Ngày 29/8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 6466/NHNN-TT yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống rủi ro, gian lận trong hoạt động thanh toán.
Đảm bảo quyền lợi khách hàng, ngân hàng
Trong thời gian qua, một số ngân hàng có xảy ra một vài sự cố rủi ro, gian lận trong hoạt động thanh toán nói chung, cũng như thanh toán thẻ và thanh toán điện tử. Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo về các vấn đề an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán nói chung, thanh toán thẻ và thanh toán điện tử.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các đầu mối trên, để hạn chế thấp nhất rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán nói chung, thanh toán thẻ, thanh toán điện tử cũng như đảm bảo quyền lợi của khách hàng và ngân hàng.
Cụ thể, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình, thủ tục, hồ sơ và hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức mình (bao gồm cả việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán theo phương thức truyền thống và phương thức điện tử), đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước, nếu có vướng mắc cần phản ánh về cơ quan này để phối hợp xử lý.
Đối với hoạt động thanh toán thẻ, thanh toán trực tuyến, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cần nghiên cứu triển khai các giải pháp tăng cường an ninh, bảo mật cho hệ thống thanh toán trực tuyến.
Các tổ chức này triển khai giải pháp phát hiện, giám sát, ngăn chặn các giao dịch gian lận, đáng ngờ về thời gian, vị trí địa lý, tần suất giao dịch, hạn mức thanh toán, số lần xác thực sai hoặc các dấu hiệu bất thường khác; có giải pháp phát hiện sớm các trang web lừa đảo trực tuyến để khuyến cáo cho khách hàng; tăng cường đào tạo nhận thức về an toàn, bảo mật cho cán bộ, nhân viên và khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử.
Các đầu mối trên thường xuyên theo dõi, giám sát, đánh giá, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật nghiệp vụ trong hoạt động thanh toán; không được bớt xén các công đoạn trong các quy trình nghiệp vụ; thường xuyên đánh giá, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo hoạt động thanh toán diễn ra được an toàn, thông suốt; thể hiện rõ vai trò, chức năng của từng khâu, từng công đoạn trong quá trình thực hiện giao dịch thanh toán.
Khi có các rủi ro, gian lận xảy ra, các đầu mối trên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước và phối hợp với khách hàng, các cơ quan bảo vệ pháp luật và các đơn vị liên quan xử lý nhanh, chính xác, đúng quy định và sớm thông tin cho khách hàng; quyền lợi của người dân, của khách hàng phải được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý phải thường xuyên, kịp thời đưa ra những cảnh báo, hướng dẫn và thông tin đầy đủ đến khách hàng để khách hàng nắm rõ các rủi ro, các thủ đoạn gian lận trong hoạt động thanh toán và cách sử dụng các dịch vụ an toàn; khuyến cáo tới khách hàng khi gặp sự cố thì khách hàng cần bình tĩnh phối hợp với các ngân hàng, các cơ quan điều tra để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Các tổ chức tín dụng phải chấp hành nghiêm túc các quy định của Ngân hàng Nhà nước về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên Internet (Thông tư 29/2011/TT-NHNN ngày 21/9/2011); quy định các yêu cầu kỹ thuật về an toàn bảo mật đối với trang thiết bị phục vụ thanh toán thẻ ngân hàng (Thông tư 47/2014/TT-NHNN ngày 31/12/2014); quy định về đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng (Thông tư 31/2015/TT-NHNN ngày 28/12/2015); quy định việc trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động (Thông tư 36/2012/TT-NHNN ngày 28/12/2012; Thông tư 20/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016) cũng như các văn bản chỉ đạo khác của NHNN về hoạt động thanh toán nói chung, thanh toán thẻ, thanh toán điện tử.
Sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành
Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cần nghiên cứu, truyền thông thường xuyên về những phương thức, thủ đoạn gian lận trong hoạt động thanh toán nói chung, thanh toán thẻ, thanh toán điện tử để các ngân hàng và khách hàng chủ động có các biện pháp bảo đảm an toàn, nhằm hạn chế thấp nhất các rủi ro, gian lận có thể xảy ra; cần tổ chức các hội thảo mời chuyên gia nước ngoài và trong nước giới thiệu về những thủ đoạn gian lận mới và giải pháp nâng cao an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán.
Đối với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, cần đưa nội dung thanh tra về công nghệ thông tin trong hoạt động thanh toán vào chương trình thanh tra, kiểm tra định kỳ để tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động thanh toán nói chung, thanh toán thẻ, thanh toán điện tử của các ngân hàng.
Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thường xuyên phối hợp với Vụ Thanh toán và Cục Công nghệ tin học nắm bắt thông tin về các thủ đoạn gian lận và kịp thời chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nâng cao cảnh giác, phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc phòng, chống tội phạm trong hoạt động thanh toán nói chung, thanh toán thẻ, thanh toán điện tử.
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần báo cáo kịp thời Ngân hàng Nhà nước khi phát hiện các vụ việc liên quan đến an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán nói chung, thanh toán thẻ, thanh toán điện tử trên địa bàn.
Tới đây, trong tuần đầu tháng 9/2016, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành về hoạt động thanh toán và công nghệ thông tin, thành phần bao gồm: đại diện Bộ Công an (Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - C50, Cục An ninh mạng - A68, Cục An ninh tiền tệ - A84), Bộ Thông tin truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng, các ngân hàng thương mại, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia về ngân hàng, công nghệ thông tin và các đơn vị liên quan khác.
Hội nghị sẽ tập trong các nội dung tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động thanh toán và công nghệ thông tin trong lĩnh vực ngân hàng nhằm hoàn chỉnh các quy trình nghiệp vụ, quy trình vận hành trong lĩnh vực thanh toán, bàn về các giải pháp an ninh, bảo mật trong điều kiện mới nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả hoạt động thanh toán qua ngân hàng, cũng như đảm bảo quyền lợi của người dân và của ngân hàng.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate