Giá dầu thô có thể tăng vọt qua ngưỡng 150 USD/thùng nếu xung đột ở Trung Đông leo thang - Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo ngày 30/10. Một tình huống như vậy sẽ đặt ra nguy cơ lặp lại cú sốc dầu lửa của những năm 1970 nếu các quốc gia sản xuất dầu lớn trong khu vực cắt giảm nguồn cung năng lượng này.
Trong báo cáo mang tên Triển vọng Thị trường hàng hoá cơ bản (Commodity Markets Outlook) ra hàng quý, WB nói rằng nếu kéo dài, cuộc chiến tranh giữa Israel với lực lượng Hamas của Palestine có thể khiến giá năng lượng và thực phẩm tăng mạnh, tạo ra một “cú sốc kép” trên thị trường hàng hoá cơ bản vẫn còn chưa hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.
“Cuộc xung đột mới nhất ở Trung Đông nối tiếp ngay sau cú sốc lớn nhất đối với thị trường hàng hoá cơ bản kể từ thập niên 1970, tức là cuộc chiến tranh ở Ukraine”, nhà kinh tế trưởng Indermit Gill của WB nhấn mạnh.
Theo kịch bản dự báo cơ bản mà WB đưa ra, giá hàng hoá cơ bản toàn cầu sẽ giảm 4,1% trong năm 2024, trong đó giá dầu sẽ giảm còn bình quân 81 USD/thùng từ mức bình quân 90 USD/thùng trong quý 4/2023, do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nói rằng kịch bản này có thể bị đảo ngược chóng vánh nếu xung đột ở Trung Đông leo thang. Trong kịch bản xấu nhất, nguồn cung dầu toàn cầu có thể giảm 6-8 triệu thùng/ngày, đẩy giá dầu tăng lên khoảng từ 140-157 USD/thùng, nếu các nước Arab sản xuất dầu như Saudi Arabia có động thái cắt giảm xuất khẩu dầu.
Trong các kịch bản có sự gián đoạn nguồn cung ở mức độ thấp và trung bình, giá dầu có thể tăng lên mức từ 102-121 USD/thùng, theo báo cáo. Nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu hiện đang ở mức 102 triệu thùng/ngày.
Cuộc chiến tranh ở Gaza nổ ra sau khi Hamas vào hôm 7/10 bất ngờ nã hàng nghìn quả rocket vào Israel khiến hơn 1.400 người thiệt mạng và bắt cóc hơn 230 người khác làm con tin - theo dữ liệu do giới chức Israel cung cấp. Sau đó, các cuộc không kích trả đũa của Israel đã khiến hơn 8.000 người ở Gaza thiệt mạng và hơn 20.000 người khác bị thương - theo dữ liệu từ phía Palestine.
Xung đột này có nguy cơ lan rộng ra khu vực Trung Đông, và giới chuyên gia cảnh báo rằng xuất khẩu năng lượng toàn cầu có thể bị ảnh hưởng nặng nề nếu những nước sản xuất dầu lớn như Iran dính líu vào cuộc chiến.
Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng mạnh trong tháng nay, lên mức cao nhất kể từ tháng 3, do các nhà giao dịch lo ngại rằng nguy cơ gián đoạn hệ thống ống dẫn có thể ảnh hưởng tới nguồn cung khí đốt toàn cầu. Giá khí đốt giao sau trên sàn TTF ở Hà Lan, giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt châu Âu, đã tăng hơn 23% trong tháng này, đạt hơn 52 euro/megawatt giờ.
Trong khi đó, giá dầu không duy trì được mức tăng đã có sau khi xung đột bùng nổ. Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London có lúc vượt 93 USD/thùng vào hôm 20/10, nhưng chốt phiên gnafy 30/10 chỉ còn khoảng 87 USD/thùng. Kỷ lục mọi thời đại của giá dầu là 147 USD/thùng thiết lập vào năm 2008 trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Báo cáo của WB nhận định rằng nền kinh tế toàn cầu hiện nay ở vào một vị thế tốt hơn để chống chọi với một cú sốc nguồn cung dầu nếu so với thời điểm tháng 10/1973, khi các nước Arab trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cắt giảm xuất khẩu dầu sang Mỹ và các quốc gia khác để trả đũa việc các nước này đứng về phía Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur. Động thái cấm vận đó đã đẩy giá dầu thế giới tăng gấp 4 lần.
Hiện nay, tầm quan trọng của Trung Đông trong xuất khẩu dầu toàn cầu cũng giảm so với cách đây 50 năm. Khu vực này đang chiếm khoảng 30% nguồn cung dầu của thế giới, từ mức 37% vào thập niên 1970.
Nhưng 30% vẫn là một tỷ trọng lớn - phó kinh tế trưởng của WB, ông Ayhan Kose, nhấn mạnh. “Khi nói về giá dầu, thì những gì diễn ra ở Trung Đông sẽ không chỉ nằm ở Trung Đông, mà có ảnh hưởng lan rộng toàn cầu”, ông Kose nói.
Ngoài ra, báo cáo của WB cảnh báo rằng thị trường hàng hoá toàn cầu vẫn chưa ổn định lại hoàn toàn sau cú sốc gây ra bởi cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, sự kiện mà ông Kosse miêu tả là “một cuộc sang chấn đối với thị trường hàng hoá cơ bản”.
Trao đổi với tờ Financial Times, ông Kose nói “một hệ quả thực sự tiêu cực” sẽ xảy đến nếu xung đột tiếp tục leo thang và dẫn tới giá hàng hoá cơ bản tăng kéo dài. Tình huống như vậy sẽ kéo theo “một làn sóng lạm phát mới” và buộc các ngân hàng trung ương phải hành động.
“Các nhà hoạch định chính sách sẽ phải cảnh giác”, ông Gill nói thêm.