 VND/USD và 25.750 VND/USD.
Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục neo lãi suất ở mức cao để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% sẽ tạo áp lực cho tỷ giá.
Theo Hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA), trong tuần từ 6 - 10/5, lãi suất VND liên ngân hàng biến động theo xu hướng giảm ở tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 10/5, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 4,25% (-0,18 đpt); 1 tuần 4,43% (-0,19 đpt); 2 tuần 4,66% (-0,07 đpt); 1 tháng 4,80% (-0,03 đpt).
Lãi suất USD liên ngân hàng tăng - giảm nhẹ qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn. Phiên 10/5, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 5,25% (-0,03 đpt); 1 tuần 5,31% (-0,02 đpt); 2 tuần 5,39% (-0,01 đpt) và 1 tháng 5,41% (-0,01 đpt).
Trên thị trường mở tuần từ 06/5 - 10/5, ở kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 25.000 tỷ VND, lãi suất 4,25%. Có 7.337,87 tỷ đồng trúng thầu và 118.363,67 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua.
Ngân hàng Nhà nước chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất ở tất cả các phiên. Hết tuần, có tổng cộng 33.890 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất đi ngang ở 3,75%/năm, có 25.250 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 119.665,80 tỷ VND từ thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở, khối lượng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước lưu hành tăng lên mức 68.590 tỷ đồng, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 7.337,87 tỷ đồng.
Trên thế giới, Ngân hàng trung ương Anh (BOE) và Ngân hàng trung ương Úc (RBA) cùng không thay đổi lãi suất cơ sở trong cuộc họp đầu tháng 5. Trong cuộc họp ngày 9/5, BOE cho biết lạm phát tại nước Anh đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021, từ đỉnh 11% ở năm 2022 hiện chỉ còn 3,2% trong tháng 3/2024. Hội đồng chính sách tiền tệ của BOE (MPC) tiếp tục khẳng định theo đuổi mục tiêu lạm phát 2%, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động bền vững.
Theo đó, MPC quyết định duy trì lãi suất cơ sở ở mức 5,25%, không thay đổi so với trước, nhằm đạt được các mục tiêu kể trên. Sau cuộc họp, Thống đốc BOE Andrew Bailey cho rằng cần thêm bằng chứng cho thấy lạm phát ở mức thấp trước khi có thể cắt giảm lãi suất cơ sở và mọi thứ đang đi đúng hướng so với kỳ vọng.
Ngày 7/5, Ngân hàng Trung ương Úc (RBA) nhận định lạm phát đang ở mức vừa phải và đang giảm tốc chậm hơn so với dự kiến. Lãi suất cao đang giúp đưa cung và cầu tiến gần đến mức cân bằng, tuy nhiên nhu cầu hiện vẫn vượt ở mức nhất định so với nguồn cung trong nền kinh tế.
Thị trường lao động vẫn ở trạng thái thắt chặt dù đã được nới dần trong những tháng vừa qua. Tăng trưởng tiền lương của người lao động đang cho thấy dấu hiệu đạt đỉnh, song vẫn có thể tiếp tục đi lên khi sản lượng kinh tế đang tăng trưởng.
RBA dự báo lạm phát sẽ quay trở lại mức mục tiêu 2% - 3% vào năm 2025, dù trong ngắn hạn có thể tăng do giá xăng dầu trong nước tăng. RBA tiếp tục ưu tiên việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu trong thời gian hợp lý, theo đó tiếp tục duy trì lãi suất cơ sở ở mức 4,35%. RBA không đưa ra lộ trình điều chỉnh lãi suất cơ sở, các quyết định tiếp theo dựa vào dữ liệu thực tế trong tương lai.