Ngày 12/8, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành, tập đoàn và tổng công ty, một lần nữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề đẩy cao tăng trưởng tín dụng hơn nữa.
Cụ thể, tại cuộc họp, Thủ tướng đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch, lộ trình để làm sao bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 21 - 22% được hay không?
Trước đó, người đứng đầu Chính phủ đã đặt yêu cầu với Ngân hàng Nhà nước, đưa tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 trên 18% tới 20%.
Những mức yêu cầu tín dụng tăng trưởng cao hơn đặt trong thực tế đây vẫn là một trong những đòn bẩy chính để tăng trưởng kinh tế.
Tại phiên họp trên, Thủ tướng nhận định, để hoàn thành kế hoạch cả năm là tăng trưởng 6,7% thì 6 tháng cuối năm phải đạt 7,42%, và nhấn mạnh “đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành”.
Yêu cầu trên đặt ra sau khi một số tổ chức quốc tế lớn vừa cùng lên tiếng cảnh báo về thực tế tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu quá nhanh trong năm nay.
Cụ thể, trong báo cáo sau đợt tham vấn thường niên về tình hình kinh tế Việt Nam, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đưa ra cảnh báo tăng trưởng tín dụng nhanh có thể gây ra những rủi ro mới cho hệ thống ngân hàng.
Theo tổ chức này, tín dụng đã tăng trưởng nhanh trong hai năm qua, khiến tỷ lệ tín dụng/GDP tăng thêm 23,5%. Nếu tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu 15-17% trong năm 2017, tỷ lệ này sẽ còn nới rộng hơn nữa và lên mức báo hiệu về rủi ro ổn định tài chính.
IMF cho rằng tín dụng đã tăng bình quân 24% trong vòng 10 năm qua. Tỷ lệ tín dụng/GDP tăng bình quân 4,8 điểm phần trăm hàng năm trong giai đoạn 2000-2015 và đạt 124% vào cuối năm 2016, vượt mức trung bình của ASEAN-5 và các nước thu nhập trung bình khác.
Theo đó, IMF khuyến nghị Việt Nam nên giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng xuống còn 15%/năm, đồng thời cho rằng tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức 80% là hợp lý.
Cùng quan điểm trên, liên tục cập nhật sau quý 1 và sau quý 2/2017, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) đều nhấn mạnh quan ngại về tình hình tăng trưởng tín dụng của Việt Nam.
Báo cáo đầu tháng 4/2017, WB đã lưu ý: “Tốc độ tăng tín dụng - trên gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP (theo giá hiện hành) - cho thấy có lý do cần quan ngại, đặc biệt vì tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt nam - trên dưới 120% vào tháng 12/2016 - hiện đã rất cao trong khi áp lực nợ xấu trong quá khứ còn chưa được giải tỏa đủ”.
Và tại buổi họp báo đầu tháng 7 vừa qua, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng, quyền Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam, cũng liên tục đề cập đến quan ngại tín dụng của Việt Nam tăng quá nhanh.
Ông Sebastian Eckardt khuyến nghị Việt Nam cần giảm phụ thuộc vào ngành ngân hàng để tăng trưởng kinh tế, thay vào đó là thúc đẩy thị trường vốn.
“Tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức 130% là quá lớn rồi. Tăng trưởng tín dụng gấp ba lần tốc độc tăng trưởng danh nghĩa của GDP. Chúng tôi không cho rằng quỹ đạo như vậy là bền vững”, ông Sebastian Eckardt nói tại buổi họp báo trên.
Ngay cả mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 18% mà Ngân hàng Nhà nước dự tính và đưa ra định hướng đầu năm nay, chuyên gia của WB cũng đã cho là con số quá cao, cùng cảnh báo “lợi ích từ sự tăng trưởng này sẽ không đáng với chi phí”.
Như trên, chất lượng tín dụng, chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng, lạm phát và tính bền vững của tăng trưởng kinh tế là tương lai mà những quan điểm trên cảnh báo. Tương lai đó đến sau sự gia tăng và rướn mục tiêu tăng trưởng tín dụng hiện nay. Nếu tương lai có những bất ổn, hệ quả xấu, thì chính sách tiền tệ (hay nhà điều hành là Ngân hàng Nhà nước) đang đứng trước tình huống có thể “mất lòng sau” khi việc dồn tín dụng tăng lên 22% thay vì dự kiến 18% ban đầu được nhìn lại...
Trước đó, trong thời gian qua, Thủ tướng cũng nhiều lần đề cập đến yêu cầu xem xét việc huy động nguồn lực vàng và ngoại tệ trong dân cư.
Như mối quan hệ trên ở tăng trưởng tín dụng, việc huy động vàng và ngoại tệ theo nghĩa huy động và cho vay trả lãi suất có thể dẫn tới những hệ lụy trong tương lai, như: sự dịch chuyển vốn sang nắm và găm giữ ngoại tệ, qua đó gây bất lợi hoặc áp lực đối với mục tiêu giữ ổn định tỷ giá; gây áp lực lên lãi suất theo cân đối sức hấp dẫn “đô - đồng”; những rủi ro liên quan đến vốn vàng đối với hệ thống các tổ chức tín dụng và tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế…
Tuy nhiên, sau hơn một năm với nhiều lần đặt ra, đến thời điểm này Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa trở lại việc huy động vàng và ngoại tệ theo hướng nâng lãi suất huy động để cho vay như trước đây.
Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước áp dụng các biện pháp để củng cố giá trị VND, kích thích chuyển hóa và chuyển đổi nguồn lực từ vàng và ngoại tệ thành vốn đi vào đầu tư sản xuất kinh doanh (thể hiện qua tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ giảm rất mạnh những năm gần đây, trong khi dự trữ ngoại tệ tăng lên kỷ lục hơn 42 tỷ USD đến giữa năm nay).
Và ở một biểu hiện khác, thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay đã trở nên sôi động, với nhiều phiên có giá trị giao dịch lên tới 5.000 - 6.000 tỷ đồng; trong đó một phần có sự chuyển dịch, chuyển hóa nguồn lực từ vàng và ngoại tệ. Đây cũng là một hướng “huy động” nguồn lực, khi thị trường chứng khoán là một kênh huy động vốn cho doanh nghiệp, thay vì quá lệ thuộc vào đòn bẩy tín dụng.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate