Theo một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của các nhà khoa học thuộc Đại học Washington và công ty trị liệu kháng thể Thụy Sĩ Humabs BioMed, vaccine Vero Cell do tập đoàn Sinopharm của Trung Quốc phát triển giảm hiệu quả miễn dịch trước biến thể Omicron.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã tìm hiểu cách thức mà biến thể Omicron - được phát hiện lần đầu tại Nam Phi - có thể thoát khỏi hoạt động miễn dịch của cơ thể người đã tiêm 6 loại vaccine phổ biến hiện nay hoặc từng mắc và khỏi bệnh.
Họ đã kiểm tra cách thức kháng thể trong huyết tương của những người tham gia thử nghiệm hoạt động chống lại biến thể Omicron và loại virus được biến đổi gen để giống với virus nguyên gốc SARS-nCoV-2.
Kết quả cho thấy lượng kháng thể trong huyết tương của người đã tiêm vaccine bất hoạt của Sinopharm giảm đáng kể khi chống lại biến thể Omicron so với virus nguyên gốc cũng như các biến thể được phát hiện trước đó. Trong 13 người tham gia thử nghiệm, chỉ ba người có lượng kháng thể đủ ngăn chặn Omicron xâm nhập vào tế bào cơ thể - quá trình gọi là “trung hòa”.
Ông David Veesler, Phó Giáo sư tại khoa hóa sinh tại Đại học Washington và là một trong các tác giả của nghiên cứu, cho biết nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy các kháng thể trung hòa trong huyết tương có khả năng chống virus. Tuy nhiên, họ không phát hiện được hoạt động trung hòa của kháng thể trong huyết tương ở những người tiêm vaccine Vero Cell nhằm chống lại biến thể Omicron. Ông Veesler nhấn mạnh rằng việc nghiên cứu hiệu quả của vaccine này trong dân số sẽ cần nghiên cứu thêm yếu tố dịch tễ.
Hiệu quả chống lại Omicron giảm xuống ở tất cả 6 loại vaccine được thử nghiệm, tuy nhiên những người tham gia được tiêm vaccine Moderna, Pfizer và AstraZeneca cho thấy mức độ kháng thể trung hòa chống lại virus nguyên gốc cao hơn và họ vẫn có kháng thể trung hòa chống lại Omicron dù nồng độ giảm khoảng 33-34 lần. Với 12 người tiêm vaccine Johnson & Johnson, chỉ một người có kháng thể trung hòa. Còn với 11 người tiêm vaccine Sputnik, không người nào có kháng thể trung hòa để chống lại biến thể Omicron.
Kết quả nghiên cứu này tương đồng với một loạt nghiên cứu trong đó phát hiện các đột biến ở protein gai - thành phần giúp virus bám vào tế bào cơ thể - đã giúp Omicron “né" được khả năng miễn dịch có được từ vaccine. Kết quả của nghiên cứu được công bố trên trang BioRxiv.org và hiện chưa được bình duyệt.
Chính phủ các nước trên khắp thế giới đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm mũi vaccine tăng cường nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát một làn sóng lây nhiễm mới do Omicron – được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo là có thể trở thành biến thể chủ đạo thay cho biến thể Delta.
Kết quả của nghiên cứu trên cũng tương đồng với một nghiên cứu vừa được công bố do Đại học Hồng Kông thực hiện, trong đó phát hiện việc tiêm 2 mũi vaccine do công ty Trung Quốc Sinovac phát triển không đủ để chống lại biến thể Omicron.
Trước đó, một số nghiên cứu ban đầu tại Nam Phi cho thấy 2 mũi vaccine Covid-19 do hãng Pfizer và BioNTech phát triển giảm hiệu quả đáng kể trước Omicron nhưng việc tiêm mũi tăng cường mang lại hiệu quả.