February 14, 2022 | 14:00 GMT+7

Ngày càng nhiều quốc gia mở cửa lại đón du khách quốc tế

Ngọc Trang -

Trong hơn hai tuần qua, hàng loạt quốc gia thông báo kế hoạch mở cửa trở lại hoặc nới lỏng các hạn chế nhập cảnh đối với khách quốc tế...

Nhiều quốc gia đã mở cửa đón khách quốc tế trở lại - Ảnh: CNBC
Nhiều quốc gia đã mở cửa đón khách quốc tế trở lại - Ảnh: CNBC

Theo CNBC, trong số này có những nơi đã duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới để phòng dịch nghiêm ngặt nhất thế giới. Các động thái này diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục giai đoạn ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 kỷ lục với hơn 4 triệu ca một ngày vào cuối tháng 1.

Mặc làn sóng lây nhiễm do biến chủng Omicron, nhiều quốc gia phát đi tín hiệu rằng họ không thể chịu được các thiệt hại về kinh tế do việc đóng cửa, hoặc không sẵn sàng chấp nhận điều điều này nữa.

Trên thực tế, sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron – được phát hiện lần đầu vào cuối năm ngoái, ở cả các quốc gia đã mở cửa và vẫn đóng cửa - khiến nhiều người đặt câu hỏi về hiệu quả của các chính sách đóng cửa biên giới.

Ngoài ra, khoảng 54% dân số thế giới hiện đã dược tiêm vaccine ngừa Covid-19, theo dữ liệu từ Our World in Data. Cùng với đó, các loại thuốc đã có thể ngăn chặn và điều trị thành công những trường hợp nặng. Nhiều chuyên gia giờ đây tỏ ra “lạc quan một cách thận trọng” – như cách mô tả của Cố vấn y tế hàng đầu của Nhà Trắng – rằng đại dịch đã bước sang một giai đoạn mới.

Dưới đây là những quốc gia đã mở cửa đón khách quốc tế trở lại.

AUSTRALIA

Australia, một trong những quốc gia từng theo chính sách “không Covid” (Zero Covid), mới đây thông báo sẽ mở cửa biên giới cho những khách quốc tế đã tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ từ ngày 21/2. Điều này đặt dấu chấm hết cho “Pháo đài Australia” – từ được dùng để chỉ chính sách biên giới khép kín trong đó cấm người nước ngoài nhập cảnh và cấm công dân xuất cảnh.

Theo Darryl Newby, người đồng sáng lập hãng du lịch Welcome to Travel có trụ sở tại Melbourne (Australia), đại dịch không chỉ ảnh hưởng tới ngành du lịch mà tới tất cả các ngành tại Australia. Áp lực gia tăng khi số ca nhiễm Covid-19 tại nước này tăng vọt hồi tháng 12 năm ngoái, bỏ ngỏ câu hỏi về mục đích của việc tiếp tục cấm nhập cảnh đối với du khách đã tiêm vaccine và đã xét nghiệm.

Khách quốc tế đến Australia phải tiêm vaccine Covid-19 - yêu cầu được nhấn mạnh bởi vụ trục xuất ngôi sao quần vợt Novak Djokovic vào tháng trước - Ảnh: Getty Images
Khách quốc tế đến Australia phải tiêm vaccine Covid-19 - yêu cầu được nhấn mạnh bởi vụ trục xuất ngôi sao quần vợt Novak Djokovic vào tháng trước - Ảnh: Getty Images

Theo tờ The Sydney Morning Herald, một áp lực khác là “tâm lý tiêu cực” bắt đầu xuất hiện trong các nghiên cứu thị trường. Tờ này dẫn lời Phillipa Harrison, CEO của hãng du lịch Tourism Australia, nói rằng Australia đã đi từ “ghen tị” sang “chế giễu” các chính sách biên giới của mình khi nhiều người lo ngại rằng việc này sẽ gây ra những thiệt lại lâu dài cho sức hấp dẫn du lịch nước này.

Bang Western Australia hiện vẫn chưa mở cửa cho cả du khách quốc tế lẫn khách du lịch trong nước. Trước đó bang này đã hoãn lại kế hoạch mở cửa do số ca nhiễm Covid-19 tăng cao trong tháng 1.

NEW ZEALAND

New Zealand, một “pháo đài” khác ở châu Đại Dương, cũng đã công bố kế hoạch chào đón du khách quốc tế đã tiêm vaccine. Tuy nhiên, không giống Australia, New Zealad đã lên một kế hoạch mở cửa trở lại gồm 5 giai đoạn cụ thể và sớm nhất phải tới tháng 7 du khách quốc tế mới được nhập cảnh. Bên cạnh đó, du khách đã tiêm vaccine vẫn phải tự cách ly 10 ngày sau khi đến.

kế hoạch này sẽ cho phép công dân và người định cư New Zealand nhập cảnh trong tháng 2 này, nếu họ đi từ Australia. Công dân và người định cư đi từ các nước khác sẽ được nhập cảnh từ giữa tháng 3, tiếp đến là người có thị thực và sinh viên vào giữa tháng 4.

Du khách đã tiêm vaccine từ Australia và các quốc gia không cần xin thị thực New Zealand – ao gồm Canada, Mỹ, Mexico, Anh, Pháp, Đức, Israel, Chile, Singapore và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) có thể nhập cảnh từ tháng 7. Những đối tượng còn lại có thể nhập cảnh từ tháng 10.

PHILIPPINES

Sau khi đóng cửa biên giới vào tháng 3/2020, Philippines đầu tháng này thông báo sẽ mở cửa cho du khách đã tiêm vaccine từ hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Quốc gia Đông Nam Á đã tạm dừng chương trình phân loại quốc gia dựa theo màu sắc để mở cửa cho du khách đã tiêm vaccine và có xét nghiệm PCR âm tính. Yêu cầu cách ly tập trung cũng được thay thế bằng yêu cầu tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày.

Du khách đến Philippines phải có vé khứ hồi hợp lệ và bảo hiểm du lịch với phạm vi chi trả ít nhất 35.000 USD - Ảnh: Getty Images
Du khách đến Philippines phải có vé khứ hồi hợp lệ và bảo hiểm du lịch với phạm vi chi trả ít nhất 35.000 USD - Ảnh: Getty Images

Số ca nhiễm Covid-19 tại Philippines đã lập đỉnh vào tháng trước với hơn 300.000 ca một ngày, nhưng sau đó nhanh chóng giảm xuống với chỉ 3.543 ca ghi nhận trong ngày 10/2.

Bộ Du lịch Philippines cho biết quyết định mở cửa lại có liên quan tới những áp lực kinh tế của nước này cũng như để phù hợp với chính sách của các quốc gia Đông Nam Á khác.

“Bộ coi đây là một động thái đáng hoan nghênh, sẽ góp phần đáng kể vào việc khôi phục việc làm… và khôi phục hoạt động cho những doanh nghiệp đã đóng cửa trước đó trong đại dịch”, Bộ trưởng Du lịch Philippines Berna Romulo-Puyat cho biết trong một bài đăng tải trên trang web của bộ. “Chúng tôi tự tin rằng có thể bắt kịp với các nước láng giềng ASEAN, nơi đã đạt được những tiến độ tương tự trong việc mở cửa trở lại cho du khách quốc tế”.

INDONESIA

Dù số ca nhiễm gia tăng, đảo Bali (Indonesia) đã mở cửa cho du khách quốc tế đã tiêm vaccine từ đầu tháng này.

Một nữ du khách ngồi thiền ở Bali, Indonesia - Ảnh: Getty Images
Một nữ du khách ngồi thiền ở Bali, Indonesia - Ảnh: Getty Images

“Tỷ lệ dương tính hiện đã cao hơn mức tiêu chuẩn 5% của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)… số lượng người được kiểm tra và xét nghiệm hàng ngày cũng đã tăng lên đáng kể”, theo bản tin ngày 31/1 của Bộ Điều phối các Vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia. “Tuy nhiên, quyết định mở lại cho du khách quốc tế - kế hoạch đã bị hoãn lại trước đó – được đưa ra nhằm hồi sinh cho nền kinh tế Bali”.

Du khách tới đảo này vẫn phải các ly 5 ngày tại một trong 66 khách sạn được chỉ định, bao gồm một số khu nghỉ dưỡng xa xỉ.

MALAYSIA

Theo Reuters, Hội đồng Phục hồi Quốc gia Malaysia đầu tháng này khuyến nghị nước này mở cửa cho du khách quốc tế sớm nhất vào ngày 1/3 tới. Du khách sẽ không phải cách ly khi đến, tương tự như chính sách du lịch đã được Thái Lan và Singapore áp dụng.

Hiện tại, 98% người trưởng thành tại Malaysia đã được tiêm vaccine, theo dữ liệu từ Bộ Y tế nươc snafy. Trong đó, hơn 2/3 tiêm vaccine do Pfizer/BioNTech hoặc AstraZeneca sản xuất, số còn lại tiêm vaccine Sinovac của Trung Quốc.

Dịch Covid-19 tại Malaysia đang trên đà lập đỉnh do biên chủng Omicron lây lan nhanh. Số ca nhiễm hàng ngày tại nước này bắt đầu tăng mạnh từ đầu tháng 2 và vẫn chưa hạ nhiệt.

NỚI LỎNG HẠN CHẾ ĐI LẠI

Những quốc gia đã mở cửa cho khách quốc tế nay đã nới lỏng thêm các yêu cầu nhập cảnh. Tại châu Âu – khu vực dẫn đầu về mức tăng ca nhiễm Covid-19 trên thế giới, nhiều quốc gia như Hy Lạp, Pháp, Bồ Đào Nha, Thụy Điển và Na Uy đã công bố kế hoạch dỡ bỏ yêu cầu xét nghiệm khi đến với những du khách đã tiêm vaccine, dù mới chỉ áp dụng cho cư dân Liên minh châu Âu (EU).

Đầu tháng này, các hòn đảo của Puerto Rico và Aruba cũng đã có những động thái tương tự.

Tuy nhiên, cũng có nhiều nơi có động thái ngược lại. Sau khi đóng cửa quán bar và cấm chuyến bay từ một số quốc gia vào cuối tháng 1, Hồng Kông (Trung Quốc) mới đây đã áp thêm các quy định mới, bao gồm hạn chế tụ tập quá hai người tại nơi công cộng. Các biện pháp hạn chế đang khiến đặc khu này rơi vào tình trạng thiếu thực phẩm, giá cả leo thang và gây ra bức xúc trong công chúng, theo Guardian. 

Trong khi đó, Trung Quốc đại lục cũng tái áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt trước và trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa đông, với các đợt phong tỏa ảnh hưởng tới khoảng 20 triệu dân vào tháng 1 vừa qua, theo AP.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate