Ngày 14/7, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 25.126 VND/USD, giảm 2 đồng so với phiên 11/7. Với biên độ giao dịch +/-5%, tỷ giá sàn là 23.870 và tỷ giá trần là 26.382 VND/USD.
Kết thúc phiên giao dịch sáng 14/7, các ngân hàng thương mại điều chỉnh tỷ giá USD tăng 10-20 đồng so với chốt phiên 11/7.
Giá mua USD ngày 14/7 tại các ngân hàng thương mại phổ biến ở mức 25.930 – 25.940 VND/USD. Giá bán USD phổ biến ở mức 26.280 – 26.300 VND/USD.

Trong tuần trước (7-11/7), tỷ giá giảm trở lại khoảng 0,2% nhờ tín hiệu tích cực về thuế quan thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Giới phân tích dự báo báo áp lực bán trên thị trường liên ngân hàng vẫn đang chiếm ưu thế kết hợp với tín hiệu tích cực của dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ hỗ trợ cho xu hướng giảm của tỷ giá trong tuần này, có thể hướng về quanh mức 26.000 VND/USD.
Tuần trước (7-11/7) trên thế giới, đồng USD tiếp tục tăng giá so với các loại tiền tệ chính bao gồm đồng JPY (+0,81%) và đồng EUR (+0,1%) sau khi Tổng thống Donald Trump gia tăng căng thẳng thương mại khi đề xuất khả năng tăng mức thuế quan đối ứng tối thiểu lên 15% hoặc 20% đối với các quốc gia khác, từ mức cơ sở hiện tại là 10%. Dữ liệu tăng trưởng kinh tế quý 2 của Trung Quốc và báo cáo về lạm phát và doanh số bán lẻ tháng 6 của Mỹ sẽ là tâm điểm chú ý của thị trường trong tuần này.
Tuần từ 7-11/7, lãi suất VND liên ngân hàng các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống tăng ở tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 11/7, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch ở mức: qua đêm 4,7%/năm ( tăng 0,52 đpt); 1 tuần 4,73% (+0,4 đpt); 2 tuần 4,73% (+0,33 đpt); 1 tháng 4,63% (+0,13 đpt).
Lãi suất USD liên ngân hàng biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn trong tuần qua. Phiên 11/7, lãi suất USD liên ngân hàng giao dịch tại: qua đêm 4,3%/năm (không thay đổi); 1 tuần 4,38% (+0,01 đpt); 2 tuần 4,42% (+0,01 đpt) và 1 tháng 4,46% (+0,02 đpt).
Trên thị trường mở tuần từ 7/ - 11/7, ở kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 77.000 tỷ đồng với các kỳ hạn 7 ngày và 91 ngày, lãi suất đều giữ ở mức 4%/năm. Có 71.096,25 tỷ đồng trúng thầu ở cả 2 kỳ hạn; có 61.704,66 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua trên kênh cầm cố.
Ngân hàng Nhà nước chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước kỳ hạn 7 ngày, đầu thầu lãi suất. Có 34.000 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất từ 3,35% đến 3,45%, có 17.400 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 7.208,41 tỷ đồng từ thị trường trong tuần qua qua kênh thị trường mở. Ngày 11/7, có 104.001,20 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 34.000 tỷ đồng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước lưu hành trên thị trường.

Ngày 9/7, Kho bạc Nhà nước đấu thầu thành công 1.111 tỷ đồng/10.000 tỷ đồng Trái phiếu Chính phủ gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu chỉ đạt 11%. Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 611 tỷ đồng/6.000 tỷ đồng gọi thầu và kỳ hạn 15 năm huy động được 500 tỷ đồng/2.000 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 5 năm và 30 năm gọi thầu 1.000 tỷ đồng mỗi kỳ hạn, tuy nhiên, không có khối lượng trúng thầu ở cả 2 kỳ hạn. Lãi suất trúng thầu ở kỳ hạn 10 năm là 3,21% (+0,07 đpt so với phiên đấu thầu trước), 15 năm là 3,35% (+0,08 đpt).
Ngày 16/7, Kho bạc Nhà nước dự kiến chào thầu 10.000 tỷ đồng Trái phiếu Chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 500 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm chào thầu 7.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm chào thầu 2.000 tỷ đồng và 30 năm chào thầu 500 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 15.301 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với mức 14.075 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.
Lợi suất Trái phiếu Chính phủ trong tuần qua tiếp tục tăng ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ kỳ hạn 5 năm và 15 năm.
Chốt phiên 11/7, lợi suất Trái phiếu Chính phủ giao dịch quanh 1 năm 2,27% (+0,08 đpt so với phiên cuối tuần trước); 2 năm 2,33% (+0,09 đpt); 3 năm 2,40% (+0,10 đpt); 5 năm 2,67% (-0,003 đpt); 7 năm 3,01% (+0,01 đpt); 10 năm 3,23% (+0,01 đpt); 15 năm 3,35% (không đổi); 30 năm 3,50% (+0,004 đpt).