Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hệ thống ga đường sắt gồm 297 ga. Tuy nhiên, phần lớn nhà ga, kho ga là cấp IV, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, trang bị nội thất sơ sài. Hiện chỉ có ga Ninh Bình, ga Hạ Long mới được xây dựng theo quy chuẩn hiện hành.
Mặt khác, có 220 công trình kiến trúc ga quá niên hạn sử dụng hoặc mất an toàn sử dụng, trong đó, có 25 công trình được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Có 35 ga chỉ có 2 đường đón gửi tàu, trong đó, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh có 15 ga.
“Chỉ có 4 ga có bãi hàng và thiết bị xếp dỡ, bảo quản container như Lào Cai, Đông Anh, Yên Viên và Trảng Bom, các bãi hàng còn lại không đủ tiêu chuẩn để lưu giữ, bảo quản container”, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nêu rõ.
"Hệ thống kho ga, bãi hàng chủ yếu đầu tư từ nhiều năm trước, phần lớn là kho hàng tổng hợp xuống cấp, không có kho nào đạt tiêu chuẩn để lưu trữ, bảo quản các mặt hàng tươi sống, hàng hóa có giá trị cao", Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nêu thực tế.
Vì vậy, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị cấp có thẩm quyền ưu tiên bố trí kinh phí để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp ngay 41 ga trong giai đoạn 2022-2023. Kinh phí dự kiến khoảng 2.380 tỷ đồng, đề xuất từ nguồn chương trình phục hồi kinh tế bền vững.
Nhờ đó, nâng cao năng lực và tăng hiệu quả rõ rệt cho vận tải đường sắt, tạo thuận lợi cho vận tải phục hồi nhanh sau ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19.
Cụ thể, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nêu rõ, thứ nhất, kinh phí này được sử dụng để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp bãi hàng, kho hàng, đường vào ga, các công trình phụ trợ tại 9 ga hàng hóa trọng điểm.
Việc đầu tư đảm bảo đồng bộ, hiện đại từ bãi hàng, kho hàng, đường bộ kết nối và các công trình phụ trợ, tập trung vào các khu vực đầu mối có khối lượng vận tải lớn, có tác động sâu sắc đến tính cạnh tranh của vận tải đường sắt như bãi hàng Sóng Thần, Đồng Đăng, Kim Liên, Diêu Trì…
Thứ hai, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp nhà ga, đường vào ga, các công trình phụ trợ của 32 ga khách, trong đó, bảo đảm đồng bộ từ đường bộ vào ga, tường rào bảo vệ, mái che ke ga, cầu vượt người đi bộ để phục vụ tốt nhất cho vận tải hành khách.
Năm 2021, doanh thu của công ty mẹ đạt 1.446,9 tỷ đồng, bằng 83,7% so với cùng kỳ và đạt 90,4% chỉ tiêu kế hoạch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao, lợi nhuận trước thuế âm 690,7 tỷ đồng.
Để giảm lỗ và duy trì sản xuất, năm 2022, ngành đường sắt sẽ tiếp tục chuyển trọng tâm sang vận tải hàng hóa, mở rộng thêm các sản phẩm dịch vụ tàu chuyên tuyến, tàu container Bắc - Nam, tích cực tham gia vào chuỗi logistics và đẩy mạnh tàu hàng liên vận quốc tế.
Năm 2022, toàn tổng công ty dự kiến thực hiện được sản lượng và doanh thu bằng 89% trở lên so với cùng kỳ, tương ứng trên 5.900 tỷ đồng, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Công ty mẹ dự kiến doanh thu bằng 108,4% trở lên so với cùng kỳ, tương ứng gần 1.600 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là âm 580 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 100 tỷ so với năm 2021.