October 18, 2021 | 17:59 GMT+7

Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn với dịch như "luồng gió mới", nhưng phải tránh "trên bảo dưới không nghe"

Nguyễn Tuyến -

Đây là nhận định chung của tất cả các đại biểu tham dự gồm đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia tham dự tọa đàm với chủ đề “Nghị quyết 128 - Hướng tới bình thường mới” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 18/10...

Các đại biểu tham dự tọa đàm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các đại biểu tham dự tọa đàm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tọa đàm có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ; TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV; GS. Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam; và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu.

Tại tọa đàm, các ý kiến thống nhất rằng, cả nước đã cơ bản khống chế được dịch bệnh. Trải qua 4 đợt dịch, cả nước đã đạt được những thành quả nhất định, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, đặc biệt là sau đợt dịch thứ 4 với nhiều diễn biến hết sức phức tạp, gây nhiều khó khăn tại các địa phương.

Kết quả này có được nhờ sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng sự chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự ủng hộ của người dân. Nhiều địa phương cũng đã có những mô hình mới, cách làm sáng tạo phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Đợt dịch vừa qua gây ra cú sốc lớn nhưng không làm tê liệt toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội, không rơi vào trạng thái khủng hoảng.

Toàn cảnh tọa đàm - Ảnh: VGP.
Toàn cảnh tọa đàm - Ảnh: VGP.

Từ thực tiễn này, ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Nghị quyết đánh dấu bước ngoặt trong tư duy và cách thức phòng, chống dịch, nhận được sự hướng ứng và đánh giá cao của nhiều tầng lớp xã hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

CHUYỂN HƯỚNG ĐÚNG ĐẮN, KỊP THỜI NHƯNG PHẢI TRÁNH "TRÊN BẢO DƯỚI KHÔNG NGHE"

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, với những kết quả đạt được thời gian qua, cùng với việc nhận định chưa thể kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh năm 2021 và 2022, việc chuyển hướng tiếp cận từ mức "Zero Covid" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả" là hoàn toàn hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay cũng như công tác phòng chống dịch, đồng thời tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: VGP
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: VGP

Theo Thứ trưởng, các biện pháp phòng chống dịch phải điều chỉnh linh hoạt hơn và phù hợp hơn với thực tiễn, song song với việc đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine. Ngoài ra, cũng cần phải phát hiện sớm các ca bệnh, không để sót ca bệnh. Hạn chế khoanh vùng cách ly kéo dài trên diện rộng và triển khai quyết liệt các biện pháp điều trị từ sớm, từ xa để giảm số ca tử vong. Đồng thời, phải tuân thủ nghiêm các biện pháp "5K + vaccine + thuốc + công nghệ thông tin + ý thức của người dân".

 
“Chuyển trạng thái như thế cần đảm bảo tính thống nhất, tính tuân thủ cao, thông tin phản ánh kịp thời, không được dừng các gói an sinh xã hội, các chương trình thi đua trong phòng chống dịch".
TS. Lưu Bình Nhưỡng.

Cùng với đó, mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh như giao thông vận tải, du lịch, giáo dục và đào tạo, sản xuất các ngành nghề... để từng bước có lộ trình đưa ra các giải pháp vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế một cách chắc chắn, hiệu quả, phù hợp và đảm bảo an toàn phòng chống dịch với nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hoạt hiệu quả phòng chống dịch.

Nhận xét về thời điểm Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, TS. Lưu Bình Nhưỡng cho rằng đây là một chủ trương sáng tạo, được xã hội đón đợi như một “luồng gió mới”. Tuy nhiên, ông cho rằng cần phải đưa chủ trương vào thực tiễn và thực hiện thống nhất trên toàn quốc, tránh tình trạng “trên bảo dưới không nghe”.

TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV - Ảnh: VGP
TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV - Ảnh: VGP

“Chuyển trạng thái như thế cần đảm bảo tính thống nhất, tính tuân thủ cao, thông tin phản ánh kịp thời, không được dừng các gói an sinh xã hội, các chương trình thi đua trong phòng chống dịch”, ông Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ ý kiến. “Các địa phương phải tuân thủ sự chỉ đạo từ Trung ương, thống nhất nhưng vận dụng có sự linh hoạt. Bên cạnh đó, cần tiếp tục có sự tuyên truyền đúng đắn, phổ biến sâu rộng cho người dân và đặc biệt hỗ trợ để người dân hiểu và thực hiện. Từ đó chúng ta mới đưa Nghị quyết vào thực hiện có hiệu quả thời gian tới”.

Nói về sự chủ động và sáng tạo của các địa phương, TS. Lưu Bình Nhưỡng dẫn ra một ý đặc biệt trong Nghị quyết 128, đó là "Các địa phương không được cục bộ cát cứ và ban hành quy định vượt quá mức cần thiết", điều đó có nghĩa là không được vượt qua các tiêu chuẩn, tiêu chí mà Bộ Y tế ban hành.

Đồng quan điểm, GS. Nguyễn Anh Trí cho rằng Nghị quyết 128 là dấu mốc của việc cả nước đang chuyển sang giai đoạn bình thường mới nhưng khi triển khai thực hiện phải thống nhất trong cả nước. Các địa phương không tự ý quy định xét nghiệm, 24 giờ hay 48 giờ hoặc 72 giờ đều phải thống nhất mới giải quyết được mọi việc. Ông cũng lưu ý rằng vẫn có khả năng xuất hiện nhiều ca F0 mới, do đó tuyệt đối không được chủ quan.

“Dịch ở mỗi địa phương có tính chất, mức độ khác nhau về số lượng, điều kiện, nhưng quan trọng nhất là có những điểm chung, không chỉ ở mỗi địa phương, không chỉ ở Việt Nam mà là điểm chung trên toàn thế giới. Đó là dịch diễn biến rất phức tạp và lây rất nhanh, khó lường, vì vậy đòi hỏi phải có một quyết định phổ quát để thống nhất về ý chí, thống nhất về hành động, thống nhất về cách làm... tất cả phải đồng bộ”, GS. Nguyễn Anh Trí nêu rõ.

GS. Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam - Ảnh: VGP.
GS. Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam - Ảnh: VGP.

Ông lấy ví dụ quy định của Bộ Y tế về xét nghiệm, kiểm tra người đi từ vùng dịch về phải phù hợp, thỏa đáng, để Bộ Giao thông vận tải vận dụng hiệu quả.

“Phải có Nghị quyết 128 như thế này, có tiêu chí rõ ràng, có tính phối hợp cao để tất cả cùng thực hiện. Cụ thể nhất là sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương”, GS. Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Cũng đưa ra ý kiến về việc này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng Nghị quyết 128 cho phép các địa phương linh hoạt áp dụng các biện pháp cụ thể nhưng không được trái với quy định của Trung ương, không gây ách tắc về giao thông và hàng hóa, không gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh và đi lại của người dân.

“Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, các địa phương thấy các hướng dẫn của bộ, ngành chưa sát thực tế hoặc khó triển khai thực hiện thì đề nghị có đề xuất với các bộ, ngành có liên quan để sớm có hướng dẫn triển khai cụ thể. Đồng thời, gửi về Bộ Y tế, cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 để báo cáo với Ban Chỉ đạo, với cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế trong tình hình dịch hiện nay”, Thứ trưởng nêu rõ.

LƯU Ý VẤN ĐỀ HẬU KIỂM

Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ nhấn mạnh đến vấn đề hậu kiểm. "Khi đưa vào triển khai Nghị quyết 128, chúng ta cũng cần lưu tâm đến vấn đề hậu kiểm, lấy quy định đã ban hành để xem xét, để hậu kiểm, từ đó sẽ biết được ai làm đúng, ai làm chưa đúng", ông nói.

 
"Trong quá trình tổ chức thực hiện, vấn đề kiểm soát, theo dõi, kiểm tra hết sức quan trọng, nếu không tổ chức tốt, nhắc nhở kịp thời thì dễ tạo những xung đột mới, điểm nghẽn mới và sẽ tạo ra bức xúc của người dân và dư luận".
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ.

Đối với ngành giao thông vận tải, Thứ trưởng cho biết Bộ Giao thông vận tải đang tập trung ban hành thí điểm lại 5 lĩnh vực có thời gian. Đến ngày 10/10/2021, Bộ đã mở lại phương thức vận tải thí điểm, đối tượng, thời gian cũng rõ ràng, quy định cụ thể việc phối hợp của các địa phương. Đến ngày 20/10, sau khi thí điểm xong, Bộ sẽ đánh giá lại và cố gắng sau ngày 20/10 sẽ có một hướng dẫn thích ứng được ban hành theo tinh thần Nghị quyết 128, ví dụ như tần suất có thể tăng lên cả về đường bộ, hàng không.

“Trong quá trình tổ chức thực hiện, vấn đề kiểm soát, theo dõi, kiểm tra hết sức quan trọng, nếu không tổ chức tốt, nhắc nhở kịp thời thì dễ tạo những xung đột mới, điểm nghẽn mới và sẽ tạo ra bức xúc của người dân và dư luận. Thời điểm hiện nay đang hạ nhiệt về dịch để phục hồi kinh tế, vấn đề đi lại của người dân sẽ rất lớn. Vấn đề này liên quan đến nguồn nhân lực, nên cần sự điều tiết giữa các bộ, nếu không tốt cũng không được”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhận định.

Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn với dịch như "luồng gió mới", nhưng phải tránh "trên bảo dưới không nghe" - Ảnh 1
Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn với dịch như "luồng gió mới", nhưng phải tránh "trên bảo dưới không nghe" - Ảnh 2
 

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ (trái) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu - Ảnh: VGP.

Là đại diện địa phương duy nhất tham gia tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Đinh Văn Thiệu khẳng định Nghị quyết 128 là một quyết sách đúng đắn và hợp lý ở thời điểm hiện tại, được người dân và cộng đồng doanh nghiệp phấn khởi đón nhận.

“Tại Khánh Hòa, chúng tôi nhận thấy cuộc sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh đã bắt đầu sôi động trở lại sau giãn cách. Đặc biệt, thành phố biển Nha Trang từ ngày 16/10, người dân đã được tắm biển trở lại. Hoạt động trên bãi biển Nha Trang hiện nay đã rất nhộn nhịp. Học sinh, từ cấp THCS và THPT, bắt đầu từ ngày hôm nay (18/10), bắt đầu đi học trở lại. Chúng tôi thấy rằng trạng thái bình thường mới đã bắt đầu. Chúng tôi cũng quyết tâm vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa thực hiện mục tiêu khôi phục và phát triển kinh tế cho giai đoạn từ nay về sau”, Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa cho biết.

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng thống nhất, các địa phương trên tinh thần thích ứng linh hoạt với dịch bệnh nhưng không được chủ quan. Khi mở cửa lại du lịch, trường học... thì phải đánh giá, dự báo và xây dựng các kịch bản phòng, chống dịch cụ thể. Ngoài ra, cần chú trọng công tác truyền thông để phổ biến thông tin và nâng cao ý thức phòng chống dịch cho người dân. Song song với đó là tiếp tục quyết liệt triển khai chiến lược vaccine, nhanh chóng tăng độ phủ vaccine, chăm lo vấn đề an sinh xã hội cho người dân...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate