Như VnEconomy đưa tin, chiều 18/10, Ngân hàng Nhà nước thông báo kết quả đấu thầu thị trường mở. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày, tổng giá trị trúng thầu lên tới 12.300 tỷ đồng.
Tại kỳ hạn 14 ngày, có 6 thành viên tham gia và 5 thành viên trúng thầu; giá trị trúng thầu là 4.400 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 3,74%/năm. Kỳ hạn 28 ngày có 8 thành viên tham gia và đều trúng thầu với giá trị 7.900 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 4%/năm. Quyết định hút tiền qua kênh tín phiếu được thực hiện trong bối cảnh tỷ giá VND/USD liên tục leo thang trong một vài ngày gần đây.
Nghiệp vụ phát hành tín phiếu ngay sau đó thường thấy sự điều chỉnh trên thị trường chứng khoán do tâm lý lo ngại của nhà đầu tư. Đơn cử như những tháng đầu năm, VN-Index liên tiếp gặp áp lực bán ra chốt lời khi Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu với khối lượng lớn.
Nhận định về thị trường trong nhịp này, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối phân tích khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta cho rằng nếu như ở giai đoạn đầu năm, nhà đầu tư bị bất ngờ vì đây là công cụ lâu lắm mới thấy Ngân hàng Nhà nước dùng đến, giai đoạn đó tỷ giá cũng tăng cao nên thị trường thận trọng và dè chừng, thì bây giờ không còn gây áp lực nữa bởi nhà đầu tư đã quen, ai cũng thấy đây là nghiệp vụ bắt buộc để hạ tỷ giá chứ không phải do hệ thống dư thừa quá nhiều, tăng trưởng tín dụng 9 tháng cao, sản xuất cũng đã hồi phục. Mặc dù vậy, để kéo tăng trưởng tín dụng lên 14% thì nhóm bất động sản phải thực sự "sống dậy".
Trong khi đó, theo ông Minh, bản chất thị trường không thể bứt phá được 1.300 là do dòng tiền quá yếu, trú ẩn vào kênh tiết kiệm, trong khi nhóm bất động sản chưa được giải quyết rõ ràng nên tâm lý dè dặt. Thị trường chủ yếu được kéo bởi nhóm ngân hàng, chỉ khi có sóng bất động sản thì mới có hiện tượng fomo đổ vào thị trường.
"Tâm lý chung của thị trường hiện tại là chờ chỉnh để mua bank nhưng bank cứ kéo đỉnh này sang đỉnh khác. Tiền chỉ quay vào thị trường khi xảy ra hai yếu tố: một là VN-Index vượt qua 1.300; hai là cơn sóng midcap quay lại, nhóm vốn hóa lớn có nhược điểm là chuyên đánh ngắn hạn, giúp chỉ số tăng nhưng không kéo được tiền", ông Minh nhấn mạnh.
Các chuyên gia phân tích của Chứng khoán ACBS cũng cho rằng VN-Index nhiều lần chinh phục mốc 1.300 không thành công, sự thất bại trong các lần tăng giá trước đến từ việc thiếu vắng sự góp mặt đồng đều của các nhóm ngành chủ đạo như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, vật liệu xây dựng là những nhóm ngành chịu áp lực bán lớn từ nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường chưa quay lại được mức bình quân giai đoạn 2020-2021.
Tuy nhiên, áp lực bán ròng đang dần giảm bớt sau khi Fed hạ lãi suất. 2 tuần đầu tiên của tháng 10 ghi nhận nhiều phiên giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng, dù giá trị mua chưa lớn.
Về mặt định giá, định giá theo P/E, P/B của các nhóm ngành này đều ở vùng thấp. Đặc biệt tính tới tháng 10, P/E của ngành Xây dựng và vật liệu; Dịch vụ tài chính đang giảm so với P/E tháng 1/2024 do mức tăng giá yếu hơn so với tăng trưởng EPS. Trong khi đó, P/E của ngành ngân hàng gần như không đổi, P/E của ngành bất động sản tăng lên do lợi nhuận vẫn chưa cải thiện nhiều.
Cùng với dự báo triển vọng kết quả kinh doanh quý 3 của nhiều nhóm ngành trụ cột tương đối tích cực, ACBS kỳ vọng VN-Index sẽ quay lại chinh phục thành công 1.300 và tiến xa hơn là 1.350 điểm.
Với nhóm ngân hàng, ACBS cho rằng trong ngắn hạn bức tranh lợi nhuận và rủi ro nợ xấu ở các ngân hàng tương đối khác biệt. Tuy nhiên, xét về mặt định giá ngân hàng đang có P/E và P/B ở vùng hấp dẫn so với lịch sử. Bên cạnh đó, môi trường lãi suất thấp kéo dài sẽ hỗ trợ cho ngành ngân hàng duy trì lợi nhuận trong các năm tới, đồng thời khiến áp lực nợ xấu/nợ tái cơ cấu được tháo gỡ nhanh chóng hơn. Với vai trò trụ cột về lợi nhuận, vốn hóa của VN-Index, ngành ngân hàng được hưởng lợi từ dòng tiền của nhà đầu tư tổ chức khi đà bán ròng giảm bớt.