Như VnEconomy đã đưa, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã thay đổi cách thu phí SMS khiến người dùng phải bỏ ra số tiền gấp 5-7 lần. Sau khi chính thức bị trừ tiền dịch vụ theo biểu giá mới, rất nhiều khách hàng cho biết đã soạn cú pháp hủy dịch vụ SMS chủ động.
Theo ông Trần Duy Hải, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, diễn biến trên đòi hỏi ngân hàng và nhà mạng phải tìm ra hướng thu phí phù hợp hơn.
Vì vậy, tại cuộc họp mới đây do Cục Viễn thông và Hiệp hội ngân hàng chủ trì, đã có nhiều ý kiến đề xuất cách thu phí mới, chẳng hạn như tính theo sản lượng, thay đổi phương án tính, công thức tính hay cấu trúc giá tin nhắn SMS.
Sau cùng, các doanh nghiệp viễn thông và các ngân hàng thương mại thống nhất phương án thu phí trọn gói. Cụ thể, mức phí là 11.000 đồng/tháng đã bao gồm thuế VAT, không giới hạn số tin nhắn.
Về cơ bản, mức giá này dựa trên mức thu khách hàng của đa số các ngân hàng thương mại trước đây, nhưng với việc áp dụng phương pháp tính cước mới, cũng cùng số tiền này, khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt sẽ không phải trả thêm chi phí tin nhắn do không giới hạn về lưu lượng.
"Mức giá mới sẽ thay thế cho phương pháp hiện nay là các ngân hàng thương mại đối soát với các doanh nghiệp viễn thông theo từng tin nhắn, dẫn đến phải ban hành nhiều gói cước, do sản lượng tin nhắn thấp hoặc cao hơn số thu của khách hàng", ông Hải nói.
Theo tính toán sơ bộ của Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, mỗi doanh nghiệp viễn thông sẽ giảm doanh thu của chính dịch vụ này khoảng 20-30% doanh thu tuỳ theo từng nhà mạng.
Bên cạnh đó, đối với các ngân hàng thương mại, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, hiện cũng đã giảm giá các dịch vụ liên quan đến hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt… nên cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng việc tính cước theo gói, không giới hạn lưu lượng đã được các doanh nghiệp viễn thông áp dụng đối với một số dịch vụ trong lĩnh vực viễn thông trong những năm qua, đều đã phát huy tác dụng tốt.
"Với phương thức tính cước này, dịch vụ được kích cầu và phát triển mạnh mẽ, lưu lượng tăng cao, nên nếu tính theo lưu lượng bình quân thì giá bán rất rẻ, khách hàng và người dân được thụ hưởng và từ đó lại có tác động kích cầu, khuyến khích người sử dụng dịch vụ", ông Hải kỳ vọng.
Theo thống kê từ các ngân hàng thương mại, khoảng 70% lượng tin nhắn SMS Banking là thông báo biến động số dư, số còn lại là tin nhắn mã OTP.
Ước tính, một ngân hàng cỡ nhỏ hàng tháng phải trả phí cước cho 15-20 triệu SMS, trong khi ngân hàng tầm trung trở lên là 50-80 triệu SMS mỗi tháng. Tạm tính theo giá kể trên, một ngân hàng quy mô nhỏ sẽ phải trả cho doanh nghiệp viễn thông 7,5-9 tỷ đồng/tháng, trong khi số phải trả của ngân hàng tầm trung trở lên là 25-40 tỷ đồng.
Hiện tại, nhiều ngân hàng thương mại đang miễn phí giao dịch kênh ngân hàng số, bao gồm cả dịch vụ thông báo biến động số dư trên app banking (OTT).