Hãng thông tấn Tân Hoa Xã dẫn tuyên bố của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc vào hôm thứ Bảy (24/7) cho biết các tổ chức dạy thêm dựa trên chương trình học tại trường sẽ không được phép huy động vốn thông qua niêm yết cổ phiếu hoặc các hoạt động khác liên quan đến vốn. Các công ty trong nước không được phép đầu tư vào những tổ chức như vậy. Ngoài ra, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dạy thêm ở Trung Quốc cũng bị cấm.
Theo Tân Hoa Xã, chính sách mới này nhằm mục tiêu giảm “đáng kể” gánh nặng tài chính đối với học sinh và các bậc phụ huynh trong vòng 3 năm tới đây.
Trước khi được chính thức công bố, thông tin về lệnh cấm này đã rò rỉ vào ngày thứ Sáu và gây nên một đợt bán tháo đối với cổ phiếu các công ty dạy thêm Trung Quốc, cả trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Mỹ.
Cổ phiếu New Oriental giảm tới 50,4% tại Hồng Kông và giảm khoảng 60% tại New York. Cổ phiếu Scholar Education Group và Koolearn Technology giảm gần 30% tại Hồng Kông. Cổ phiếu TAL Education và Gaotu Techedu niêm yết tại Mỹ giảm khoảng 60%. Cổ phiếu của một loạt công ty giáo dục Trung Quốc khác niêm yết tại Mỹ, gồm China Online Education Group, Zhangmen Education Inc, và 17 Education & Technology Group cũng giảm với tốc độ 2 con số.
Tại thị trường Trung Quốc đại lục, một chỉ số đo giá cổ phiếu của các công ty giáo dục giảm gần 5% trong phiên ngày thứ Sáu.
Loạt cổ phiếu của các công ty công nghệ Trung Quốc niêm yết ở Mỹ cũng “vạ lây”. Alibaba và Baidu giảm khoảng 4% do giới đầu tư lo ngại sự thắt chặt giám sát của Chính phủ Trung Quốc đối với lĩnh vực Internet, bởi trong số các công ty dạy thêm Trung Quốc có một số công ty là ứng dụng gia sư trực tuyến.
Quy định mới đe doạ tham vọng lên sàn chứng khoán của nhiều startup giáo dục được rót vốn đầu tư mạo hiểm, gồm Zuoyebang – công ty được Alibaba hậu thuẫn và hai nền tảng giáo dục trực tuyến được Tencent rót vốn là Yuanfudao và Classin.
Giới phân tích xem lệnh cấm vừa công bố như một đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp dạy thêm trị giá 120 tỷ USD của Trung Quốc. Tất cả các tổ chức cung cấp dịch vụ dạy thêm dựa trên chương trình học ở trường sẽ phải đăng ký là tổ chức phi lợi nhuận, và sẽ không có giấy phép mới được cấp.
Theo dữ liệu gần đây nhất từ Hiệp hội Giáo dục Trung Quốc (CSE), vào năm 2016, hơn 75% học sinh từ 6-18 tuổi ở nước này học thêm sau giờ học chính khoá ở trường. Có nhiều bằng chứng cho thấy tỷ lệ này đã tăng mạnh trong những năm gần đây.
Áp lực đòi hỏi một đứa trẻ phải thành công trong một xã hội ngày càng cạnh tranh đã dẫn tới sự ra đời của từ “jiwa” - “bé gà”, chỉ những đứa trẻ bị nhồi nhét họp thêm và chịu sức ép từ cha mẹ.
Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cũng cho biết các công ty gia sư trực tuyến sẽ bị tăng cường giám sát, các lớp học thêm vào cuối tuần và trong các kỳ nghỉ sẽ bị cấm hoàn toàn.
Nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters rằng việc siết kiểm soát đối với lĩnh vực dạy thêm học thêm ở Trung Quốc có sự chỉ đạo từ lãnh đạo cấp cao nhất. Hồi tháng 6, Tân Hoa Xã dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng các trường học, thay vì các công ty dạy thêm, phải chịu trách nhiệm về việc học của học sinh.
Sự phát triển bùng nổ của công nghiệp dạy thêm rõ ràng đã khiến Bắc Kinh lo ngại, vì việc học thêm không chỉ là gánh nặng học tập đối với học trò, mà còn là gánh nặng tài chính đối với các bậc cha mẹ. Lo không có đủ điều kiện cho con học thêm là một lý do dẫn tới tâm lý “ngại đẻ” ở các cặp vợ chồng Trung Quốc, nhất là tại các thành phố lớn, trong khi dân số lão hoá đang là một vấn đề nghiêm trọng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Chính phủ Trung Quốc cũng lo rằng việc các gia đình đầu tư quá nhiều vào việc học thêm của họ có thể dẫn tới bất bình đằng giáo dục, tiềm ẩy gây ra các vấn đề xã hội.
“Chính phủ đã quyết định phải siết lĩnh vực này vì đây là lĩnh vực đã gây ra quá nhiều vất đề, từ bất bình đẳng giáo dục cho tới tỷ lệ sinh thấp”, ông Li Chengdong, nhà sáng lập của Dolphin Think Tank ở Bắc Kinh, nhận định. “Nếu cách tốt nhất để vào được trường tốt là học thêm, thì những đứa trẻ con nhà giàu sẽ có lợi thế bất bình đẳng so với trẻ con nhà nghèo”.