Bản kế hoạch ngân sách 2016 vừa được nội các Nhật Bản phê chuẩn đã tăng chi tiêu quốc phòng lên mức cao kỷ lục. Theo đánh giá của tờ Wall Street Journal, động thái này phản ánh mong muốn của Thủ tướng Shinzo Abe về tăng cường phòng thủ trong bối cảnh căng thẳng Nhật-Trung xoay quanh tranh chấp lãnh thổ.
Trong tài khóa bắt đầu vào tháng 4/2016, Nhật sẽ chi 5,05 nghìn tỷ Yên, tương đương 41,8 tỷ USD, cho quốc phòng, tăng 1,5% so với tài khóa hiện tại.
Đây là năm đầu tiên ngân sách quốc phòng Nhật vượt ngưỡng 5 nghìn tỷ Yên, đồng thời là năm thứ tư liên tiếp Tokyo tăng ngân sách quốc phòng kể từ khi ông Abe lên nắm quyền vào tháng 12/2012.
Đợt tăng ngân sách quốc phòng này diễn ra sau khi Nhật Bản thông qua một dự luật vào tháng 9 cho phép quân đội nước này được tham chiến ở nước ngoài. Thủ tướng Abe đã thúc đẩy dự luật này bất chấp sự chỉ trích của các đảng đối lập cho rằng làm như vậy là không hợp hiến.
Kế hoạch ngân sách Nhật 2016 đang chờ được Quốc hội nước này thông qua. Tuy nhiên, liên minh do Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền của ông Abe nắm quyền kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội Nhật.
Trong danh sách những loại vũ khí mà Nhật Bản dự kiến sẽ mua trong thời gian tới có chiến đấu cơ F-35, xe công binh tác chiến, máy bay vận chuyển V-22 Osprey, và xe chiến đấu bọc thép có súng tăng có thể triển khai dễ dàng hơn ở các đảo xa so với xe tăng chiến đấu thông thường.
Quan hệ Tokyo-Bắc Kinh đã bớt lạnh giá hơn trong thời gian gần đây, nhưng hai bên vẫn đang tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Nhật Bản dự kiến sẽ triển khai thêm lực lượng và radar ở khu vực tranh chấp, đồng thời thiết lập một lực lượng đổ bộ tương tự như lực lượng lính thủy đánh bộ của Mỹ. Ngoài ra, ngân sách quốc phòng 2016 của Nhật còn có các khoản dành để mua máy bay cảnh báo sớm đường không E-2D và một khu trục hạm Aegis.
Giáo sư Noboru Yamaguchi thuộc Đại học Quốc tế Nhật Bản (IUJ), nhận định, kế hoạch chi tiêu quốc phòng tài khóa 2016 của Nhật nhấn mạnh sự cơ động. Nói cách khác, Tokyo muốn tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc di chuyển lực lượng từ đại lục Nhật Bản tới các đảo ở phía Nam trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
“Sự cơ động liên quan đến năng lực vận chuyển và khả năng đảm bảo ưu thế cả ở trên không và trên biển”, ông Yamaguchi nói.
Về phần mình, Trung Quốc đã tăng ngân sách quốc phòng với tốc độ hai con số trong những năm gần đây và thường xuyên cử tàu tới gần khu vực có tranh chấp với Nhật Bản.
Ông Shoichi Kondo, một nghị sỹ thuộc Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đối lập nói rằng việc Tokyo tăng ngân sách quốc phòng sẽ gửi đi một thông điệp sai và có thể dẫn tới chạy đua vũ trang.
“Chính phủ Abe đang tạo cảm giác về một cuộc khủng hoảng treo lơ lửng. Tiền đó tốt hơn hết nên để chi cho an sinh xã hội và giáo dục”, ông Kondo nói.
Dân số đang lão hóa nhanh chóng của Nhật đã đẩy chi tiêu về lương hưu, y tế và các lĩnh vực liên quan lên mức gần 1/3 tổng ngân sách của nước này. Trong khi đó, chi tiêu quốc phòng mới chỉ chiếm hơn 5% tổng ngân sách Chính phủ Nhật.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate