Con số này được nêu tại báo cáo tổng kết công tác năm 2020 và giai đoạn 2016-2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021, kế hoạch phát triển ngành thông tin và truyền thông 5 năm 2021-2025, vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố.
Theo báo cáo, năm 2020, doanh thu ngành ICT Việt Nam ước đạt 120 tỷ USD, trong đó doanh thu công nghiệp phần cứng đạt trên 107 tỷ USD (gồm cả các doanh nghiệp FDI – PV), doanh thu công nghiệp phần mềm đạt trên 5 tỷ USD, doanh thu công nghiệp nội dung số đạt trên 900 triệu USD…
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến hết năm 2019, về cơ bản lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin đã hoàn thành được mục tiêu đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Báo cáo cho biết, công nghiệp công nghệ thông tin có tốc độ tăng trưởng trung bình là 14,7%, cao hơn nhiều lần mức tăng trưởng kinh tế, cao hơn chỉ tiêu ngành (chỉ tiêu 10%). Công nghiệp phần mềm duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trung bình giai đoạn 2016-2018 là 15%. Công nghiệp phần cứng, điện tử, viễn thông tốc độ tăng trưởng trung bình là 20,24%. Công nghiệp nội dung số tốc độ tăng trưởng trung bình là 7,47%. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử đạt hơn 93 triệu USD.
Đặc biệt trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất công nghiệp phần cứng, điện tử - viễn thông: đứng thứ 2 về sản xuất điện thoại và linh kiện, thứ 10 thế giới về sản xuất điện tử và linh kiện, vượt qua nhiều cường quốc như Mỹ, Đức, Ấn Độ, Braxin...
Đây cũng là hai mặt hàng chiếm vị trí số 1 và 3 trong danh sách 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đưa ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông Việt Nam trở thành ngành xuất khẩu và xuất siêu lớn nhất của nền kinh tế. Năm 2019 xuất siêu trong lĩnh vực phần cứng, điện tử ước đạt 28 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 13 thế giới về về dịch vụ công nghệ số.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, một trong những tồn tại, hạn chế của ngành ICT Việt Nam là hơn 90% doanh nghiệp công nghệ thông tin tại Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu tham gia các hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại sản phẩm công nghệ thông tin.
Chưa nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam đủ tích lũy vốn và có chiến lược, tiềm lực để tham gia vào các chuỗi sản xuất, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin tiên tiến. Các hạn chế này càng trở nên rõ nét trong các xu hướng công nghệ hiện nay, khi mà nhiều giải pháp công nghệ thông tin đòi hỏi có sự tích hợp các nền tảng, kỹ thuật khác nhau với quy mô triển khai trong môi trường công nghiệp.
Khó khăn nữa là về tiếp cận vốn. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhất là doanh nghiệp phần mềm, nội dung số không có tài sản gì ngoài tài sản trí tuệ, con người nên không dùng thế chấp để được vay vốn ngân hàng.
Các doanh nghiệp công nghệ số đặc biệt là doanh nghiệp nội dung số hiện nay thì đang có tình trạng "bảo hộ ngược" do việc không tuân thủ các quy định thuế, đăng ký kinh doanh, rà soát nội dung của các doanh nghiệp dịch vụ, nền tảng xuyên biên giới. Do đó, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước…