July 22, 2024 | 15:31 GMT+7

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nghĩ đủ cách chống giảm phát

Hoài Thu -

Theo các nhà phân tích, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đang đối mặt “bộ ba nhiệm vụ bất khả thi”, bao gồm kiểm soát lãi suất, ổn định tỷ giá và duy trì độ mở của nền kinh tế...

Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters

Theo tờ Nikkei Asia, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đối mặt áp lực giảm phát ngày càng lớn, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đang cố gắng xoa dịu tâm lý bi quan bằng nhiều động thái quyết liệt.

Trong tháng 7,  PBOC có nhiều động thái nhằm ngăn đà giảm lợi suất trái phiếu chính phủ – một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang tiếp tục sụt tốc tăng trưởng, đa dạng từ việc can thiệp trực tiếp vào thị trường – một hành động hiếm thấy – cho tới việc phát đi cảnh báo thông qua các kênh truyền thông nhà nước.

CAN THIỆP TRỰC TIẾP

Trong tuần đầu tiên của tháng 7, PBOC thông báo sẽ vay một lượng trái phiếu chính phủ lớn từ các tổ chức tín dụng nhằm hạ giá trái phiếu – một kế hoạch chưa từng có.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào đầu tháng này. Hồi tháng 5, giá trái phiếu mới kỳ hạn 30 năm tăng mạnh trong ngày giao dịch đầu tiên trên các sàn ở đại lục, khiến giao dịch bị gián đoạn và đẩy lợi suất xuống mức 1,53%. Lợi suất đã tăng trở lại sau thông báo về kế hoạch nói trên.

“Môi trường lợi suất trái phiếu thấp sẽ trở thành rào cản lớn trong việc khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư vào nền kinh tế cũng như ngăn chặn việc hình thành nhận thức rằng giảm phát đang diễn ra”, ông Ken Cheung, giám đốc chiến lược ngoại hối tại Mizuho Securities Asia, nhận xét. “Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc giảm cũng nới rộng khoảng cách với trái phiếu chính phủ Mỹ, làm gia tăng áp lực mất giá của đồng nhân dân tệ”.

Trong bối cảnh thị trường xem xét các tác động của việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có khả năng tái đắc cử, áp lực với đồng nội tệ Trung Quốc đang tăng lên trong ngắn hạn. Vào ngày 10/7, đồng nhân dân tệ trên thị trường Trung Quốc đại lục, giao dịch ở mức 7,2763 nhân dân tệ đổi 1 USD – mức thấp nhất trong vòng 8 tháng.

Gần đây, tỷ giá nhân dân tệ phục hồi nhưng không đáng kể. Ngày 22/7, tỷ giá đồng tiền này có thời điểm giao dịch ở mức 7,2732 nhân dân tệ/USD - theo số liệu của hãng tin Bloomberg.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm qua các năm - Nguồn: QUICK
Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm qua các năm - Nguồn: QUICK

Nỗ lực của PBOC diễn ra trong bối cảnh các nhà đầu tư - bao gồm nhà đầu tư cá nhân, ngân hàng và công ty bảo hiểm - đổ xô mua trái phiếu chính phủ Trung Quốc. Điều này có thể đe dọa tới sự ổn định của thị trường tài chính cũng như hút dòng tiền từ thị trường cổ phiếu và nhà ở – hai lĩnh vực mà Bắc Kinh đang muốn bình ổn.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc hiện giảm ở tất cả các kỳ hạn, từ ngắn tới dài hạn, dù PBOC duy trì lãi suất chính sách ổn định. Điều này cho thấy áp lực mà các ngân hàng thương mại khu vực nhỏ tại nước này đang đối mặt bởi nhóm nhà băng này thường trông vào trái phiếu chính phủ để có nguồn thu khi những nguồn thu khác bị ảnh hưởng. Nhu cầu các sản phẩm quản lý tài sản có lợi suất ổn định thúc đẩy ngày càng nhiều nhà đầu tư rót tiền vào thị trường trái phiếu chính phủ, đẩy giá tăng lên và lợi suất giảm xuống.

Điều này càng được thúc đẩy mạnh mẽ trong bối cảnh các nhà đầu tư tại Trung Quốc đại lục hiện bị hạn chế đầu tư ra nước ngoài. Mức lợi nhuận ít ỏi từ cổ phiếu trong nước, cộng tâm lý không mặn mà với bất động sản nhà ở đã thổi bùng nhu cầu với các tài sản an toàn, có lợi suất ổn định như trái phiếu chính phủ.

Theo ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc đại lục của ngân hàng ANZ, trong khi lợi nhuận bình quân từ việc cho thuê bất động sản là khoảng 1,5%, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm là gần 2,5%.

“Hãy nghĩ xem, liệu các bạn sẽ đầu tư vào thị trường bất động sản hay trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm”, ông Yeung đặt câu hỏi tại một cuộc thảo luận ở Hồng Kông hôm 9/7.

“BPOC có thể không phải bán ra trái phiếu đã vay từ các tổ chức tín dụng nếu bản thân việc thông báo kế hoạch vay trái phiếu đã đủ để ngăn hành động của các nhà đầu tư”, bà Becky Liu, giám đốc phụ trách chiến lược vĩ mô của Trung Quốc tại ngân hàng Standard Chartered Hồng Kông, nhận định vào tuần trước.

Bà ước tính với kế hoạch vay nói trên, PBOC có thể tiếp cận hơn 10 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,38 nghìn tỷ USD) trái phiếu chính phủ. Ước tính này được đưa ra dựa trên tổng lượng trái phiếu chính phủ mà Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc  (PSBC) đang nắm giữ. Đây là 2 ngân hàng mà PBOC đang đàm phán cho kế hoạch vay trái phiếu nói trên.

CẢNH BÁO NHÀ ĐẦU TƯ

Theo các nhà phân tích, PBOC đang đối mặt “bộ ba nhiệm vụ bất khả thi”, bao gồm kiểm soát lãi suất, ổn định tỷ giá và duy trì độ mở của nền kinh tế.

Ngoài việc can thiệp trực tiếp, PBOC cũng phát đi các cảnh báo tới thị trường thông qua tờ báo nhà nước Tin tức Tài chính. Dẫn “nguồn tin trong ngành”, tờ Tin tức Tài chính hôm 13/7 có một bài đăng trên tài khoản mạng xã hội WeChat nói rằng: "Các tổ chức đổ xô vào trái phiếu chính phủ Trung Quốc đang chạy theo kỳ vọng rằng lãi suất sẽ ngày càng giảm và rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể bước vào thời kỳ lãi suất thấp kéo dài như ở Nhật Bản. Đây là hành động bán khống nhân dân tệ và đặt cược vào sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc”.

Một ngày sau khi được đăng, bài viết đã được chính sửa và loại bỏ nội dung trên. Tuy nhiên, bản gốc vẫn xuất hiện trên các trang tin đăng lại trước đó.

Tại một sự kiện ở Thượng Hải vào tháng trước, Thống đốc PBOC, ông Pan Gongsheng nói rằng “việc mua bán trái phiếu như một công cụ tiền tệ không đồng nghĩa rằng Trung Quốc muốn nới lỏng định lượng”.

Tăng trưởng GDP quý 2 năm nay của Trung Quốc giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước, không đạt dự báo của các nhà phân tích. Trong nửa đầu năm, đầu tư bất động sản ở nước này giảm 10,1%, trong khi giá nhà tiếp tục giảm ở nhiều thành phố. Tổng doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng tháng 6 dù tăng 2% so với tháng trước nhưng không đạt dự báo 3,4% của các nhà phân tích. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng mức tăng thấp hơn so với mức tăng 0,3% của tháng 5.

Việc PBOC cố gắng can thiệp lợi suất trái phiếu chính phủ có thể tác động tới nhu cầu của nhà đầu tư ngoại. Nhóm này đã mua ròng trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ từ tháng 9/2023 đến nay và tính tới tháng 5 đang nắm giữ 2,24 nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu chính phủ Trung Quốc.

“Việc đó làm giảm sức hút của trái phiếu chính phủ Trung Quốc, bởi chúng tôi không còn được hưởng lợi nhiều từ lợi suất hay giá”, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại J.P. Morgan Asset Management cho biết và dự báo nhà đầu tư ngoại sẽ chuyển sang vị thế “giữ” thay vì tiếp tục mua vào.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate