FiinRatings vừa công bố báo cáo cập nhật thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2025.
Báo cáo cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2025 đã có bước phục hồi đáng kể về quy mô và thanh khoản. Sự tham gia tích cực từ các tổ chức tín dụng và nhóm bất động sản phản ánh nhu cầu huy động vốn trong bối cảnh tín dụng tăng và huy động tiền gửi chậm lại. Tuy nhiên, áp lực đáo hạn lớn, tỷ lệ nợ xấu vẫn đáng kể và cơ cấu phát hành còn lệch về phía riêng lẻ tiếp tục đặt ra yêu cầu tăng cường giám sát, minh bạch thông tin và phân loại rủi ro theo ngành.
Theo đó, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 6 đạt 105,5 nghìn tỷ đồng, tăng 52,4% so với tháng trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, giá trị phát hành đạt 248,6 nghìn tỷ đồng, tăng 71,2% so với cùng kỳ năm 2024. Tốc độ tăng trưởng này cho thấy xu hướng phục hồi rõ ràng của thị trường sau giai đoạn suy giảm trong năm 2023 và đầu năm 2024.
Toàn bộ lượng trái phiếu phát hành trong tháng 6 là theo hình thức riêng lẻ. Trong khi đó, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng trong nửa đầu năm đạt 27,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,2% tổng lượng phát hành và bằng 76,8% tổng giá trị phát hành công chúng của cả năm 2024.

Các ngân hàng thương mại là nhóm phát hành chủ đạo trong 6 tháng đầu năm, với tổng giá trị 189,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,3% tổng lượng phát hành. Nhu cầu phát hành chủ yếu nhằm bổ sung vốn cấp 2 trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng duy trì cao, trong khi tốc độ huy động tiền gửi chậm lại. Việc các ngân hàng duy trì tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và hệ số LDR là động lực chính khiến nhóm này đẩy mạnh phát hành trái phiếu.

Ở khối doanh nghiệp phi tài chính, bất động sản là ngành dẫn đầu về giá trị phát hành với 39,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 67,3% tổng lượng phát hành của nhóm ngoài ngân hàng. Hoạt động phát hành tăng trở lại sau một thời gian gián đoạn, trong bối cảnh một số dự án được tháo gỡ pháp lý và khả năng tiếp cận tín dụng cải thiện.
Lãi suất danh nghĩa (coupon) bình quân của trái phiếu phát hành trong tháng 6 giảm còn 6,69%, từ mức 7,43% trong các tháng trước. Trong đó, 64% giá trị phát hành sử dụng lãi suất cố định, 22% sử dụng lãi suất thả nổi (thường neo theo lãi suất tiền gửi 12 tháng của bốn ngân hàng quốc doanh), phần còn lại sử dụng lãi suất kết hợp.
Hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn tăng mạnh trong tháng 6, cao hơn 1,2 lần so với tháng trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng giá trị mua lại tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2024. Điều này phản ánh nỗ lực giảm nghĩa vụ nợ đến hạn của các tổ chức phát hành trong bối cảnh tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong nửa cuối năm ước đạt 125 nghìn tỷ đồng.

Thanh khoản thị trường thứ cấp cải thiện rõ rệt. Trong tháng 6, tổng giá trị giao dịch đạt 137,1 nghìn tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân ngày đạt 6,53 nghìn tỷ đồng – tăng 13,4% so với tháng 5. Nhóm ngân hàng và bất động sản chiếm 71% tổng giá trị giao dịch, trong đó riêng nhóm bất động sản ghi nhận tăng trưởng 37,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ suất lợi tức giao dịch (YTM) ở thị trường thứ cấp nhìn chung ổn định với phần lớn trái phiếu. Tuy nhiên, một số trái phiếu của doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính được giao dịch với YTM cao bất thường, từ 30% đến 70%, có trường hợp cá biệt lên tới 185% và 519% với kỳ hạn còn lại chỉ khoảng 6 tháng.
Trên thị trường thứ cấp, một số trái phiếu của doanh nghiệp chậm trả nợ đang được giao dịch với mức lợi tức (YTM) lên tới 519%, dù kỳ hạn còn lại chỉ là 6 tháng. Đây là mức lợi suất phản ánh rủi ro cực cao, hiếm gặp trên thị trường tài chính Việt Nam.
Trong tháng 6, thị trường ghi nhận thêm 4,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu có vấn đề, nâng tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp bị nghi ngờ hoặc xác định mất khả năng thanh toán lên 23 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Con số này giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất với 45,8%, tiếp theo là sản xuất (16,4%), xây dựng (8,7%) và các ngành khác (28,6%).