Chỉ cần nhấn nút, một căn phòng bí mật hiện ra. Bức tường cứng cáp trượt mở, để lộ khu vực bên trong của một trung tâm dữ liệu. Hàng loạt lồng sắt màu đen đựng thiết bị trải dài nối tiếp nhau, phát ra âm thanh vo ve cùng ánh sáng nhấp nháy. Những thiết bị đó là nền tảng cho những ngành công nghiệp mới dẫn dắt chuyển đổi số, theo Channel News Asia.
CUỘC ĐUA CÔNG NGHỆ TẠI ĐÔNG NAM Á
Tất cả các trung tâm dữ liệu lớn đều có mặt ở đây – từ nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, dữ liệu lớn, dịch vụ số, nhà phát triển trò chơi cho đến các tiên phong về trí tuệ nhân tạo (AI) tới các nhà vận hành cần nguồn lực tính toán khổng lồ, tự động hóa và hiệu quả.
Cơ sở này có tên STT Bangkok 1, một phần trong hệ thống trung tâm dữ liệu của ST Telemedia Global Data Centres (STT GDC), một công ty Singapore đang sở hữu và vận hành khoảng 95 trung tâm dữ liệu tại 11 quốc gia.
Không chỉ có doanh nghiệp ấy, các công ty từ khắp nơi trên thế giới đang đổ hàng tỷ USD vào những cơ sở như thế này tại Đông Nam Á, tạo nên một bức tranh hạ tầng số mới cho toàn khu vực.
Một cuộc đua công nghệ đang diễn ra ở đây.
“Đông Nam Á là một trong những thị trường nóng nhất. Chúng ta đang chứng kiến các khoản đầu tư khổng lồ đổ vào và dường như chưa có dấu hiệu dừng lại”, ông Lionel Yeo, CEO của STT GDC Đông Nam Á, cho biết.
Nhiều yếu tố đang thúc đẩy sự tăng trưởng của các trung tâm dữ liệu tại Đông Nam Á, như sự phát triển AI nhanh chóng và nhu cầu điện toán đám mây. Maybank Investment Bank ước tính, nhu cầu về trung tâm dữ liệu đang tăng trưởng tới 20% mỗi năm cho đến năm 2028 trên toàn khu vực ASEAN.
Đồng thời, khu vực này đang chứng kiến sự thay đổi nhân khẩu học sâu sắc, cùng với xu hướng số hóa mạnh mẽ.
Trong những năm gần đây, mỗi ngày có khoảng 125.000 người dùng Internet mới tại khu vực này, đẩy nhu cầu dữ liệu hàng tháng của cá nhân tại Nam và Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng hơn gấp ba lần vào năm tới so với năm 2019, theo Deloitte.
Sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu và sự phát triển của một phần dân số mong muốn tiếp cận công nghệ là các yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu dữ liệu, ông Vũ Minh Khương, Phó giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học quốc gia Singapore, nhận định.
Giá trị của nền kinh tế số Đông Nam Á được dự đoán sẽ tăng gấp ba lần, đạt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030, và con số này có thể tăng gấp đôi nếu có các chính sách phù hợp, Boston Consulting Group chỉ ra trong nghiên cứu.
Không thiếu các nhà cung cấp đang muốn thâm nhập vào khu vực Đông Nam Á, minh chứng là nhiều công ty công nghệ có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới đã đưa ra hàng loạt thông báo trong năm vừa qua.
DÒNG TIỀN ĐỔ VÀO LIÊN TỤC
Một cuộc cạnh tranh ngầm dường như đang diễn ra giữa các tập đoàn quốc tế tại Đông Nam Á trong bối cảnh nhu cầu về dịch vụ và cơ sở hạ tầng số dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.
“Đông Nam Á có rất nhiều cơ hội cho các công ty kỹ thuật số lớn, đặc biệt từ góc độ chuyển đổi số”, ông Juan Kanggrawan, một chuyên gia kỹ thuật số tại Jakarta có kinh nghiệm trong cả khu vực công và tư, nhận định.
Ông cho biết thêm, không chỉ các công ty Mỹ hay châu Âu mà cả các công ty từ Trung Quốc, Trung Đông, Nhật Bản và nhiều nơi khác cũng đang muốn mở rộng sự hiện diện tại Đông Nam Á.
Theo phân tích của Maybank, thị trường rộng lớn này vẫn chưa được đáp ứng đủ từ năng lực dữ liệu hiện có. Phân tích cho thấy khu vực này thiếu hụt 55-70% nguồn cung trung tâm dữ liệu so với các thị trường phát triển hơn như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Chớp cơ hội đó, Google – công ty con thuộc Alphabet, đã cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào khu vực trong năm ngoái, tập trung vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng dữ liệu và điện toán đám mây, cũng như đào tạo hàng triệu người sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Các dự án mới tại Malaysia và Thái Lan là tâm điểm trong cam kết của Google thời gian qua, cùng với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ tại Singapore.
Bà Sapna Chadha, Phó chủ tịch Đông Nam Á và Nam Á tại Google châu Á – Thái Bình Dương, chia sẻ rằng, cơ hội kinh doanh thêm tại Đông Nam Á vẫn còn rất vững chắc, với sự phát triển mạnh mẽ của một nền kinh tế sẵn sàng cho AI có thể cung cấp các giải pháp trong y tế, giáo dục và biến đổi khí hậu.
"Tất cả các khoản đầu tư này đang đến bởi vì có nhu cầu. Đôi khi chúng tôi nghe thấy câu hỏi liệu có quá nhiều đầu tư đang diễn ra hay không, liệu có phải đây chỉ là sự thổi phồng? Và tôi hoàn toàn phủ nhận điều đó", bà nhấn mạnh.
Trong khi đó, Microsoft năm ngoái đã công bố các khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD vào tại Thái Lan, Indonesia và Malaysia, đồng thời đặt mục tiêu cung cấp cơ hội đào tạo kỹ năng AI cho 2,5 triệu người tại ASEAN vào năm 2025.
Không chỉ vậy, Amazon Web Services đã đưa ra một số cam kết chi tiêu lớn nhất trong những tháng gần đây, tập trung vào việc xây dựng lâu dài cơ sở hạ tầng đám mây và dịch vụ AI trị giá 11 tỷ USD chỉ riêng tại Thái Lan và Malaysia.
Các công ty khác như gã khổng lồ công nghệ Nvidia gần đây đã thông báo sẽ bắt đầu đầu tư vào Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Trong khi đó, GDS của Trung Quốc đã huy động được 1 tỷ USD đầu tư để mở rộng các dịch vụ dữ liệu khu vực vào tháng 10.
RÀO CẢN VỀ KỸ NĂNG
Mặc dù các công ty công nghệ lớn có kế hoạch đào tạo hàng triệu người Đông Nam Á, thực tế cho thấy khoảng cách về nhân tài kỹ thuật số vẫn đang hiện hữu.
"Việc tìm kiếm một nhân tài công nghệ thực sự xuất sắc vẫn rất khó khăn và đầy thách thức. Khoảng cách này luôn tồn tại", Kanggrawan chia sẻ.
Điều này vẫn đúng ngay cả khi ngành công nghệ đã cắt giảm hàng chục nghìn việc làm trong bối cảnh "mùa đông công nghệ" – thời kỳ suy thoái của ngành với làn sóng sa thải và đóng băng tuyển dụng trong hai năm qua.
Các quốc gia có dân số già hóa như Thái Lan và Singapore sẽ đối mặt với vấn đề thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng hơn, ông Khương nhận định. Vị này cho rằng, cải cách giáo dục là cần thiết trên toàn khu vực và các công ty công nghệ cần được khuyến khích tham gia hỗ trợ.
Tại Thái Lan, Benja Bencharongkul, người điều hành công ty ứng dụng công nghệ Brainergy thuộc Tập đoàn viễn thông Benchachinda, cho biết, nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân tài nghiêm trọng.
Vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn khi các tập đoàn công nghệ lớn bước vào thị trường, mang lại cơ hội nghề nghiệp và mức lương cao.
"Google hay Microsoft đến, tôi thấy nhu cầu tăng đột biến, nhưng ít nhất trong ngắn hạn, nguồn cung nhân tài vẫn giữ nguyên", ông nói. "Chúng tôi đang săn tìm trong cùng một nhóm nhỏ này và điều chúng tôi thấy trong ba năm qua là chi phí nhân tài tăng 100% đến 200%, nhưng không có sự gia tăng đáng kể về kỹ năng”.
Benja lo ngại rằng Thái Lan – quốc gia vẫn ưu tiên đa dạng hóa kinh tế – sẽ không thể theo kịp các nước láng giềng như Việt Nam – nơi đã phát triển một ngành công nghệ mạnh mẽ.
"Trong quan niệm cũ của châu Á, khi bạn hỏi mọi người muốn làm nghề gì, đa số có thể nói họ muốn trở thành bác sĩ. Nhưng tại Việt Nam, không còn như vậy nữa. Người ta muốn làm việc trong ngành công nghệ," ông nói.
Khi số hóa đang tạo dấu ấn trên nhiều lĩnh vực của xã hội và kinh doanh, các lãnh đạo công nghệ như Benja lo ngại về việc các quốc gia, đặc biệt là Thái Lan, cố gắng "làm hài lòng tất cả mọi lĩnh vực".
"Chúng tôi chỉ có 70 triệu dân và đang ngày càng có ít người hơn cho lực lượng lao động", ông nói, đề cập đến tỷ lệ sinh giảm tại Thái Lan. "Vì vậy, làm hài lòng tất cả các ngành sẽ ngày càng đòi hỏi nhiều hơn”.
Chính phủ có thể phải đưa ra các quyết định khó khăn, cả hiện tại và trong tương lai. Cố gắng cạnh tranh về phát triển AI với các cường quốc toàn cầu có thể trở thành một bài toán không khả thi, Kanggrawan nhận định.
THÁCH THỨC VỀ NHỮNG CAM KẾT BỀN VỮNG
Giữa cơn sốt xây dựng năng lực số, các công ty và chính phủ vẫn đối mặt với bài toán nan giải về giảm dấu chân carbon. Tính bền vững và tác động môi trường đang được giám sát chặt chẽ hơn khi các nền kinh tế giảm dần carbon để ứng phó với thách thức của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, sự gia tăng của các trung tâm dữ liệu lại đang đẩy tình hình theo hướng ngược lại khi lượng tiêu thụ năng lượng của các trung tâm này ở mức cực cao.
"Theo ước tính, các trung tâm dữ liệu và mạng lưới truyền tải dữ liệu chiếm từ 1 đến 1,5% tổng tiêu thụ năng lượng toàn cầu", bà Ming Tan, Giám đốc điều hành của Viện Tech for Good, một nhóm nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Singapore, cho biết. "Việc áp dụng rộng rãi AI sẽ đẩy mức tiêu thụ này cao hơn nữa”.
Microsoft, nhà đầu tư vào OpenAI – đơn vị phát triển ChatGPT, đã chứng kiến lượng khí thải carbon của mình tăng 30% kể từ năm 2020 do các khoản đầu tư vào trung tâm dữ liệu toàn cầu.
Tương tự, Google ghi nhận lượng phát thải tăng 50% vào năm 2023 so với năm 2019, phần lớn do nhu cầu và cơ sở hạ tầng dữ liệu.
Tạo một hình ảnh AI duy nhất có thể tiêu thụ lượng điện tương đương với việc vận hành một tủ lạnh trong 30 phút.
Năng lượng cần thiết để đào tạo một mô hình AI tạo sinh có thể tương đương với việc cung cấp điện cho 130 hộ gia đình tại Mỹ trong một năm, trong khi đào tạo một mô hình tinh vi như ChatGPT-4 được ước tính sử dụng lượng điện gấp 50 lần con số đó.
Tại Đông Nam Á, nơi khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo vẫn còn hạn chế, các công ty có nhu cầu năng lượng cao và mục tiêu bền vững phải đối mặt với một thách thức lớn.
Theo phân tích của Maybank, việc tiếp cận năng lượng sạch nhiều hơn sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành dữ liệu. Các nhà đầu tư sẽ bị thu hút bởi các hoạt động bền vững hơn và tài chính xanh có thể mang lại sự tăng trưởng kinh tế lớn hơn cho ngành.