July 01, 2025 | 18:35 GMT+7

Ngành giấy đối mặt với 3 thách thức lớn trong quá trình thực hiện EPR

Vũ Khuê -

Với đặc thù là một ngành có tỷ lệ tái chế cao, việc thực thi EPR bên cạnh cơ hội có được, còn là thách thức lớn cho các doanh nghiệp giấy khi mức ký quỹ bảo vệ môi trường cao, hệ thống thu gom manh mún...

Hệ thống thu gom manh mún.
Hệ thống thu gom manh mún.

Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, hiện nay khoảng 75-80% lượng giấy sản xuất tại Việt Nam là giấy tái chế và được làm từ các nguồn giấy thu hồi, với tổng sản lượng hơn 6.000.000 tấn giấy tái chế hàng năm. Trong đó, khoảng 50% là từ nguồn nhập khẩu và 50% còn lại từ nguồn giấy thu hồi trong nước. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn của ngành giấy Việt Nam trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và sử dụng hiệu quả tài nguyên.

TIỀM NĂNG LỚN TRONG TÁI CHẾ

Từ 2024, theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, nhà sản xuất, nhập khẩu bắt buộc phải thực hiện Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). EPR với 2 trách nhiệm là: thu gom, xử lý chất thải và trách nhiệm tái chế bao bì, sản phẩm của nhà sản xuất, nhập khẩu. Trong đó, trách nhiệm tái chế đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Như vậy, nếu như trước kia các doanh nghiệp chỉ tái chế lượng rác từ sản phẩm của họ theo tinh thần tự nguyện, thì giờ đây, họ phải thực hiện nghĩa vụ này theo quy cách và tỷ lệ bắt buộc được quy định trong luật.

Đồng nghĩa, ngành giấy phải thực hiện EPR. Việc thực hiện EPR được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tái chế giấy.

Tại toạ đàm “Thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất: Gia tăng hiệu quả công tác bảo vệ môi trường lĩnh vực công nghiệp”, ông Lương Chí Hiếu, Trung tâm nghiên cứu và phát triển, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, cho biết EPR sẽ tăng cường hoạt động thu gom, tái chế và tiêu thụ sản phẩm từ nguyên liệu tái chế, qua đó thúc đẩy đầu tư vào công nghệ tái chế tiên tiến giúp tạo ra các sản phẩm có hàm lượng giá trị cao.

Minh chứng cho sự phát triển này, ông Hiếu dẫn chứng: “Trước đây, các doanh nghiệp có công suất chỉ khoảng 2.000 đến 10.000 tấn giấy/năm. Nhưng hiện nay, công suất của nhiều doanh nghiệp hội viên đã lên đến trên 100.000 tấn giấy/năm. Đây là một bước tiến vượt bậc, cho thấy hiệu quả của đầu tư”.

EPR cũng góp phần tạo ra một chuỗi giá trị bền vững, kết nối các mắt xích trong hệ sinh thái từ thu gom, phân loại, xử lý đến tái chế. Ông Hiếu lấy ví dụ các sản phẩm khi sử dụng xong phải thu gom, phân loại và tái chế, trong đó có sản phẩm giấy.

Ông Lương Chí Hiếu, Trung tâm nghiên cứu và phát triển, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam chia sẻ tại toạ đàm.
Ông Lương Chí Hiếu, Trung tâm nghiên cứu và phát triển, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam chia sẻ tại toạ đàm.

Trong sản phẩm giấy thu hồi, có nhiều loại khác nhau như giấy tạp chí cũ (OMG), giấy báo cũ (ONP), giấy văn phòng (OCC) đã qua sử dụng, giấy hỗn hợp (Mixed Paper) và một lượng lớn thùng hộp carton cũ (OCC) rất cần thiết cho lĩnh vực thương mại và thương mại điện tử. Việc phân loại cụ thể từng loại giấy khi thu gom là rất quan trọng để đạt được hiệu quả cho doanh nghiệp và chất lượng sản phẩm, do mỗi loại giấy có tính chất, ứng dụng khác nhau.

Bên cạnh đó, EPR còn giúp nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp, định vị họ là những đơn vị có trách nhiệm trong việc đồng hành cùng phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, EPR cũng gia tăng cơ hội cho doanh nghiệp tham gia vào các thị trường quốc tế, đặc biệt là những thị trường có yêu cầu cao về môi trường như Châu Âu hay Bắc Mỹ.

3 THÁCH THỨC LỚN

Mặc dù, EPR mang lại nhiều cơ hội, nhưng quá trình triển khai doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.

Ông Lương Chí Hiếu khẳng định rằng cơ chế EPR đã được quy định rất rõ ràng trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, cùng với Nghị định 08/2022 và Nghị định 05/2025 sửa đổi Nghị định 08, đây chính là một thuận lợi lớn.

Tuy nhiên, có ba khó khăn chính mà ngành giấy đang phải đối mặt:

Thứ nhất, chi phí ký quỹ bảo vệ môi trường khi nhập khẩu nguyên liệu thu hồi về làm nguyên liệu sản xuất. Theo quy định của Nghị định 08, nếu nhập khẩu dưới 100 tấn, mức ký quỹ là 15%; từ 100-500 tấn là 18%; trên 500 tấn là 20%.

"Đây là tỷ lệ ký quỹ quá cao và gây áp lực tài chính lớn cho doanh nghiệp", ông Hiếu nêu thực tế; đồng thời cho biết từ trước đến nay, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam chưa nhận được một phản ánh hay thông tin nào là đã có doanh nghiệp vi phạm trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Vậy có cần thiết để mức ký quỹ cao như vậy hay không?.

Thứ hai, hạn mức nhập khẩu nguyên liệu bị chia đều theo từng năm và không linh hoạt theo nhu cầu thị trường.

Ông Hiếu phân tích: “Đã làm doanh nghiệp thì phải tận dụng những lúc giá cả tốt để tranh thủ nhập vào phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, nếu như quota trong một năm đã cố định rồi thì không thể nhập thêm được nữa. Đây là một thách thức lớn, hạn chế khả năng chủ động của doanh nghiệp trong việc tối ưu hóa chi phí nguyên liệu".

Thứ ba, hệ thống thu gom nội địa còn chưa chuyên nghiệp và manh mún, thiếu chính sách hỗ trợ cho người thu gom. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả của chuỗi cung ứng nguyên liệu tái chế trong nước.

MỨC KÝ QUỸ CẦN GIẢM XUỐNG, CÓ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯỜI THU GOM NHỎ LẺ

Từ những khó khăn trên, để tháo gỡ vướng mắc, phát huy tối đa những chính sách của EPR, ông Hiếu cho rằng sự đồng hành của Nhà nước với một khung pháp lý rõ ràng là yếu tố then chốt để phát huy tối đa những chính sách của EPR.

Cụ thể ông đề xuất giảm mức ký quỹ bảo vệ môi trường. Thay vì mức ký quỹ 15-18-20%, đề xuất giảm xuống 5% đối với doanh nghiệp không vi phạm. Nếu doanh nghiệp nào vi phạm, có thể áp dụng các chế tài nặng hơn như thu hồi giấy phép hoặc cấm nhập khẩu.

Bên cạnh đó, linh hoạt hạn mức nhập khẩu. Cần có sự linh hoạt cho doanh nghiệp với tỷ lệ cộng trừ khoảng 20% hạn mức nhập khẩu phế liệu sản xuất trong một năm. Điều này giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc nhập khẩu nguyên liệu khi giá cả thuận lợi.

Có chính sách hỗ trợ người thu gom nhỏ lẻ. Cụ thể, cho phép doanh nghiệp nộp thuế thay cho người thu mua và người bán nhỏ lẻ giấy phế liệu, cụ thể là 1% thuế VAT và 0,5% thuế thu nhập doanh nghiệp. Khoản tiền thuế này sẽ được doanh nghiệp nộp thay và tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, thí điểm để tăng giá trị bảng kê có thể lên đến khoảng 1 tỷ đồng/người/năm để đáp ứng nhu cầu. Đối với trường hợp doanh nghiệp thương mại mua bán nguyên liệu thu hồi mà làm sai, phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Về phía doanh nghiệp, theo ông Hiếu cần tối ưu hóa quá trình sản xuất. Doanh nghiệp cần tự rà soát để tối ưu hóa quá trình sản xuất theo hướng tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải.

Doanh nghiệp nên tham gia vào các liên minh EPR trong các lĩnh vực rộng hoặc trong ngành, và trong ngành giấy là có EPR trong ngành giấy. Đồng thời, cần xây dựng được hệ thống thu gom, phân loại và tái chế một cách hiệu quả.

Đầu tư vào số hóa, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao năng lực trong điều hành, quản lý, sản xuất. Việc này giúp minh bạch việc truy xuất nguồn gốc, nhập khẩu nguyên liệu, tăng niềm tin cho khách hàng và đối tác.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate