Năm 2009, doanh thu từ thị trường nội địa của toàn ngành dệt may tăng khá mạnh. Có được điều này không phải do gần đây mà từ 20 năm trước “sân nhà” đã bắt đầu được các doanh nghiệp chú ý tới.
Tại buổi gặp mặt đầu xuân vừa diễn ra, ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã có cuộc trao đổi cùng báo giới.
Năm 2009, hầu hết các ngành xuất khẩu của nước ta đều gặp khó khăn. Ông có thể chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn riêng của ngành dệt may?
Năm 2009 là tâm điểm của cuộc khủng hoảng và suy thoái toàn cầu, cũng là năm hết sức khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành dệt may nói riêng.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành vẫn đạt gần 9,1 tỷ USD, tương đương với mức của 2008. Trong số này đóng góp của Tập đoàn là 1,7 tỷ USD. Đây là một nỗ lực rất lớn của toàn ngành trong bối cảnh tổng nhu cầu của thế giới đã giảm 15%. “Đại gia” Trung Quốc trong năm qua kim ngạch cũng đã giảm tới 11%. Trên thế giới các nước xuất khẩu dệt may duy nhất chỉ có Bănglađet vẫn tăng trưởng xuất khẩu 3%. Quốc gia thứ hai không giảm so với năm trước là Việt Nam.
So với các ngành xuất khẩu khác của Việt Nam, dệt may đã trở thành ngành xuất khẩu lớn nhất cả nước. Trong vòng 15 năm qua, đây là lần đầu tiên, dệt may vượt dầu thô về kim ngạch xuất khẩu.
Cũng trong năm qua, thị phần tại các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU và Nhật Bản đều tăng mạnh. Điều này chứng tỏ lợi thế cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam là khá lớn. Như vậy, ngành dệt may nước ta sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.
Những tháng đầu năm 2009 xuất khẩu dệt may đã sụt giảm đáng kể, phải chăng do điều này nên các doanh nghiệp trong ngành năm qua mới chú trọng hơn tới thị trường nội địa, thưa ông?
Doanh thu từ thị trường nội địa của toàn ngành trong năm qua là khoảng trên 60 nghìn tỷ đồng. Con số này chỉ tăng khoảng 15% so với 2008. Thực tế không phải hiện nay mà từ 20 năm trước một số doanh nghiệp trong ngành dệt may đã bắt đầu chú ý đến thị trường trong nước. Bằng chứng là ngay từ năm 1990 May 10 đã có những cửa hàng bán áo sơ mi quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Thêm vào đó, nếu không chú ý đến yếu tố này thì đến nay các doanh nghiệp không thể có được mạng lưới phân phối với 15.000 cửa hàng và đại lý tiêu thụ trên cả nước. Trong đó riêng Vinatex có khoảng hơn 3.000 cửa hàng và 56 siêu thị.
Phát triển thị trường nội địa là việc không phải đơn giản đối với không ít doanh nghiệp dệt may, vậy ngành cũng như Vinatex đã có những hỗ trợ gì đối với các doanh nghiệp này?
Đúng là phục vụ thị trường nội địa sẽ khó hơn cho doanh nghiệp vì khi làm gia công xuất khẩu mẫu mã đã được đối tác nghiên cứu, tính toán kỹ từ trước. Do đó trong quá trình sản xuất chỉ phải quan tâm tới năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Còn khi phục vụ thị trường nội địa, các công ty buộc phải có những cuộc khảo sát để nắm bắt tâm lý, thị hiếu, thói quen mua sắm của người tiêu dùng trong nước. Tức là doanh nghiệp phải làm rất bài bản để có hướng đi cho riêng mình, có như thế doanh nghiệp mới có thể đứng vững trong cuộc cạnh tranh ngay trên "sân nhà".
Về phía ngành cũng như Vinatex chỉ có thể định hướng doanh nghiệp mạnh về sản phẩm phục vụ đối tượng, lứa tuổi, phân khúc thị trường nào thì nên tập trung vào thị trường đó.
Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp chưa có kênh phân phối có thể dựa vào các siêu thị của Vinatex để bán sản phẩm. Đây cũng là sự hỗ trợ thiết thực đối với các doanh nghiệp.
Trong 2010 này, những mục tiêu nào sẽ được Vinatex tập trung hướng tới và mục tiêu của toàn ngành là gì thưa ông?
Mục tiêu của Vinatex là tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng 12-15% trong 2010. Tuy nhiên, doanh thu không phải là mục tiêu cao nhất của Vinatex mà chúng tôi còn muốn tạo ra những thương hiệu dệt may thật mạnh để người tiêu dùng có thể yên tâm khi sử dụng các sản phẩm trong nước.
Đối với toàn ngành, năm 2010, sẽ phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 10,5 tỷ USD. Trên thực tế con số này vẫn đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn vì 2010 nền kinh tế thế giới tuy đã có nhiều điểm sáng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Tháng 1 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu cũng mới chỉ đạt 760 triệu USD.
Hiện vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, tuy kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may khá lớn, nhưng tỷ lệ nguyên liệu phải nhập khẩu là không nhỏ, thưa ông?
Trong 2009, tỷ lệ nội địa hóa của toàn ngành là 45%. Điều đó có nghĩa là với 9,1 tỷ USD thu về, đã có khoảng 4 tỷ là do trong nước sản xuất ra.
Theo kế hoạch đến nay 2020, ngành dệt may sẽ phải chủ động tới 70% nguyên phụ liệu để đáp ứng 2/3 nhu cầu sử dụng.
Đối với đội ngũ thiết kế công nghiệp của nước ta theo đánh giá vẫn còn khá yếu. Theo ông đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để giải quyết bài toán này?
Đúng là trong tình hình hiện nay khi xuất khẩu vẫn chiếm tới 85% năng lực sản xuất của toàn ngành, nội địa chỉ chiếm 15% thì khâu thiết kế chưa thể phát triển mạnh được.
Thứ nhất do khâu này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Thứ hai, để thiết kế phát triển phải có “môi trường” tức là phải có một thị trường tiêu thụ rộng lớn, phát triển. Đây mới chính là "đất" cho các nhà thiết kế công nghiệp.
Dệt may là ngành công nghiệp nhẹ vì vậy hiện vẫn tồn tại những ý kiến cho rằng, vai trò của ngành đối với phát triển kinh tế- xã hội chỉ là trước mắt, ý kiến của ông về điều này như thế nào?
Mặc dù là một ngành công nghiệp nhẹ nhưng vai trò của dệt may đối với toàn bộ nền kinh tế và an sinh xã hội là không nhỏ. Toàn ngành hiện đang có 1,3 triệu lao động, nếu trong năm qua chỉ cần không giữ được xuất khẩu sẽ có khoảng 130- 150 nghìn lao động sẽ mất việc làm. Vấn đề an sinh xã hội sẽ không đơn giản.
Thêm nữa, sự phát triển của ngành còn là động lực cho nhiều ngành khác trong nền kinh tế cùng phát triển. Đầu tiên là ngành công nghiệp hóa dầu. Nhu cầu của ngành dệt may tăng sẽ thúc đẩy ngành này tạo ra nhiều sản phẩm sơ sợi tổng hợp từ dầu mỏ.
Ngành hóa chất cũng sẽ có cơ hội để phát triển do nhu cầu về thuốc nhuộm cho khoảng 2 tỷ mét vải mỗi năm là rất lớn. Ngành trồng bông cũng sẽ có điều kiện phát triển cùng với các các cây công nghiệp khác để đáp ứng nhu cầu nội địa hóa ngày càng tăng của toàn ngành.
Sự phát triển của dệt may cũng có những ảnh hưởng đến ngành giáo dục do đội ngũ lao động cần phải được đào tạo về tay nghề cũng như tác phong làm việc công nghiệp.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate