February 24, 2023 | 12:13 GMT+7

Ngăn tình trạng “chảy máu chất xám”, cần sớm cải cách tiền lương ngành y tế

Nhật Dương -

Để ngăn tình trạng “chảy máu chất xám” trong các bệnh viện công hiện nay, các chuyên gia cho rằng trước mắt cần điều chỉnh phụ cấp, tiền lương cho ngành y tế càng sớm càng tốt. Còn về lâu dài, phải cải cách chính sách tiền lương của ngành y tế, đồng thời cải cách chính sách tiền lương cả nước…

Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho người bệnh. Ảnh - Đình Anh.
Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho người bệnh. Ảnh - Đình Anh.

Theo Bộ Y tế, tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, chuyển từ hệ thống y tế công lập sang y tế ngoài công lập đang là một trong những khó khăn, thách thức lớn đối với ngành y tế hiện nay.

BỆNH VIỆN KHÔNG CÒN BÁC SĨ GIỎI, NGƯỜI BỆNH SẼ CHỊU THIỆT

Đề cập đến vấn đề “chảy máu chất xám” nhân lực ngành y tế tại tọa đàm "Ngành y vượt khó" mới đây, PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những khó khăn về tài chính trong 3 năm tự chủ toàn diện và việc dừng các đề án liên doanh, liên kết do vướng cơ chế dẫn đến không có nguồn thu, khiến nguồn tài chính để đãi ngộ cho cán bộ nhân viên của bệnh viện hiện rất thấp. Thu nhập của người lao động, y bác sĩ giảm rất nhiều khiến không ít người đã rời sang các bệnh viện tư.

“Bây giờ khi có bệnh viện nào mới thành lập, tư nhân hoặc thậm chí kể cả bệnh viện công lập có những khoa mới thành lập, là cán bộ Bệnh viện Bạch Mai lại rục rịch xin sang đơn vị đó. Thực tế tại bệnh viện bây giờ nguồn chi cho cán bộ nhân viên eo hẹp. Chúng tôi đang hết sức lo lắng đến ngày 1/7 tới đây khi bắt đầu chi theo lương mới thì nguồn chi thường xuyên của bệnh viện chưa chắc đã đủ chi lương cho cán bộ nhân viên”, ông Cơ lo ngại và mong muốn Bộ Y tế sớm có các văn bản hướng dẫn để gỡ khó cho các bệnh viện.

Bệnh viện Việt Đức chưa ghi nhận tình trạng cán bộ nhân viên y tế đi ra ngoài, song GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc bệnh viện cho rằng nếu tình trạng này ở các bệnh viện kéo dài và không tháo gỡ được những khó khăn, thì nguy cơ có những cán bộ, thầy thuốc giỏi, chuyên gia đi khỏi bệnh viện là điều có thể lường trước được.

“Với tư cách là một người quản lý bệnh viện, một thầy thuốc điều trị cho người bệnh, một chuyên gia trong ngành, nhưng đồng thời cũng là một người làm công tác đào tạo, giảng dạy để truyền thụ lại cho các thế hệ sau, tôi hết sức lo lắng”, GS.TS. Trần Bình Giang trăn trở.

Theo ông Giang, tình trạng các chuyên gia ở Bệnh viện Bạch Mai rời đi và nếu tiếp tục như thế ở những bệnh viện lớn, thì không những ảnh hưởng trực tiếp đến việc khám chữa bệnh, nhất là ở những người bệnh nặng, bệnh tốn kém rất nhiều tiền, bệnh cần phải có điều trị rất phức tạp. Bởi đây là những bệnh không bệnh viện tư nào nhận hết, đều phải đến những bệnh viện lớn, nên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc khám chữa bệnh cho người bệnh.

Đồng thời cũng sẽ ảnh hưởng lâu dài cho những thế hệ sau, khi các sinh viên, bác sĩ về các bệnh viện học không còn thầy giỏi để dạy, không có máy móc, phương tiện hiện đại để có thể thực tập. “Khi đó làm sao chúng ta hy vọng có được những thế hệ tiếp nối để tham gia khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân một cách có chất lượng, ngày càng cao hơn”, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức lo ngại.  

ĐIỀU CHỈNH TIỀN LƯƠNG NGÀNH Y TẾ CÀNG SỚM CÀNG TỐT

Trước những khó khăn về vấn đề nhân lực y tế tại các bệnh viện, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất là chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ công nhân viên chức trong ngành. Ngành y tế là ngành đặc thù từ khi còn học đến trong quá trình phục vụ người bệnh, trong khi chế độ đãi ngộ hiện nay chưa tương xứng.

Chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế hiện nay chưa tương xứng. Ảnh minh họa. 
Chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế hiện nay chưa tương xứng. Ảnh minh họa. 

Giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế đang tập trung tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội, Trung ương hoàn thiện thể chế chính sách để nâng cao năng lực quản lý nhà nước. Trong đó, tiếp tục kiện toàn, sắp xếp lại các đơn vị y tế thuộc phạm vi quản lý của Bộ, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền; đi đôi với phân bổ nguồn lực và năng lực của cán bộ. Vừa rồi Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành các văn bản, nghị định của Chính phủ, đặc biệt là Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã có hẳn một chương về tài chính trong các bệnh viện.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56 về nâng phụ cấp của y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40% và 70% lên 100%. Bộ Y tế cũng đang dự thảo để trình Chính phủ ban hành Nghị định về khám chữa bệnh theo yêu cầu. Cùng với đó, tham mưu ban hành các quy định liên quan đến vấn đề liên doanh, liên kết. “Tôi cho rằng đây là những vấn đề cốt lõi để bảo đảm bảo chế độ cho cán bộ, nhân viên y tế”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Còn theo TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Uỷ ban Xã hội), động thái của Chính phủ, Bộ Y tế rất tích cực nhưng mới trên văn bản. Đến nay vẫn chưa có các nghị định, văn bản điều chỉnh tiền lương cho các cán bộ, công chức trong ngành y tế là quá chậm.

“Ngành y tế là ngành đặc thù, đào tạo thì dài 7 năm, sau đó phải 2 năm học làm thầy thuốc mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Đào tạo dài mà bảng lương lại cùng với người đào tạo thời gian ngắn thì có hợp lý hay không”, ông Lợi nêu quan điểm.

Theo ông Lợi, trước mắt cần điều chỉnh phụ cấp, tiền lương cho ngành y tế càng sớm càng tốt. Về lâu dài, phải cải cách chính sách tiền lương của ngành y tế, đồng thời cải cách chính sách tiền lương của cả nước.

“Tiền lương phải phản ánh đúng giá trị của sức lao động, giá trị của sức lao động phải được thể hiện bằng giá cả trên thị trường. Việc các bác sĩ, chuyên gia giỏi của các bệnh viện lớn Trung ương chuyển sang khu vực tư nhân và các cơ sở khác là do giá cả không hợp lý và không thể hiện được giá cả thị trường. Nơi nào có cung lớn thì giá trị tiền lương sẽ giảm đi, cung ít thì giá trị tiền lương phải tăng thì mới thu hút được nguồn nhân lực”, ông Lợi phân tích.

Bên cạnh đó, cần bảo đảm an ninh, an toàn cho người lao động trong ngành y tế, trong các trường hợp người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ. Cần có quy định bảo đảm an ninh, an toàn cho nhân viên y tế và phải được thể chế bằng hệ thống pháp luật. “Nếu chúng ta không làm được điều này thì không thể nói rằng bác sĩ công tâm, gắn bó với ngành y, cống hiến cho ngành y”, TS.Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate