Trong một ấn phẩm công bố mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã giải thích việc các ngân hàng trung ương giảm USD trong dự trữ ngoại hối và thay thế bằng vàng.
Tác giả của ấn phẩm có tên Sổ tay Đầu tư vàng (Gold Investing Handbook) là ông Kamol Alimukhamedov, Phó giám đốc điều hành Ngân hàng Trung ương Uzbekistan, đồng thời là một thành viên Uỷ ban đầu tư của cơ quan này. Cuốn sách đã dành một phần lớn nội dung để nói về xu hướng trong đó các ngân hàng trung ương giảm nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ song song với tăng tỷ trọng của vàng trong dự trữ ngoại hối - trang Kitco News cho hay.
“Trong thời hiện đại, vàng tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu, giữ vai trò là một sự phòng hộ trước lạm phát, một tài sản an toàn, và một tài sản dự trữ cho các ngân hàng trung ương. Vai trò của vàng với tư cách một tài sản dự trữ của các ngân hàng trung ương đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại quý này”, cuốn sách viết.
Với cuộc khủng hoảng nguồn cung do xung đột Nga-Ukraine và các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Nga, thế giới đang chuyển từ kỷ nguyên Bretton Woods - được hậu thuẫn bởi vàng, sang Bretton Woods II - được hậu thuẫn bởi trái phiếu kho bạc với rủi ro bị tịch thu không thể phòng ngừa được, sang Bretton Woods III - được hậu thuẫn bởi tiền vàng và các hàng hóa khác.
Tác giả Alimukhamedov liệt kê nhiều thách thức kinh tế và địa chính trị dẫn tới việc vàng phát huy mạnh mẽ vai trò “hầm trú ẩn” trong gần 2 thập kỷ trở lại đây. “Những gián đoạn trên thị trường do khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đại dịch Covid-19, thời kỳ lãi suất âm kéo dài, và những bấp bênh địa chính trị gây ra bởi các biện pháp trừng phạt tài chính khiến dự trữ ngoại hối của Nga bị đóng băng. Tất cả đều củng cố tầm quan trọng chiến lược của vàng với tư cách một nệm đỡ chống lại bất ổn định tài chính”.
Cuốn sách cũng dẫn kết quả một cuộc thăm dò mà Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) thực hiện vào năm 2022 với sự tham gia của các nhà quản lý tài sản. Theo cuộc thăm dò này, “vị thế nắm giữ vàng trong lịch sử” và “khả năng sinh lời của vàng trong các cuộc khủng hoảng” là những lý do quan trọng nhất để các nhà quản lý tài sản nắm giữ vàng.
Và bên cạnh đó, ông Alimukhamedov nhấn mạnh rằng từ năm 2022, các ngân hàng trung ương trên thế giới bất ngờ trở nên quan tâm hơn nhiều việc tăng tỷ trọng của vàng trong dự trữ ngoại hối.
“Năm 2022, các ngân hàng trung ương trở nên lạc quan hơn về vàng với tư cách một tài sản dự trữ. 61% số người được hỏi trong cuộc khảo sát của WGC nói rằng họ kỳ vọng dự trữ vàng toàn cầu sẽ tăng trong 12 tháng tới. Lập trường của các ngân hàng trung ương đối với vàng đã thay đổi trong giai đoạn sau khủng hoảng tài chính và các ngân hàng trung ương trở thành một lực lượng mua ròng vàng kể từ đó, bất chấp giá vàng ngày càng tăng, sau khi nhóm này liên tục bán ròng vàng trong các giai đoạn trước”, tác giả viết.
Cần nói thêm rằng chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, dẫn tới việc Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính khắc nghiệt lên Moscow, bao gồm đóng băng tài sản và tịch thu tài sản.
Ông Alimukhamedov nhấn mạnh rằng việc nghiên cứu đã xác định được “mối quan hệ cùng chiều giữa giá vàng và rủi ro địa chính trị, ngay cả khi trên thị trường tài chính có sự bấp bênh. Nghiên cứu của ông Alimukhamedov cũng phân biệt giữa “rủi ro địa chính trị dự kiến xảy ra và rủi ro địa chính trị đã xảy ra”, và đi đến kết luận rằng rủi ro địa chính trị dự kiến và rủi ro địa chính trị đã xảy ra trên thực tế là yếu tố giữ vai trò quan trọng hơn trong việc thúc đẩy giá vàng.
“Các ngân hàng trung ương tăng nắm giữ vàng mạnh nhất khi họ dự kiến phải đối mặt hoặc đang đối mặt các biện pháp trừng phạt tài chính. Nghiên cứu cho thấy cả khối lượng và giá trị của dự trữ vàng thường tăng khi các ngân hàng trung ương phản ứng với lệnh trừng phạt áp đặt bởi các nền kinh tế lớn như eurozone, Nhật Bản, Anh hay Mỹ”, cuốn sổ tay viết. Tác giả cũng đưa ra dữ liệu lịch sử chi tiết để chứng minh nhận định rằng sau khi xung đột nổ ra giữa Nga và Ukraine, những ngân hàng trung ương lo sợ bị phương Tây trừng phạt nhất chính là các ngân hàng trung ương mua vàng mạnh nhất.
“Các biện pháp trừng phạt gần đây chống lại Nga đã làm tăng khả năng ngân hàng trung ương của các nước khác có thể chuyển dự trữ của họ từ ngoại hối sang vàng. Đó là do vàng là tài sản vật chất có thể được lưu trữ trong nước, không giống như dự trữ ngoại tệ có thể bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt”, tác giả viết.
“Hơn nữa, các đợt mua vàng của các ngân hàng trung ương tích cực trong việc đa dạng hoá dự trữ ngoại hối thường trùng hợp với các cú sốc chính trị, kinh tế hoặc tài chính. Điều này củng cố quan điểm cho rằng các sự kiện địa chính trị ảnh hưởng đến biến động giá vàng và có thể liên quan đến lo ngại về các hình phạt trong tương lai.”
Ông Alimukhamedov cho rằng xu hướng tăng nắm giữ vàng của các ngân hàng trung ương có thể ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu. Ông viết: “Nếu nhiều quốc gia tăng nắm giữ vàng, điều đó có thể làm tăng giá vàng và khiến các quốc gia phải chi nhiều tiền hơn cho việc dùng vàng làm tài sản dự trữ”.
Sau đó, tác giả trích dẫn một nghiên cứu cho thấy điều này có thể dẫn tới sự xuất hiện của một mô hình tài chính hoàn toàn mới.
“Có lập luận cho rằng sau cuộc khủng hoảng nguồn cung do xung đột Nga-Ukraine và các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Nga, thế giới đang chuyển từ kỷ nguyên Bretton Woods - được hậu thuẫn bởi vàng, sang Bretton Woods II - được hậu thuẫn bởi trái phiếu kho bạc với rủi ro bị tịch thu không thể phòng ngừa được, sang Bretton Woods III - được hậu thuẫn bởi tiền vàng và các hàng hóa khác”, ông Alimukhamedov viết. “Người ta tin rằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đã tạo ra động cơ khuyến khích các ngân hàng trung ương từ bỏ đồng USD để chuyển sang vàng và khiến các chính phủ chuyển dự trữ USD sang dự trữ các hàng hoá khác”.
Các biện pháp trừng phạt chống lại Nga "làm nổi bật tầm quan trọng của vàng như một tài sản dự trữ”, tác giả nhấn mạnh và nói thêm rằng “vẫn còn phải xem liệu các quốc gia khác có học theo Nga tăng nắm giữ vàng hay không”.