Tờ Financial Times đưa tin cho hay, những người trong ngành, bao gồm lãnh đạo các tập đoàn công nghệ, chuyên gia chuỗi cung ứng và các nhà phân tích, đánh giá, cuộc chiến thương mại leo thang của ông Trump có thể cản trở Mỹ mở rộng năng lực tính toán.
Nguyên nhân là bởi các biện pháp thuế quan này sẽ đẩy chi phí xây dựng nhà máy sản xuất chất bán dẫn và trung tâm dữ liệu AI tại Mỹ lên cao.
Giới công nghệ lo ngại rằng, nỗ lực buộc các nhà sản xuất chip và thiết bị điện tử chuyển dây chuyền về Mỹ có thể dẫn tới tác dụng ngược, làm chậm bước tiến của những “gã khổng lồ” như OpenAI, Google và Microsoft trong cuộc đua với các đối thủ Trung Quốc trong xây dựng AI tiên tiến.
“Sự bất ổn kinh tế do các loại thuế quan của ông Trump tạo ra có thể trở thành rào cản lớn nhất đối với vị thế dẫn đầu AI của Mỹ”, ông Sravan Kundojjala từ công ty tư vấn SemiAnalysis, nhận định.
CHI PHÍ NHẢY VỌT VÌ THUẾ QUAN
Các tập đoàn công nghệ lớn như Microsoft, Google, Amazon và Meta đã cam kết chi 300 tỷ USD riêng trong năm 2025 cho cơ sở hạ tầng tính toán nền tảng cho AI. Những dự án khác, chẳng hạn như cam kết 100 tỷ USD của Công ty Sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) nhằm mở rộng năng lực sản xuất chip tại Mỹ, cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho tham vọng này.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cảnh báo, những nỗ lực này đang đối mặt với nhiều bất ổn và nguy cơ gián đoạn khi các loại thuế quan ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu vốn vô cùng phức tạp phục vụ cho các dự án AI quy mô lớn.
“Điều tôi lo lắng hơn là ngay cả một linh kiện trong một trung tâm dữ liệu cũng có thể bị chậm trễ chỉ vì nhà cung cấp ở nước ngoài phải tính toán lại hoạt động kinh doanh”, một người tham gia phát triển dự án Stargate – trung tâm dữ liệu trị giá 500 tỷ USD do OpenAI, SoftBank và Oracle dẫn dắt – cho biết. “Những dự án này vô cùng phức tạp và hoàn toàn có thể bị chậm chỉ bởi một cái công tắc quạt”.
Chất bán dẫn và các thiết bị, vật liệu, linh kiện liên quan đã được công bố miễn thuế đối ứng khi nhập khẩu vào Mỹ, nhưng theo các nhà phân tích, hệ thống thuế quan còn lại, bao gồm mức thuế với hàng hóa từ Trung Quốc, vẫn sẽ làm đội chi phí xây dựng nhà máy sản xuất chip và trung tâm dữ liệu AI tại Mỹ.
Altana, một tổ chức nghiên cứu chuyên lập bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu, cho biết, chỉ riêng thuế quan với Bắc Kinh đã khiến các nhà phát triển trung tâm dữ liệu của Washington phải đối mặt với khoản chi phí tăng thêm hơn 11 tỷ USD mỗi năm.
"GẬY ÔNG ĐẬP LƯNG ÔNG"?
Mỹ hiện đang thực hiện cuộc điều tra về nhập khẩu chất bán dẫn và hàng loạt thiết bị, vật liệu, linh kiện chip liên quan đến an ninh quốc gia, với mục tiêu ép các công ty dịch chuyển sản xuất phần cứng AI tiên tiến về Mỹ. Cuộc điều tra này có thể kéo dài tới 270 ngày và dẫn đến những yêu cầu ngặt nghèo hơn nữa với ngành công nghiệp này.
“Không ai được miễn trừ”, ông Trump viết trên mạng xã hội hôm 20/4, đồng thời nhấn mạnh, chính quyền của ông sẽ “xem xét kỹ lĩnh vực chất bán dẫn và toàn bộ chuỗi cung ứng điện tử”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, việc áp thuế mới với chất bán dẫn nhập khẩu sẽ rất phức tạp, vì phần lớn chip được nhập vào Mỹ dưới dạng linh kiện đã tích hợp sẵn trong sản phẩm khác như điện thoại thông minh, máy tính xách tay hay các bộ xử lý đồ họa dùng trong trung tâm dữ liệu AI.
Điều đó bao gồm cả các bộ xử lý đồ họa (GPU) tiên tiến nhất của Nvidia, được các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây như Amazon và Microsoft sử dụng để huấn luyện và vận hành các mô hình ngôn ngữ lớn của OpenAI, Google hay Grok của Elon Musk.
Ông Mohammad Ahmad, Giám đốc điều hành nền tảng phân tích dữ liệu chuỗi cung ứng Z2Data, cho biết, phần lớn GPU AI nhập vào Mỹ dưới dạng máy chủ - vốn được lắp ráp qua nhiều bước với sự tham gia của nhiều quốc gia khác nhau.
Các GPU chứa chip được sản xuất chủ yếu tại Đài Loan hoặc Hàn Quốc, nhưng thường được chuyển tới Đông Nam Á – như Malaysia và Philippines – để đóng gói và kiểm tra. Sau đó, chip lại được đưa trở lại Đài Loan hoặc Mexico để gắn lên bảng mạch, bổ sung thêm linh kiện mới trước khi tích hợp vào máy chủ và xuất khẩu sang Mỹ phục vụ cho các trung tâm dữ liệu AI.
“Ngay cả khi bản thân GPU được miễn thuế, thì bạn vẫn phải chịu chi phí khổng lồ tại Mỹ nếu các linh kiện khác vẫn bị đánh thuế”, ông Ahmad đánh giá. “Chủng loại sản phẩm quá đa dạng, mà chỉ cần một linh kiện nhỏ cũng đủ khiến cả chuỗi cung ứng gặp trục trặc”.
Ông Kundojjala từ SemiAnalysis lưu ý rằng, kể cả với mức thuế 32% mà chính quyền ông Trump đề xuất áp lên hàng nhập khẩu từ Đài Loan – thị trường đứng đầu thế giới về sản xuất chip – thì việc sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ vẫn sẽ đắt đỏ hơn do thuế quan làm đội giá các thiết bị và vật liệu quan trọng.
“Nguy cơ nước Mỹ tự cắt chân mình trong nỗ lực phục hồi năng lực sản xuất nội địa là hoàn toàn có thật”, ông nói. “Việc xây dựng năng lực sản xuất ở ngoài nước Mỹ sẽ rẻ hơn, và các công ty có tỷ lệ sản xuất nội địa cao nhất tại đây sẽ là những người thiệt hại nhiều nhất”.
Một lãnh đạo công ty thiết kế chip Đài Loan chuyên cung cấp cho Amazon chia sẻ rằng, nếu chính quyền Mỹ áp thuế nặng với ngành này, khách hàng Mỹ của họ sẽ phải gánh chi phí trong nhiều năm tới.
“Phản ứng đầu tiên của Amazon là tìm đến nhà cung cấp và nói: ‘Các anh sản xuất ở Đài Loan, điều này khiến tôi phải chịu thêm chi phí, nên giảm giá đi”, vị này tiết lộ. “Họ sẽ không yêu cầu chúng tôi sản xuất chip ở Mỹ, vì xây dựng được năng lực và dây chuyền sản xuất phải mất hàng năm trời. Nhưng chúng tôi cũng sẽ không hạ giá, vì nếu làm thế, chúng tôi sẽ bị chính phủ Mỹ trừng phạt vì làm thất bại chính sách ép buộc doanh nghiệp nước này phải sản xuất chip trong nước”.
Ông Geoffrey Gertz, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) ở Washington, nhận định, chính quyền ông Trump vẫn còn khả năng xử lý rủi ro với ngành AI sau cuộc điều tra liên quan đến an ninh quốc gia bằng “một bộ công cụ rộng lớn hơn, thông qua các chính sách mua sắm của chính phủ, điều chỉnh luật thuế và những chính sách thương mại hay phi thương mại khác nhằm giảm thiểu rủi ro an ninh quốc gia từ việc nhập khẩu này”.
Ông nói thêm: “Vấn đề là liệu quá trình này sẽ kết thúc nhanh chóng với một mức thuế 25% cho chip, hay sẽ là một quá trình chính sách sáng tạo hơn, xem xét nhiều kịch bản khả thi khác”.