Như VnEconomy đã đưa, diễn biến trên thị trường mở (OMO) phiên khai xuân Nhâm Dần 2022 khá khác biệt so với cùng thời điểm những năm trước.
Theo đó, mặc dù trạng thái hút ròng tiền về vẫn được Ngân hàng Nhà nước thiết lập, nhưng đã có tổ chức tín dụng phải tiếp cận nguồn hỗ trợ trên kênh cầm cố. Trong khi, những năm trước đó, sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, nhà điều hành hầu như không cần cân đối lượng tiền bị hút về và chỉ liên tục hút ròng.
Đáng chú ý, sang đến ngày hôm qua (8/2), trạng thái bơm ròng tiền để hỗ trợ thanh khoản đã chính thức được thiết lập.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 5.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,5%. Có 4.478,49 tỷ đồng trúng thầu. Trong ngày có 970,45 tỷ đồng đáo hạn.
Như vậy, tại phiên 8/2, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 3.508,04 tỷ đồng ra thị trường. Đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng lên mức 23.534,11 tỷ đồng.
Giới chuyên môn cho rằng, diễn biến trên chủ yếu do 3 nguyên nhân. Thứ nhất, dư nợ tín dụng bứt phá ngay từ những ngày đầu năm. Tính đến ngày 28/1/2022, dư nợ tín dụng tăng khoảng 2,74% so với cuối năm trước (tăng 16,32% so cùng kỳ năm trước; tháng 1/2021 chỉ tăng 0,53%).
Thứ hai, nguồn tiền mặt đi ra khỏi hệ thống ngân hàng trước tết chưa kịp trở lại do độ trễ năm nay kéo dài hơn những năm trước đó.
Thứ ba, lãi suất hỗ trợ nguồn 2,5% mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra cho kỳ hạn 14 ngày thấp hơn nhiều so với mức lãi suất giao dịch giữa các thành viên với nhau.
Hiện tại, phản ánh thanh khoản hệ thống tạm thời căng thẳng, lãi suất chào bình quân VND liên ngân hàng ngày 8/2 tăng mạnh 0,1 – 0,19 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó. Các mức lãi suất giao dịch tại: qua đêm 2,43%; 1 tuần 2,56%; 2 tuần 2,53% và 1 tháng 2,5%.
Trong khi lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giữ nguyên ở các kỳ hạn qua đêm và 1 tuần. Thậm chí, giảm 0,02-0,03 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 2 tuần và 1 tháng. Giao dịch tại mức: qua đêm 0,15%; 1 tuần 0,20%; 2 tuần 0,24% và 1 tháng 0,32%.