Xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ giảm nửa đầu năm do nhu cầu về đồng hồ xa xỉ ở Trung Quốc và Hồng Kông tiếp tục giảm. Liên đoàn Công nghiệp Đồng hồ Thụy Sĩ cho biết vào tuần trước rằng các lô hàng đã giảm 2,2% về giá trị xuống còn 2,3 tỷ franc Thụy Sĩ (2,6 tỷ USD) trong tháng 5 so với một năm trước đó.
Theo Jing Daily, xuất khẩu sang Trung Quốc đại lục, thị trường lớn thứ hai sau Mỹ, giảm 18% tính theo giá trị bán buôn do giá bất động sản sụt giảm đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng. Các lô hàng đến Hồng Kông, một trung tâm giao dịch đồng hồ quan trọng, cũng giảm mạnh 23%.
Giá trị tăng vọt của đồng franc Thụy Sĩ cũng đang gây áp lực lên các nhà sản xuất đồng hồ vào năm 2024, đặc biệt là ở phân khúc giá rẻ và tầm trung. Nhà phân tích Jean-Philippe Bertschy của Vontobel cho biết kết quả của tháng 5 nhấn mạnh sự sụt giảm nhu cầu về đồng hồ ở phân khúc giá trung bình. Trong khi đó, nhà phân tích Thomas Chauvet của Citigroup cho biết trong một báo cáo rằng các số liệu này có thể ảnh hưởng đến dự báo tăng trưởng của Richemont, chủ sở hữu Cartier và Vacheron Constantin cũng như Swatch Group AG, công ty sản xuất thương hiệu Omega và Longines.
Các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ bao gồm Rolex và Patek Philippe đã tăng giá và sản xuất những chiếc đồng hồ đắt tiền hơn để duy trì doanh số bán hàng trong bối cảnh suy thoái. Các lô hàng đồng hồ có giá bán buôn từ 500 franc đến 3.000 franc đã giảm 16%, trong khi đồng hồ có giá bán buôn dưới 200 franc, do sự hợp tác giữa Omega và Blancpain của Swatch Group AG, giảm 1,2% về giá trị.
Năm ngoái, xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ đã đạt mức kỷ lục khi các nhà sản xuất đồng hồ tăng giá và xuất khẩu đồng hồ thạch anh tăng vọt. Thế nhưng, tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu chứng kiến sự sụt giảm từ nửa cuối năm ngoái. Tình trạng này kéo dài tới tận thời điểm hiện tại và được dự báo sẽ còn tiếp diễn đến hết năm 2024. Các thị trường khác như Pháp, Nhật Bản và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vẫn duy trì đà tăng trưởng ở mức trung bình đến cao. Tuy nhiên, Liên đoàn Công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ cho rằng điều này không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm ở Trung Quốc và Hồng Kông.
Jean-Philippe Bertschy, nhà phân tích tại Vontobel ở Thụy Sĩ cho hay, xu hướng tiêu cực này sẽ còn tồi tệ hơn và sự suy giảm tới từ Trung Quốc thực sự đáng lo ngại, hàng tồn kho trong khu vực này sẽ chạm ngưỡng cao trong năm nay. Cổ phiếu của Swatch Group, công ty sản xuất thương hiệu đồng hồ Omega và Longines, đã xuống mức thấp mới. Bên cạnh đó, cổ phiếu của Richemont, chủ sở hữu của thương hiệu đồng hồ Vacheron Constantin và Cartier cũng đang chứng kiến sự sụt giảm.
Nhu cầu về đồng hồ Thụy Sĩ và đồng hồ xa xỉ tăng cao sau thời kỳ đại dịch khi người tiêu dùng mắc kẹt ở nhà trong thời gian dài và ngập trong tiền mặt nhờ các biện pháp kích thích của chính phủ. Nhiều người tiêu dùng đã đổ xô đi mua các thương hiệu đồng hồ hàng đầu bao gồm cả Rolex và Patek Philippe. Mặ khác, thời điểm sau đại dịch, do bị cản trở bởi các vấn đề về chuỗi cung ứng sau khi tạm dừng sản xuất trong thời gian phong tỏa, nhiều nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ không thể sản xuất kịp và hầu hết các thương hiệu đều tăng giá.
Mặt khác, thị trường đồng hồ đeo tay đã xuất hiện một làn sóng cạnh tranh mới mẻ từ smartwatch, khiến những thương hiệu xa xỉ cảm thấy thị phần bị đe doạ. Ví dụ như Tag Heuer hay Louis Vuitton đã cố gắng ra mắt đồng hồ thông minh do chính hãng sản xuất, nhưng để làm chủ công nghệ như Apple không phải dễ dàng - trong khi giá thành lại vẫn quá đắt.
Theo số liệu thống kê từ Morgan Stanley, doanh số của đồng hồ thông minh như Apple Watch trên toàn cầu vẫn vượt xa so với đồng hồ xa xỉ. Do đó, hiện nay các hãng xa xỉ đang có xu hướng bắt đầu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, để không bị bỏ lại phía sau.
Thực tế, chính nhãn mác "Swiss Made" đã giúp ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ khẳng định vị thế. Nhưng theo Ariel Adams, cây viết từ tạp chí đồng hồ A Blog to Watch, trong bối cảnh hiện nay, khi người tiêu dùng có nhiều thông tin hơn và quan tâm đến tính minh bạch, ý nghĩa của "Swiss Made" đã có phần thay đổi. Biên tập viên này cho rằng tiêu chuẩn "Swiss Made" không còn nghiêm ngặt như trước đây, thậm chí còn lỏng lẻo hơn so với các tiêu chuẩn tương tự như "Made in America" (sản xuất tại Mỹ).
Theo luật pháp Thụy Sĩ, một sản phẩm có thể được gắn nhãn "Swiss Made" ngay cả khi không phải tất cả bộ phận đều được sản xuất tại quốc gia này. Điều này có thể gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, đặc biệt là tín đồ mong muốn sở hữu đồng hồ hoàn toàn được sản xuất tại Thụy Sĩ. Theo quan sát của Ariel Adams, hiện có khoảng 360 công ty sử dụng nhãn "Swiss Made" trên sản phẩm của họ. Một số công ty còn tự tạo ra các tiêu chuẩn riêng để khẳng định chất lượng sản phẩm vượt trên yêu cầu pháp lý, chẳng hạn như Patek Philippe Seal.
Tuy nhiên, sự phản đối mạnh mẽ nhất lại đến từ chính các công ty Thụy Sĩ khác. Họ cho rằng, tiêu chuẩn "Swiss Made" làm giảm giá trị "Swissness" (tính Thụy Sĩ) khi cho phép các công ty sử dụng linh kiện từ nước ngoài. Hành động này cũng gây ra nhiều tranh cãi về đạo đức kinh doanh của Thụy Sĩ, dấy lên câu hỏi "liệu việc tập trung khai thác giá trị từ các thị trường khác mà không chia sẻ lợi ích trở lại có phải là một chiến lược bền vững?".
Nhiều người ủng hộ "lý thuyết hệ sinh thái" cho rằng ngành công nghiệp đồng hồ là một mạng lưới toàn cầu, với sự tham gia của nhiều quốc gia cần hợp tác để sản xuất, xây dựng nhu cầu và bán sản phẩm. Theo đó, không một quốc gia nào nên độc quyền lợi nhuận từ việc bán đồng hồ xa xỉ.
Theo Ariel Adams, ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ cần thể hiện trách nhiệm xã hội và tôn trọng những đóng góp của cộng đồng quốc tế, bằng cách chia sẻ lợi ích kinh tế và tạo cơ hội cho các tài năng trên toàn thế giới. Chỉ khi đó, "Swiss Made" mới thực sự trở thành biểu tượng của chất lượng, sự tôn trọng và hợp tác, xứng đáng với di sản và vị thế của ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ.