September 13, 2023 | 14:28 GMT+7

Ngành thuế sắp kiểm tra chuyên ngành 42 doanh nghiệp

Ánh Tuyết -

Tổng cục Thuế vừa ban hành Quyết định 1326/QĐ-TCT phê duyệt Kế hoạch kiểm tra chuyên ngành năm 2023 với danh sách 42 doanh nghiệp thuộc đối tượng kiểm tra thuộc nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, nhiều nhất là các doanh nghiệp địa ốc...

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, xây dựng có tên trong danh sách kiểm tra chuyên ngành đợt này.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, xây dựng có tên trong danh sách kiểm tra chuyên ngành đợt này.

Căn cứ tại Quyết định 970/QĐ-TCT ngày 14/7/2023 về Quy trình kiểm tra thuế, cơ quan thuế thực hiện lựa chọn người nộp thuế để lập kế hoạch, chuyên đề kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế sẽ căn cứ theo kết quả xếp hạng rủi ro từ cao xuống và không trùng lặp với người nộp thuế đã được lựa chọn đưa vào kế hoạch thanh tra; kết hợp xem xét lựa chọn người nộp thuế đã quá 5 năm chưa được thanh tra, kiểm tra thuế.

Cụ thể, trong lĩnh vực bất động sản có tên của loạt doanh nghiệp như Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát, Địa ốc Vạn Phúc, Địa ốc Đông Nam, Khải Hoàn Land, Công ty cổ phần tư vấn và kinh doanh bất động sản TCO…

Ngành thuế sắp kiểm tra chuyên ngành 42 doanh nghiệp - Ảnh 1

Một số doanh nghiệp xây dựng cũng có tên trong danh sách lần này gồm Công ty cổ phần Xây dựng Đô thị Hồng Hà số 1 Việt Nam, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Unicons, Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính, Công ty cổ phần Xây dựng Hợp Lực, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 2...

Trong lĩnh vực dược, hóa mỹ phẩm có một số doanh nghiệp như: Dược phẩm Boston Việt Nam, Công ty TNHH Dược Hoa Linh, Dược phẩm OPC, Dược phẩm Khương Duy…

 

Hàng loạt doanh nghiệp như Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát, Địa ốc Vạn Phúc, Địa ốc Đông Nam, Khải Hoàn Land, Công ty cổ phần tư vấn và kinh doanh bất động sản TCO…đều có tên trong danh sách. 

Cơ quan thuế cũng căn cứ kết quả phân tích rủi ro bằng ứng dụng công nghệ thông tin hoặc rủi ro từ phân tích nghiệp vụ, thông tin từ thực tế công tác quản lý thuế để xác định nội dung, phạm vi thanh tra, kiểm tra thuế…

Việc kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế sẽ bao gồm hai giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1, chuẩn bị kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế gồm việc ban hành quyết định kiểm tra. quyết định kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế phải được gửi cho người nộp thuế chậm nhất là 3 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định.

Trường hợp cơ quan thuế hoặc bộ phận không trực tiếp quản lý người nộp thuế thực hiện kiểm tra thì gửi 1 bản cho cơ quan thuế hoặc bộ phận trực tiếp quản lý người nộp thuế làm đầu mối chuyển cho các bộ phận có liên quan.

Trước khi công bố quyết định kiểm tra, trưởng đoàn kiểm tra phải phân công các thành viên trong đoàn thực hiện kiểm tra từng phần việc theo nội dung ghi trong quyết định kiểm tra.

Bãi bỏ quyết định kiểm tra; hoãn kiểm tra; tạm dừng kiểm tra; điều chỉnh quyết định kiểm tra khi chứng minh được đã số thuế khai là đúng và nộp đủ số tiền thuế phải nộp.

Trường hợp người nộp thuế vẫn đang hoạt động kinh doanh bình thường vẫn thực hiện kê khai thuế, khi cơ quan thuế ban hành quyết định kiểm tra nhưng người nộp thuế không nhận quyết định kiểm tra, hoặc cố tình trốn tránh không chấp hành quyết định kiểm tra thì đoàn kiểm tra thực hiện lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

Trên cơ sở biên bản vi phạm hành chính về việc người nộp thuế không chấp hành kiểm tra thuế, đoàn kiểm tra báo cáo người ban hành quyết định kiểm tra để xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp quản lý thuế (nếu có) và thực hiện các bước ấn định thuế theo quy định tại Điều 14, Điều 15, Điều 16 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

Biên bản vi phạm hành chính được lập, nếu người vi phạm, đại diện đơn vị vi phạm không có mặt hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã, phường nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 1 người chứng kiến xác nhận.

Trường hợp không có sự xác nhận của chính quyền hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Giai đoạn 2, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, bao gồm các công việc sau: công bố quyết định kiểm tra thuế, thực hiện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, lập biên bản kiểm tra thuế, xử lý kết quả kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế, ghi nhật ký kiểm tra, giám sát đoàn kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện kết quả sau kiểm tra.

Trường hợp cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan thuế, người nộp thuế đáp ứng được yêu cầu làm việc theo phương thức giao dịch điện tử, làm việc trực tuyến thì đoàn kiểm tra và người nộp thuế có thể thực hiện kiểm tra bằng phương thức giao dịch điện tử, làm việc trực tuyến hoặc kết hợp các phương thức làm việc trong kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế (làm việc trực tiếp tại trụ sở người nộp thuế, làm việc theo phương thức điện tử, làm việc trực tuyến).

Quyết định 970/QĐ-TCT cũng nêu rõ nhiều trường hợp cơ quan thuế bãi bỏ quyết định kiểm tra thuế.

Theo đó, đối với trường hợp kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế (kiểm tra từ hồ sơ thuế), trước khi công bố quyết định kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế mà người nộp thuế cung cấp các tài liệu và giải trình chứng minh được số thuế khai là đúng và nộp đủ số tiền thuế phải nộp. Khi đó, trong thời hạn 5 ngày làm việc (trước khi công bố quyết định kiểm tra), trưởng đoàn kiểm tra báo cáo lãnh đạo bộ phận kiểm tra thuế trình Thủ trưởng cơ quan thuế ra Quyết định bãi bỏ quyết định kiểm tra thuế theo mẫu số 06/KTT ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC.

Một số trường hợp bãi bỏ quyết định kiểm tra thuế khác như: thủ trưởng cơ quan thuế ban hành quyết định kiểm tra nhưng người nộp thuế đã bỏ kinh doanh; hoặc người nộp thuế có văn bản đề nghị hủy hồ sơ đề nghị hoàn thuế hoặc người đại diện người nộp thuế vắng mặt trong thời gian dài bởi lý do bất khả kháng; hoặc văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài đã chấm dứt hoạt động hoặc chưa chấm dứt hoạt động nhưng không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

Trong trường hợp các cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra đang điều tra, thanh tra doanh nghiệp; hoặc người nộp thuế có văn bản đề nghị khôi phục mã số thuế, hay quyết định kiểm tra được ban hành những nội dung và kỳ kiểm tra trùng lặp với quyết định thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cũng sẽ bãi bỏ quyết định kiểm tra thuế.

 

Về kết quả công tác quản lý thuế 8 tháng của năm, số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy, tính đến hết tháng 8/2023, toàn ngành thuế thực hiện được 38.866 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 48,5% kế hoạch năm 2023 và bằng 92,6% so với cùng kỳ năm 2022; kiểm tra được 393.280 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 85,3% cùng kỳ năm 2022. 

Dù số lượng cuộc thanh kiểm tra giảm sút so với cùng kỳ nhưng tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra cao hơn, lên tới 39.748 tỷ đồng bằng 102,9% cùng kỳ năm 2022.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate