Đây là nghiên cứu mà theo các nhà khoa học tại NIH là phân tích toàn diện nhất đến nay về sự phân bố và tồn tại của SARS-CoV-2 - virus gây ra đại dịch Covid-19. Kết quả nghiên cứu này được công bố trực tuyến vào cuối tuần trước dưới dạng một bản thảo đang được bình duyệt trên tạp chí Nature, theo Bloomberg.
COVID TỒN TẠI TỚI 230 NGÀY TRONG TIM, NÃO VÀ NHIỀU NỘI TẠNG
Nghiên cứu cho thấy virus này có khả năng nhân đôi nhanh chóng sau khi lây lan từ đường hô hấp sang các cơ quan nội tạng trong cơ thể người. Các nhà khoa học của NIH chỉ ra rằng việc chậm trễ diệt trừ virus có thể là một nguyên nhân gây ra các triệu chứng dai dẳng ở một bộ phận người nhiễm Covid - còn gọi là chứng Covid kéo dài. Việc hiểu rõ cơ chế virus tồn tại dai dẳng, cùng với những phản ứng của cơ thể với bất kỳ tồn dư virus nào, hứa hẹn giúp cải thiện việc chăm sóc người bệnh.
“Đây là công trình nghiên cứu vô cùng quan trọng. Bấy lâu nay, chúng tôi vẫn bứt dứt với câu hỏi rằng tại sao Covid kéo dài lại ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trong cơ thể đến vậy”, Ziyad Al-Aly, Giám đốc trung tâm dịch tễ học lâm sàng tại Hệ thống Chăm sóc Sức khỏe Cựu chiến binh St. Louis ở bang Missouri, người dẫn đầu một số nghiên cứu khác về ảnh hưởng lâu dài của Covid, cho biết.
Theo ông Al-Aly, nghiên cứu nói trên của NIH đã làm sáng tỏ mọi thứ và có thể giải thích vì sao tình trạng Covid-19 kéo dài vẫn xảy ra ở cả những người mắc bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Các kết quả và phương pháp nghiên cứu của công trình khoa học này hiện chưa được các nhà khoa học độc lập xem xét và chủ yếu sử dụng dữ liệu thu thập được từ các trường hợp nhiễm Covid-19 tử vong, không phải các bệnh nhân bị “Covid kéo dài” hoặc “có di chứng cấp tính của “SARS-CoV-2" – một cách gọi khác của Covid kéo dài.
Quan điểm cho rằng SARS-CoV-2 lây nhiễm ở các tế bào bên ngoài đường hô hấp và phổi đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra các bằng chứng chứng minh và chống lại khả năng này.
Nghiên cứu của NIH được thực hiện tại ở Bethesda, Maryland, dựa trên việc lấy mẫu và phân tích toàn diện các mô mô được lấy trong quá trình khám nghiệm tử thi trên 44 bệnh nhân đã tử vong sau khi nhiễm Covid trong năm 2020 ở Mỹ.
“Mức độ nhiễm virus bên ngoài đường hô hấp và thời gian cần thiết để loại bỏ virus khỏi các mô bị lây nhiễm vẫn chưa được xác định rõ ràng, đặc biệt là ở não”, Daniel Cherto, người điều hành bộ phận bệnh mới nổi của NIH, và các cộng sự trong nghiên cứu trên cho biết.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng các phân tử di truyền SARS-CoV-2 tồn tại dai dẳng ở nhiều cơ quan trong cơ thể như tim, thượng thận, não, lên tới 230 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng.
KHÔNG THỂ THỜ Ơ VỚI CÁC TRIỆU CHỨNG KÉO DÀI
“Chúng ta chưa hiểu đầy đủ về Covid kéo dài, nhưng những điều này có thể giải thích các triệu chứng đang diễn ra”, bà Raina MacIntyre, giáo sư về an toàn sinh học toàn cầu tại Đại học New South Wales ở Sydney, cho biết.
Không tham gia vào nghiên cứu của NIH, bà MacIntyre cho rằng nghiên cứu này là lời cảnh tỉnh cho việc thờ ơ với những triệu chứng Covid kéo dài ở người lớn và trẻ em.
“Chúng ta vẫn chưa biết gánh nặng của bệnh mãn tính sẽ đi tới đâu trong những năm tới. Liệu chúng ta sẽ thấy tình trạng suy tim khởi phát ở những người trẻ đã khỏi bệnh hoặc khởi phát sớm chứng sa sút trí tuệ? Đây là những câu hỏi chưa có câu trả lời và đòi hỏi một phương pháp tiếp cận phòng ngừa trong y tế cộng đồng để giảm thiểu sự lây lan của loại virus này”, bà MacIntyre nói.
Theo bà, nghiên cứu này cung thêm các dữ liệu bệnh lý, bổ sung thêm cho các nghiên cứu trước đây, ví dụ SARS-CoV-2 trực tiếp ảnh hưởng tới các tế bào cơ tim hoặc triệu chứng suy giảm nhận thức ở những người đã khỏi bệnh.
Khác với các nghiên cứu với bệnh nhân Covid tử vong khác, việc thu thập mẫu của nhóm nghiên cứu NIH toàn diện hơn và thường diễn ra trong vòng một ngày sau khi bệnh nhân tử vong. Các nhà nghiên cứu cũng sử dụng nhiều kỹ thuật bảo quản mô khác nhau để phát hiện và định lượng nồng độ virus cũng như phát triển virus thu thập được tư nhiều mô, bao gồm phổi, tim, ruột non và tuyến thượng thận từ bệnh nhân Covid tử vong trong tuần đầu tiêm nhiễm bệnh.
“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mặc dù SARS-CoV-2 tập trung nhiều nhất ở đường hô hấp và phổi, virus này có thể sớm phân tán trong quá trình lây nhiễm và lây sang các tế bào trên toàn bộ cơ thể, bao gồm cả não bộ”, các tác giả của nghiên cứu cho biết.
Họ cho rằng việc nhiễm virus ở phổi dẫn tới giai đoạn virus xâm nhập vào máu và lây lan khắp cơ thể, kể cả ở những bệnh nhân không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ.
Trong nghiên cứu này, phân tử di truyền SARS-CoV-2 được phát hiện trong não của tất cả 6 bệnh nhân tử vong sau hơn một tháng kể từ khi khởi phát các triệu chứng, và ở hầu hết các vị trí được đánh giá trong não ở 5 bệnh nhân – bao gồm 1 người tử vong sau 230 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng.
Ông Al-Aly của Hệ thống Chăm sóc Sức khỏe Cựu chiến binh St. Louis cho rằng việc tập trung vào nhiều vị trí của não bộ đặc biệt hữu ích.
“Việc này có thể giúp chúng ta hiểu được sự suy giảm nhận thức thần kinh hay hội chứng ‘sương mù não’ cũng như các biểu hiện về thần kinh khác của tình trạng Covid kéo dài. Chúng ta cần bắt đầu xem SARS-CoV-2 như một loại virus toàn thân có thể hết sạch ở một số người nhưng vẫn tiếp tục tồn tại ở một số người khác trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng và gây ra tình trạng Covid kéo dài”, ông Al-Aly nhận xét.
"Sương mù não" (brain fog) là một dạng rối loạn chức năng nhận thức, liên quan tới các vấn đề về suy nghĩ, trí nhớ và tập trung như hay quên, thiếu tập trung, mệt mỏi, kém minh mẫn...