Trong khi đó, hàng hóa nhập khẩu tiếp tục đổ vào Mỹ. Các chuyên gia cảnh báo chuỗi cung ứng của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng bởi “hiệu ứng bullwhip” - thuật ngữ mô tả hiện tượng các công ty sốt sắng lấp đầy khoảng trống hàng tồn kho bằng cách đặt hàng với số lượng lớn để rồi chứng kiến nhu cầu tiêu tan.
Xu hướng giảm chi tiêu của người tiêu dùng trong thời “bão giá” đang đe dọa gây quá tải cho các kho hàng trên khắp cả nước, làm trầm trọng thêm cơn rối loạn chuỗi cung ứng. Đối với những nhà bán lẻ còn nhiều hàng hóa chưa tiêu thụ được, có hai sự lựa chọn đặt ra: trả thêm tiền để lưu trữ hàng tồn kho – với hy vọng sẽ thu lại vào dịp mua sắm cuối năm, hoặc chấp nhận giảm lợi nhuận bằng cách bán chúng với giá chiết khấu.
“CUỘC CHIẾN” NHÀ KHO
Quần thể nhà kho đồ sộ ở Inland Empire tập trung ở hạt Riverside và hạt San Bernardino là một hành lang công nghiệp bao gồm 45,3 triệu m2, kéo dài từ cảng biển nhộn nhịp nhất của Mỹ ở Los Angeles đến gần biên giới bang Arizona và bang Nevada. Dù quy mô như vậy, theo Công ty dịch vụ bất động sản Cushman & Wakefield, tỷ lệ trống nhà kho ở khu vực Inland Empire đang mức thấp nhất kỷ lục, chỉ 0,6% so với mức trung bình toàn quốc là 3,1%.
Trong khi đó, chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ vẫn cao hơn mức trước đại dịch, các nhà bán lẻ và nhà cung cấp đang lên tiếng cảnh báo về lượng hàng tồn đọng ở các hạng mục sản phẩm đã không còn hợp thời. Tuần trước, chuỗi siêu thị kinh doanh hàng điện tử Best Buy ghi nhận người mua sắm đang hạn chế chi tiêu cho các sản phẩm như máy tính và TV.
Trước đó, chuỗi siêu thị Target bày tỏ lo ngại tình trạng hàng hóa tồn đọng quá nhiều bao gồm TV, thiết bị nhà bếp, đồ nội thất, quần áo. Các nhà cung cấp , từ nhà sản xuất bếp và lò nướng Weber cho đến Helen của Troy, sở hữu các thương hiệu hàng tiêu dùng bao gồm các dụng cụ nhà bếp OXO, cũng đã cảnh báo về tình trạng nhu cầu suy yếu và cho biết nhiệm vụ cấp thiết là phải giải phóng hàng tồn kho.
Tuy nhiên, nhu cầu là không thể đoán trước. Một số công ty, lo sợ lặp lại sự chậm trễ của chuỗi cung ứng khiến họ bị cháy hàng vào mùa lễ cuối năm ngoái, đã tích trữ hàng hóa từ đầu năm nay. Mattel, nhà sản xuất búp bê Barbie và xe hơi Hot Wheels, mới đây đã báo cáo rằng lượng hàng tồn kho của họ đã tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đối thủ Hasbro cũng có mức tồn kho cao bất thường do dự trữ sản phẩm đồ chơi cho mùa cao điểm.
Zvi Schreiber, CEO công ty dịch vụ logistics Freightos giải thích: “Các nhà nhập khẩu không còn tin tưởng vào chuỗi cung ứng nữa. Các nhà bán lẻ không chấp nhận bất kỳ rủi ro nào. Nếu có thể mua được hàng, họ sẽ làm như vậy để dự trữ cho mùa lễ hội mua sắm cuối năm”.
Dù tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang suy giảm, hàng hóa nhập khẩu vẫn tiếp tục đổ vào nước này ở mức gần kỷ lục. Theo Công ty dữ liệu xuất nhập khẩu Descartes Datamyne, các lô hàng sắp tới phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Giáng sinh cuối năm và việc các trung tâm nhà máy lớn của Trung Quốc tái mở cửa sau khi kiểm soát được Covid-19 có thể khiến lượng hàng hóa chảy vào Mỹ tăng mạnh hơn nữa. Trong nửa đầu năm nay, lượng container 40 feet được xử lý ở đây cao hơn khoảng 550.000 so với trước khi đại dịch.
Theo Reuters, các nhà đầu tư đang triển khai xây dựng thêm 40 triệu feet vuông không gian nhà kho ở Inland Empire, bao gồm một nhà kho lớn nhất từ trước đến nay của Tập đoàn thương mại điện tử Amazon. Amazon cũng hợp tác với công ty thuê kho hàng lớn nhất ở khu vực Inland Empire và trên toàn quốc. Cuộc chạy đua mở rộng không gian nhà kho ở Inland Empire vẫn đang tiếp tục.
GIẢM GIÁ KHI CÒN CÓ THỂ
Nồi chiên không dầu giảm từ 149 USD xuống còn 110 USD, tấm bạt lò xò giảm giá 10%, quần áo giảm giá từ 12 USD xuống còn 9 USD,… Không khó để người mua tìm thấy những tấm biển tương tự tại Walmart Supercenter gần trụ sở của nhà bán lẻ ở Bentonville, Arkansas, theo Financial Times. Các đợt giảm giá này phản ánh câu chuyện về ngành bán lẻ tại Mỹ đang gặp khó khăn về cả nguồn cung lẫn nhu cầu.
Tuần này, Walmart đã đưa ra cảnh báo về lợi nhuận lần thứ hai chỉ trong vòng hơn hai tháng, vì lạm phát tăng cao, đặc biệt là giá thực phẩm và nhiên liệu, đang ảnh hưởng đến khả năng mua hàng của người tiêu dùng. Sự tăng trưởng của Walmart được xây dựng dựa trên giá cả cạnh tranh và các chương trình khuyến mại hấp dẫn. Tuy nhiên, giờ đây Walmart đang phải dùng đến nhiều đợt giảm giá hơn so với kế hoạch, đặc biệt là để thay đổi hàng tồn kho trong lĩnh vực may mặc. Walmart cho biết lợi nhuận cả năm nay của “ông lớn” này có thể giảm 11 - 13%, thay vì 1% như dự đoán trước đó.
Target cũng phát tín hiệu về triển vọng kinh doanh đầy biến động trước mắt. Nhà bán lẻ này đã cắt giảm dự báo tỷ suất lợi nhuận hai lần, nói rằng họ sẽ phải hủy đơn đặt hàng và giảm giá mạnh hơn để loại bỏ các hàng hóa không còn phù hợp. Các mặt hàng tồn kho như TV, xe đạp và thiết bị gia dụng, vốn phổ biến trong thời kỳ đại dịch, là những mặt hàng mà họ muốn giải phóng để dành không gian cho hàng hóa liên quan tới mùa tựu trường và các kỳ nghỉ lễ.
Bed Bath & Beyond, Macy’s và Gap cũng thừa nhận những rắc rối tương tự về hàng tồn kho và đang đẩy mạnh các chương trình giảm giá trong những tháng gần đây. Trong khi đó, một loạt nhà bán lẻ gồm Kohl’s, Gap, Bath & Body Works và Bed Bath & Beyond đã đưa ra cảnh báo về lợi nhuận trong vài tuần qua. Và một số công ty, bao gồm dịch vụ tạo kiểu tóc cá nhân trực tuyến Stitch Fix, nhà bán lẻ trò chơi điện tử GameStop và công ty thương mại điện tử Shopify đã thông báo sa thải nhân viên.
Triển vọng kinh doanh mới được cập nhật của các nhà bán lẻ này được đưa ra khi các nhà đầu tư sàng lọc các dữ liệu trái chiều trong nhiều tháng qua. Xu hướng mua sắm liên quan đến đại dịch như các thiết bị nhà bếp, thiết bị tập luyện và quần áo theo phong cách thoải mái là những danh mục hàng hóa hiện không còn được ưa chuộng. Trong khi đó, những người có thu nhập cao hơn đang chi tiêu nhiều hơn cho các chuyến du lịch mua sắm đồ xa xỉ ở châu Âu.
Ông Craig Johnson, người sáng lập công ty tư vấn bán lẻ Customer Growth Partners, cho biết: “Động thái cắt giảm dự báo lợi nhuận của Walmart có thể là tiên phong cho một loạt các thông báo tương tự từ các nhà bán lẻ khác”. Các nhà phân tích tại Deutsche Bank dự kiến sẽ chứng kiến “làn sóng” cắt giảm lợi nhuận cả năm từ tất cả các nhà bán lẻ hàng may mặc. Dữ liệu thẻ tín dụng từ Bank of America cho thấy, doanh số bán quần áo ở Mỹ đã giảm 15,6% so với hồi đầu năm trong tuần kết thúc tháng 7.