Đây là tin xấu đối với các nhà sản xuất hàng xa xỉ, những người ngày càng phụ thuộc vào người tiêu dùng Trung Quốc để tăng doanh số. Trong những năm qua, khi tầng lớp trung lưu và thượng lưu của đất nước này phát triển, người tiêu dùng ở Trung Quốc ngày càng chiếm một phần đáng kể trong hoạt động kinh doanh của các tập đoàn xa xỉ phẩm như LVMH.
Khoảng 20% doanh số toàn cầu của LVMH đến từ thị trường này. Đó là một phần lý do tại sao cổ phiếu của tập đoàn này hoạt động kém trong năm nay, với mức giảm 14% tính từ đầu năm đến nay. Tỷ phú Bernard Arnault thậm chí đã tính đến việc "khai phá" những thị trường mới như Ấn Độ hay vùng Vịnh để bù đắp cho sự giảm sút của thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vào ngày 24/9 đã thực hiện những bước đi lớn để hỗ trợ nền kinh tế đang gặp khó khăn, công bố cắt giảm lãi suất, hỗ trợ thanh khoản và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng. Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), ông Pan Gongsheng cho biết các nhà chức trách cũng đang xem xét quỹ bình ổn cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán của nước này, được đo bằng chỉ số SSE Composite, đang giao dịch ở mức tương đương với năm 2007.
Ngay sau khi các biện pháp kích thích kinh tế được công bố, cổ phiếu của nhiều nhà sản xuất thương hiệu xa xỉ đã tăng vọt. Giá trị tài sản ròng của ông Arnault đã tăng thêm 6,2 tỷ USD vào 24/9, khi cổ phiếu của tập đoàn hàng xa xỉ này tăng 4%. Tỷ phú người Pháp hiện sở hữu 49% cổ phần của LVMH, tập đoàn sở hữu khoảng 75 thương hiệu cao cấp bao gồm Dior, Louis Vuitton và Tiffany & Co.
Theo dữ liệu từ Chỉ số Tỷ phú của Bloomberg, khối tài sản của “ông trùm” hàng hiệu Bernard Arnault đã “vọt” từ 177 tỷ USD lên 207 tỷ USD trong tuần qua. Cổ phiếu LVMH cũng đã tăng 3,7% vào thứ Sáu vừa qua sau khi công ty thông báo mua lại một phần cổ phần gián tiếp trong Moncler, thương hiệu Ý nổi tiếng với các sản phẩm đồ trượt tuyết xa xỉ. Nhờ đó, CEO LVMH đã chính thức gia nhập câu lạc bộ 200 tỷ USD và vượt qua CEO Meta Mark Zuckerberg để trở thành người đàn ông giàu thứ 3 thế giới.
Đế chế hàng xa xỉ nước Pháp đã phải đối mặt với vô số áp lực về doanh thu và lợi nhuận trong năm nay, chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi sự bất ổn kinh tế và căng thẳng địa chính trị. Điều này có thể thấy rõ nhất ở Trung Quốc trong quý 2, thị trường trọng điểm chiếm khoảng 30% doanh thu tại Châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) của tập đoàn. Tuy nhiên, cổ phiếu của LVMH đã phục hồi trở lại khi các nhà đầu tư tỏ ra lạc quan rằng các biện pháp kinh tế mới của Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các mặt hàng cao cấp như túi xách Louis Vuitton và rượu champagne Dom Perignon.
Không chỉ trong lĩnh vực thời trang, cháu gái của người sáng lập tập đoàn mỹ phẩm L’Oreal cũng vừa chính thức trở thành người phụ nữ giàu nhất thế giới. Bà Francoise Bettencourt Meyers đã vượt qua Alice Walton của Walmart, nhờ sự tăng trưởng của cổ phiếu L’Oreal và các tập đoàn xa xỉ khác của châu Âu. Sự gia tăng này diễn ra sau khi Trung Quốc công bố gói kích thích kinh tế, thúc đẩy cổ phiếu của các tập đoàn như Richemont (chủ sở hữu của Cartier) tăng hơn 8%.
Bà Francoise Bettencourt Meyers và gia đình sở hữu 34,7% cổ phiếu của L’Oreal tính đến tháng 12/2023. Mặc dù trong năm qua, cổ phiếu của L’Oreal đã giảm khoảng 9%, nhưng nhờ gói kích thích kinh tế từ Trung Quốc, giá trị cổ phiếu của L’Oreal đã phục hồi đáng kể, đẩy tài sản ròng của Meyers lên mức cao mới. Gói kích thích kinh tế trị giá 142 tỷ USD của Trung Quốc, được thiết kế để hỗ trợ các ngân hàng nhà nước và ngành bất động sản đang gặp khó khăn, đã có tác động tích cực đến thị trường chứng khoán toàn cầu, bao gồm cả các công ty xa xỉ phẩm châu Âu.
Trước đó, theo báo cáo nghiên cứu của McKinsey & Company, ngành thời trang dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn từ 2% đến 4% vào năm 2024, chậm hơn so với mức 5% đến 7% vào năm 2023, với sự khác biệt ở cấp khu vực và quốc gia do tăng trưởng kinh tế chậm lại và niềm tin của người tiêu dùng suy yếu. Các lãnh đạo trong ngành thời trang bày tỏ lo ngại về sự không chắc chắn được phản ánh qua triển vọng tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát dai dẳng và niềm tin của người tiêu dùng yếu.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc xác định các nhóm giá trị và tìm ra các động lực mới về hiệu suất. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc dù đang đối mặt với vô số thách thức, nhưng người tiêu dùng nước này vẫn thể hiện ý định mua sắm thời trang vào năm 2024 cao hơn so với người tiêu dùng ở cả Mỹ và châu Âu.
Đặt niềm tin vào kinh tế Trung Quốc không chỉ có các nhà đầu tư. Theo nền tảng tiếp thị người có sức ảnh hưởng Lefty, 8 trong số 10 ngôi sao, người có sức ảnh hưởng thống trị về truyền thông trong Tuần lễ thời trang New York năm nay đến từ châu Á. Sự hiện diện của các ngôi sao, người nổi tiếng Hàn Quốc hoặc Trung Quốc tại các tuần lễ thời trang lớn khẳng định vị thế ngày càng tăng của châu Á trong làng thời trang thế giới, đồng thời cho thấy các thương hiệu đang nhận ra tiềm năng to lớn của thị trường này.
Chẳng hạn, Prada đang mở rộng sự hiện diện tại châu Á bằng cách hợp tác với nhiều ngôi sao nổi tiếng. Đạo diễn, diễn viên Trung Quốc Jia Ling (Giả Linh) nổi tiếng với bộ phimYolo (2024), đã trở thành đại sứ của nhà mốt Italy vào tháng 6. Trong khi đó, nữ diễn viên kiêm người mẫu Trung Quốc Nazha (Cổ Lực Na Trát) chính thức gia nhập hàng ngũ đại sứ toàn cầu của thương hiệu thời trang Mỹ Coach, cùng với các ngôi sao Hollywood Elle Fanning, Charles Melton và Storm Reid. Nazha sẽ là một trong những gương mặt đại diện cho chiến dịch Thu - Đông 2024 của Coach mang tên Unlock Your Courage.
Nổi tiếng với vai diễn trong phim truyền hình Anh hùng xạ điêu (2017), diễn viên Trung Quốc Li Yitong (Lý Nhất Đồng) đã được Longchamp chọn làm gương mặt đại diện mới tại thị trường xứ tỷ dân. Giám đốc sáng tạo của Longchamp, Sophie Delafontaine, đánh giá cao phong cách tự nhiên và thanh lịch của diễn viên 34 tuổi khi phản ánh hình ảnh của những phụ nữ Paris (Pháp). Sức ảnh hưởng trên mạng xã hội với hơn 30,6 triệu người theo dõi cũng là một yếu tố quan trọng giúp cô trở thành lựa chọn của thương hiệu xa xỉ này.