February 13, 2025 | 16:30 GMT+7

Ngân hàng thiệt hại vì hết thời hiệu khởi kiện

Đỗ Mến -

Theo quy định, đối với tranh chấp tín dụng, ngân hàng chỉ được khởi kiện yêu cầu đòi lại tài sản (nợ gốc) khi đã hết thời hiệu khởi kiện mà không phụ thuộc vào việc các bên có yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện hay không…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong vụ tranh chấp tín dụng vừa được Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Ninh giải quyết theo trình tự phúc thẩm, ngân hàng chịu nhiều thiệt hại do hết thời hiệu khởi kiện.

Theo hồ sơ, năm 2015, ngân hàng và công ty T. ký hợp đồng tín dụng hạn mức 5 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngân hàng nhận các tài sản đảm bảo gồm nhà đất của bên thứ ba.

Quá trình cho vay, năm 2016, công ty trả được 1,1 tỷ đồng tiền gốc và 23 triệu đồng tiền lãi. Ngày 19/9/2016, ngân hàng chuyển sang nợ quá hạn. Ngoài ra, ngân hàng cấp bảo lãnh cho công ty 1 tỷ đồng, khoản vay này cũng chuyển nợ quá hạn.

Ngân hàng nhận tài sản bảo đảm là các bất động sản để đảm bảo các khoản vay trên. Năm 2022-2023, bên thứ ba trả nợ thay công ty số tiền 1,6 tỷ đồng.

Do công ty vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên ngày 19/9/2024, ngân hàng khởi kiện ra tòa án yêu cầu công ty phải trả nợ gốc và lãi hơn 8,3 tỷ đồng.

Quá trình tố tụng, đại diện theo ủy quyền của ngân hàng xác định có lỗi trong việc để thời gian rất dài không có văn bản đôn đốc nhắc nhở công ty thực hiện hợp đồng tín dụng. Ngân hàng đề nghị xem xét lại thời hiệu khởi kiện.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho rằng họ tin tưởng giám đốc công ty nên đồng ý cho mượn sổ đỏ để thế chấp ngân hàng. Tuy nhiên, khi giám đốc công ty bị đột quỵ, họ đã yêu cầu nhưng ngân hàng không giải quyết, dẫn đến việc khoản vay chuyển thành nợ xấu. Những người này đều đề nghị áp dụng thời hiệu khởi kiện để họ không bị mất nhà cửa.

Hội đồng xét xử xác định, theo Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Xét quy định trong các điều khoản hợp đồng, tòa án thấy rằng, toàn bộ khoản vay của công ty chuyển nợ quá hạn từ ngày 19/9/2016, khoản cấp bảo lãnh từ ngày 19/5/2017. Như vậy, tòa án xác định ngày 19/5/2017 là ngày mà quyền, lợi ích của ngân hàng bị xâm phạm. Tuy nhiên, đến ngày 29/7/2021, ngân hàng mới làm đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết vụ án thì thời hiệu khởi kiện đã hết.

Ngân hàng cũng chỉ cung cấp các tài liệu là biên bản làm việc với công ty ngày 24/12/2021, 18/5/2023 và phương án trả nợ vay ngày 29/12/2021 để thể hiện việc công ty có thừa nhận nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi.

Tuy nhiên, tòa án cho rằng những chứng cứ này cho thấy thời điểm công ty thừa nhận nghĩa vụ đều sau thời điểm khởi kiện ngày 29/7/2021 nên không có căn cứ tính lại thời hiệu khởi kiện.

Tòa án trích dẫn khoản 2, Điều 155 Bộ luật Dân sự và mục 2, phần III công văn số 02/TANDTC-PC ngày 2/8/2021 của Tòa án Nhân dân tối cao giải đáp một số vướng mắc trong xét xử thì thời hiệu khởi kiện không phụ thuộc vào việc các bên có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi tòa án sơ thẩm ra bản án hay không.

“Trong nội dung mục 3, Tòa án Nhân dân tối cao đã khẳng định nội dung giải đáp mục 2 là: Đối với vụ án ngân hàng cho vay thì ngân hàng chỉ khởi kiện yêu cầu đòi lại tài sản là nợ gốc khi thời hiệu khởi kiện đã hết đối với hợp đồng tín dụng và tòa án thụ lý, giải quyết vụ án tranh chấp đòi lại tài sản mà không phụ thuộc vào việc các bên có yêu cầu áp dụng thời hiệu hay không”, Tòa án nhận định.

Do đó, Tòa án chỉ chấp nhận yêu cầu của ngân hàng với phần nợ gốc là hơn 2,7 tỷ đồng. Đồng nghĩa với việc ngân hàng không có yêu cầu đòi nợ lãi, phạt chậm trả…

Thời hiệu khởi kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong tố tụng, đặc biệt, việc xác định đúng thời hiệu lại càng quan trọng với doanh nghiệp khi xảy ra tranh chấp.

Trong giao dịch dân sự, thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

Ví dụ: thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 3 năm, thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản là 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản. Thời hiệu đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự đó...

Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng có quy định về trường hợp ngoại lệ. Cụ thể, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp bên có nghĩa vụ thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện, hoặc các bên đã tự hòa giải với nhau.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate