Ngân hàng Thế giới (WB) tuyên bố không thể hỗ trợ El Salvador triển khai việc đưa Bitcoin trở thành phương tiện thanh toán chính thức, với lý do là những trở ngại về môi trường và minh bạch. Lời từ chối này được đưa ra sau khi quốc gia vùng Trung Mỹ đề nghị WB giúp thực thi đạo luật Bitcoin.
“Chúng tôi cam kết giúp đỡ El Salvador trên một số phương diện, bao gồm minh bạch hoá tiền tệ và một số quy trình pháp lý”, WB cho biết trong một email ngày 16/6 được hãng tin Reuters trích dẫn. “Chính phủ El Salvador có đề nghị chúng tôi hỗ trợ về Bitcoin, nhưng đây không phải là một vấn đề mà WB có thể hỗ trợ, xét đến những vấn đề về môi trường và minh bạch”.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính El Salvador, ông Alejandro Zelaya nói rằng nước này đã tìm kiếm sự hỗ trợ kỹ thuật từ WB để thực thi đạo luật Bitcoin. Được Tổng thống Nayib Buleke của El Salvador đề xuất và được Quốc hội nước này thông qua mới đây, đạo luật Bitcoin đưa đồng tiền ảo lớn nhất thế giới trở thành phương tiện thanh toán hợp pháp của El Salvador, bên cạnh đồng USD.
Ông Zelaya cũng nói cuộc đàm phán đang diễn ra giữa El Salvador với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thành công, dù IMF tuần trước nói rằng định chế này nhận thấy “những vấn đề kinh tế vĩ mô, tài chính và pháp lý” trong việc El Salvador dùng Bitcoin làm phương tiện thanh toán chính thức. Giới đầu tư lo ngại rằng vì đạo luật Bitcoin, IMF sẽ từ chối hỗ trợ 1 tỷ USD cho El Salvador, trong khi khoản vay này giữ vai trò then chốt để bù đắp thâm hụt ngân sách chính phủ El Salvador cho tới hết năm 2023.
Ông Zelaya ngày 16/6 nói IMF “không phản đối” việc nước này đưa Bitcoin thành phương tiện thanh toán chính thức. Tuy nhiên, thị trường tài chính vẫn chưa hết lo.
“Sẽ không có một giải pháp nhanh nào cho một chương trình cấp vốn vay của IMF đối với El Salvador. Đề xuất Bitcoin cũng đặt ra những bấp bênh mới trong quan hệ ngoại giao giữa El Salvador với Mỹ và các mối quan hệ đa phương”, bà Siobhan Morden, trưởng bộ phận chiến lược trái phiếu Mỹ Latin thuộc Amherst Pierpont Securities ở New York, nhận định.
Đầu tháng này, ông Bukele rút khỏi một thoả thuận chống tham nhũng với Tổ chức Các nhà nước châu Mỹ (OAS) – một động thái khiến Chính phủ Mỹ không hài lòng, bởi Washington muốn xem việc chống tham nhũng ở Trung Mỹ là một phần trong chính sách nhập cư.
El Salvador là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa Bitcoin trở thành phương tiện thanh toán hợp pháp. Tổng thống Bukele xem đây là một giải pháp hữu ích cho hoạt động chuyển kiều hối về nước và tạo ra sự bao trùm tài chính ở một quốc gia mà đa phần người dân không có tài khoản ngân hàng.