March 12, 2024 | 11:21 GMT+7

Ngân hàng nhà nước hút tiền về qua tín phiếu, chứng khoán ảnh hưởng thế nào?

Thu Minh -

Việc hút tiền qua tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước tác động lên tâm lý nhà đầu tư dẫn đến thị trường điều chỉnh nhiều hơn là tác động về mặt kỹ thuật....

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Như VnEconomy đưa tin, chiều 11/3, Ngân hàng Nhà nước đấu thầu tín phiếu kỳ hạn 28 ngày trên thị trường mở, thu hút 16 thành viên thị trường tham gia, với doanh số gần 15 nghìn tỷ đồng trong bối cảnh thanh khoản VND dồi dào và tỷ giá gặp áp lực trong những tuần gần đây.

Nhận định về động thái của SBV, theo chuyên gia chứng khoán Huỳnh Minh Tuấn, việc hút tiền về hiện tại có thể gây thắt chặt thanh khoản phần nào đó trên thị trường liên ngân hàng/thị trường chứng khoán, nếu hành động hút diễn ra liên tục sắp tới. Tùy theo tốc độ hút của SBV trong ngắn hạn, hay rộng ra là xu hướng đầu cơ crypto và gold ngắn hạn.

Cú sốc áp lực tỷ giá lần này là khá đặc biệt đối với Việt Nam, vì Việt Nam đang bao gồm rất nhiều yếu tố làm suy yếu tỷ giá (bao gồm chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất rẻ kỷ lục, cung VND dư thừa, kinh tế thực yếu - tài chính đầu cơ được ưu tiên, tỷ lệ tham gia crypto cao).

Hành động của SBV cho thấy nhà điều hành quan ngại về điều này, cũng đến thời điểm SBV bắt buộc phải ra dấu hiệu tạm dừng dòng tiền đầu cơ bằng can thiệp, dù hiệu quả chưa rõ ràng. Mục đích của SBV là bảo vệ kỳ vọng tỷ giá trung hạn kỳ vọng tỷ giá ngân hàng của Việt Nam ngưỡng 24.800 - 25.000 (giống USDJPY ngưỡng 150 - 152), với biên động dao động an toàn < 3%/năm). Hiện tại, áp lực tỷ giá từ thị trường tự do là rất lớn. Tỷ giá tự do chạm 25.700, trong khi tỷ giá P2P trên crypto cũng trên 25.800.

Ông Tuấn đưa ra hai kịch bản dự đoán.  Kịch bản 1: SBV hút nhẹ, dự đoán khoảng 120.000 - 150.000 tỷ, trong vòng hơn 1 tuần với tốc độ 15.000/phiên như này, nếu xu hướng crypto và gold có dấu hiệu giảm nhiệt.

Kịch bản 2: SBV hút bill mạnh nhằm phòng ngừa vùng tỷ giá mục tiêu trung hạn, dự đoán SBV hút tầm 180.000 - 200.000 tỷ là lớn nhất đợt này, nếu xu hướng crypto và gold vào xu hướng tăng trung hạn, liên tục tạo ATH, động lượng tăng giá cao, khiến tỷ giá tự do phá đỉnh 26.000 hoặc cao hơn nữa.

Số liệu dự đoán dựa trên hành động hút tiền về qua tín phiếu trong quý 3/2023 của SBV cũng như dựa trên thanh khoản dư thừa hệ thống ngân hàng hiện tại (khoảng trên 230.000 tỷ).

Đánh giá tác động lên thị trường chứng khoán, theo chuyên gia Huỳnh Minh Tuấn, lượng thanh khoản giai đoạn gần đây duy trì mức trên 23.000 tỷ/phiên nhờ vào một phần lượng thanh khoản dư thừa trong hệ thống tài chính và lãi suất rẻ kỷ lục chảy trong nền kinh tế. Với việc thắt chặt lượng vốn dư thừa trên liên ngân hàng, có thể quan ngại lượng cầu mua của thị trường chứng khoán sẽ giảm phần nào đó, do các rủi ro về thanh khoản ngắn hạn và tâm lý nhà đầu tư trong quản trị rủi ro.

"Việc hút bill của SBV kỳ vọng không gây ảnh hưởng đến cấu trúc lãi suất tiền gửi - cho vay của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn quý 2, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng vẫn chưa khởi sắc đáng kể. Tuy nhiên, nên nhìn rủi ro tăng đầu cơ của crypto và vàng là rủi ro cục bộ cho Việt Nam trong ngắn hạn, nhà quản lý đang nhận ra rủi ro. Sau giai đoạn này, có thể chờ đợi vào xu hướng mới tốt hơn của thị trường", ông Tuấn cho biết và nhấn mạnh thêm rằng  tác động của việc hút bill kì này cũng mang tính ngắn hạn và bối cảnh có tích cực hơn giai đoạn tháng 11 năm ngoái. 

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta cho rằng, việc hút tiền qua tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước tác động lên tâm lý nhà đầu tư dẫn đến thị trường điều chỉnh nhiều hơn là tác động về mặt kỹ thuật. Thị trường cũng lo ngại về margin tuy nhiên lo ngại này là không xứng đáng do nguồn cung margin tại các công ty chứng khoán dồi dào, hệ thống đang dư thừa thanh khoản trong khi 15.000 tỷ đồng là không đáng kể. 

"Thực ra thị trường đang cần một lý do để giảm. Kể từ đầu tháng 2 thị trường tăng mạnh chủ yếu nhờ lực kéo của nhóm ngân hàng vốn hóa lớn trong khi những nhóm ngành khác chưa tăng nhiều dẫn đến sóng tăng không bền vững. Do đó, có thể xem đây là nhịp điều chỉnh lành mạnh để dòng tiền phân hóa, luân chuyển sang nhóm midcap. Tôi vẫn giữ quan điểm thị trường chưa sớm hạ nhiệt, còn một nhịp tăng nữa trước khi đến thời điểm mùa Đại hôi cổ đông tháng 4-5 đây là những tháng vùng trũng thông tin, lúc đó thị trường mới bước vào giai đoạn đi ngang, trầm lắng", vị này nhấn mạnh. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate