Ngày 8/2, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 57/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Thọ Lộc (giai đoạn 1) thuộc quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, tỉnh Nghệ An.
Quy mô sử dụng đất của dự án này là 500 ha, không bao gồm phần diện tích tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam đoạn qua khu công nghiệp Thọ Lộc và tuyến đường N2 của Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về báo cáo thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý Nhà nước về khu công nghiệp theo quy định tại Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.
UBND tỉnh Nghệ An có trách nhiệm chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế Đông Nam Nghệ An yêu cầu nhà đầu tư rà soát, xác định chính xác tổng vốn đầu tư của dự án và quy định cụ thể tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. UBND tỉnh cũng phải bảo đảm tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo; các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về sự phù hợp của dự án với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành;
Cập nhật vị trí và quy mô diện tích của dự án trong đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An và Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 5 năm 2021-2025 và các quy hoạch xây dựng có liên quan và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về đất đai và pháp luật về xây dựng;
Đảm bảo chỉ tiêu sử dụng đất của dự án nằm trong chỉ tiêu đất khu công nghiệp trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho tỉnh Nghệ An tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022; Kiểm tra, xác định nhà đầu tư đáp ứng điều kiện được Nhà nước cho thuê đất tại thời điểm cho thuê đất, bảo đảm điều kiện được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đất đai.
Đồng thời, tổ chức xây dựng và thực hiện phương án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật về đất đai, phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô diện tích, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có liên quan…
Được biết, đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có hơn 10 khu công nghiệp. Trong đó nhiều khu có quy mô lớn đã đi vào hoạt động như khu công nghiệp VSIP (367,6ha); K WHA (498ha); Hoàng Mai I (264,77ha); Đông Hồi (457,07ha); KCN Nam Cấm (327,83ha)…
Thời gian gần đây, với sự “lên ngôi” của bất động sản công nghiệp, các khu công nghiệp tại Nghệ An cũng thu hút mạnh đầu tư. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, phát triển công nghiệp tại Nghệ An chưa xứng tầm với tiềm năng và lợi thế, tỷ lệ lấp đầy tại nhiều khu công nghiệp vẫn còn hạn chế.
Để tạo động lực thu hút các dự án công nghiệp vào đầu tư, sản xuất, trong đầu năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định 235 về việc phê duyệt Đề án cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025.
Theo đề án này, Nghệ An sẽ tập trung thu hút các dự án sản xuất công nghiệp vào khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 sẽ lấp đầy diện tích đã xây dựng hạ tầng trong các khu công nghiệp VSIP, WHA giai đoạn 1, Hoàng Mai 1. Đồng thời triển khai đầu tư hoàn thành hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp Hoàng Mai 2, Thọ Lộc, WHA giai đoạn 2, tăng tỷ lệ lấp đầy 100% các cụm công nghiệp đang hoạt động và 60% các cụm công nghiệp đang xây dựng.
Hiện Nghệ An cũng đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn cho các dự án công nghiệp. Ngay từ những tháng đầu năm 2023, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp. Trong đó, có việc tăng cường nắm bắt các vướng mắc của các doanh nghiệp để có phương án xử lý kịp thời; xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ của tổ công tác chỉ đạo tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm…