Ngày 28/12, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành Ngân hàng năm 2023 với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
ĐIỀU HÀNH LINH HOẠT, HỢP LÝ
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết 2022 là năm ngành ngân hàng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động cộng hưởng bởi những biến động phức tạp, khó lường của kinh tế thế giới và trong nước. Kinh tế toàn cầu chứng kiến lạm phát gia tăng, giá dầu, giá nguyên vật liệu tăng cao, Fed và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đều thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ nhanh, mạnh, khiến lãi suất thế giới và đồng USD tăng cao.
Ở trong nước, sau đại dịch Covid-19, sản xuất kinh doanh phục hồi nhưng vẫn còn khó khăn; thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đều khó khăn, niềm tin của nhà đầu tư suy giảm đã tạo áp lực rất lớn đối với việc điều hành chính sách tiền tệ.
Theo đó, một loạt bài toán khó đặt ra cho ngành ngân hàng.
Thứ nhất, làm thế nào để điều hành chính sách tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống trong khi một số chỉ tiêu tiền tệ như tỷ lệ tín dụng/huy động vốn và dư nợ tín dụng/GDP đang ở ngưỡng cảnh báo.
Thứ hai, làm thế nào ổn định được thị trường ngoại hối khi nền kinh tế của ta có độ mở cửa lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đồng USD tăng giá mạnh, Việt Nam đang trong giai đoạn giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ của phía Hoa kỳ…
Thứ ba, làm thế nào ổn định được thị trường tiền tệ và thanh khoản hệ thống khi chịu tác động bởi sự cố SCB và niềm tin thị trường suy giảm.
Mặc dù phải đổi mặt với 3 bài toàn khó như trên, nhưng Thống đốc cho hay, Ngân hàng Nhà nước đã giải xong và có những đóng góp quan trọng, góp phần củng cố nền tảng vĩ mô. Đó là đó là góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp (bình quân 3,2%), tăng trưởng kinh tế phục hồi ở mức cao (khoảng 8%); thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định (VND đến ngày 27/12 mất giá khoảng 3,8%, mặt bằng lãi suất tăng khoảng gần 1%/năm, mức biến động này thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực).
Cùng với đó, trong kỳ báo cáo tháng 11/2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ, đồng thời, đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
"Kết quả năm 2022 cho thấy sự ứng phó linh hoạt trên cơ sở bám sát diễn biến tình hình, cân nhắc thời điểm, liều lượng phù hợp của từng công cụ, giải pháp đã có thể hóa giải các bài toán khó nêu trên", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận.
Cũng theo Thống đốc, bên cạnh việc điều hành chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống, một loạt các nhiệm vụ, giải pháp được Ngân hàng Nhà nước triển khai toàn diện như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua Luật phòng chống rửa tiền tại một kỳ họp; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và hiện đang trong quá trình triền khai; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số.
"Ngoài ra, công tác đối ngoại, truyền thông, phân tích dự báo, phát hành kho quỹ… và nhiều mặt hoạt động khác tiếp tục được triển khai tích cực, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của toàn ngành trong năm qua", Thống đốc nói.
TIẾP TỤC TIẾT GIẢM CHI PHÍ ĐỂ GIẢM LÃI SUẤT
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng nêu rõ ngân hàng là lĩnh vực đặc thù, nhạy cảm, liên quan tới toàn dân, tới tất cả các doanh nghiệp, ngân hàng phát triển được là nhờ sự phát triển của doanh nghiệp, nhờ sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân và ngược lại, ngân hàng phát triển cũng mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp; đây là hai mặt song song của một quá trình.
Thủ tướng đánh giá, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, đặc biệt là sức ép lạm phát tăng cao và sự lên giá của các đồng tiền chủ chốt, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt và phối hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả với chính sách tài khóa, các chính sách vĩ mô khác, góp phần kiểm soát lạm phát và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.
Năm 2023, dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Thủ tướng cơ bản đồng ý với báo cáo của Ngân hàng Nhà nước và ý kiến của các đại biểu về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023, đồng thời lưu ý thêm một số nội dung trọng tâm.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; tập trung tín dụng vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng các lĩnh vực rủi ro. Triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém trên cơ sở đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết và hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi giữa các chủ thể. Củng cố, tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát.
Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành ngân hàng trong năm 2023 và thời gian tới là rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang.
"Miệng nói, tay làm, tai lắng nghe, đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, thực hiện có hiệu quả, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của ngân hàng, vì lợi ích của doanh nghiệp và người dân, để nhân dân hưởng thụ thành quả và tin tưởng vào hệ thống ngân hàng", Thủ tướng nhấn mạnh.