Tại hội thảo Xu hướng sử dụng thực phẩm và đồ uống có đường trên thế giới và tại Việt Nam tổ chức ngày 10/12, TS.BS Bùi Thị Mai Hương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, đường trong khẩu phần ăn hàng ngày chiếm tỷ lệ cao nhất so với nhóm năng lượng và protein, chiếm khoảng 70% khẩu phần ăn.
Theo BS Hương, một lon nước ngọt có gas chứa tới 36g đường. Trong khi đó, kết quả nghiên cứu trên gần 2.000 người về thói quen sử dụng nước ngọt có gas cũng cho thấy, trên 57% có thói quen uống nước ngọt có gas. Trong đó, 13% nam giới được hỏi và có uống nước ngọt có gas cho biết, mỗi ngày gần 16% uống 5 - 6 lần/tuần, gần 29% uống 3 - 4 lần/tuần. Ở nữ giới, tỉ lệ tuy có thấp hơn nhưng cũng có đến hơn 10% uống mỗi ngày.
Theo báo cáo của tổ chức WHO năm 2023, đường tự do (đường tự nhiên) góp phần vào mật độ năng lượng chung của chế độ ăn uống và lượng đường tự do cao hơn sẽ đe dọa chất lượng dinh dưỡng của chế độ ăn uống bằng cách cung cấp năng lượng đáng kể mà không có chất dinh dưỡng cụ thể, dẫn đến tăng cân không lành mạnh và tăng nguy cơ béo phì cũng như nhiều bệnh không lây nhiễm khác, đặc biệt là các bệnh về răng miêng- bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất trên toàn cầu.
"Khi đường trong máu tăng, tuyến tụy giải phóng insulin, insulin đưa glucose vào các tế bào, gây tình trạng tích trữ chất béo. Insulin cũng tham gia ức chế quá trình đốt cháy chất béo và làm tăng đột biến kích thích tăng lượng thức ăn vào bữa ăn tiếp theo. Vì vậy, insulin gây bệnh tiểu đường, béo phì, dẫn đến bệnh tim, các vấn đề về khớp, huyết áp cao, hôn mê tăng đường huyết", TS Mai Hương chia sẻ.
Theo chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn nhiều đường có thể dẫn đến lượng glucose dư thừa trong não và các nghiên cứu đã liên kết lượng glucose dư thừa với trí nhớ và các khiếm khuyết về nhận thức. Một lý do khác khiến đường có hại cho não là vì nó ảnh hưởng đến một số chất dẫn truyền thần kinh, có thể dẫn đến nghiện đường.
Bệnh mãn tính không lây đang ngày càng trẻ hoá, và một trong số các nguyên nhân là do thói quen sử dụng thực phẩm nhiều đường, nhiều muối. Ăn nhiều đường có hại cho sức khỏe, nên WHO đã có khuyến cáo giảm lượng đường tự do hấp thụ ở mọi lứa tuổi để bảo vệ sức khoẻ. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo phụ nữ hạn chế lượng đường trong khẩu phần hàng ngày, không nên quá 6 thìa cà phê (25g) đường/ngày
Lựa chọn thực phẩm, đồ uống an toàn đóng vai trò quan trọng, trong đó lựa chọn đồ uống giảm đường và không bổ sung đường để tốt hơn cho sức khỏe. Trong đó, giảm lượng đường bằng cách giảm cho đường vào các đồ uống và thực phẩm bao gồm ngũ cốc, cà phê hoặc trà hoặc lựa chọn thực phẩm không đường, giảm đường để giảm dần lượng đường cho đến khi thích nghi.
Người dân cũng có thể thay thế uống đường bằng nước lọc là tốt nhất hoặc thay thế bằng đồ uống ăn kiêng, trà đá không đường và các loại đồ uống không đường khác có hương vị cũng có thể là lựa chọn tốt hơn. Bên cạnh đó, hiện nay khi mua thực phẩm, người tiêu dùng bước đầu đã có thói quen đọc nhãn sản phẩm. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, nhiều nhà sản xuất cũng đã giảm đường vào chế biến thực phẩm.
Theo bà Nguyễn Quỳnh Vân, Viện Phó Viện Dinh dưỡng TH, trong quá trình sản xuất, TH đã áp dụng nhiều giải pháp trong đó có sử dụng một số nguyên liệu có nguồn gốc từ tự nhiên như chà là để tạo vị ngọt tự nhiên cho sản phẩm, nhằm dung hoà khẩu vị theo xu thế giảm dần sử dụng đường tinh luyện của người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng hình thành thói quen mới, sử dụng sản phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe.
“Đối với nhà sản xuất, giảm một số lượng đường bổ sung trong công thức bằng cách sử dụng các chiết xuất, chẳng hạn như hạnh nhân, vani, cam hoặc chanh, để tăng hương vị mà không cần thêm đường”, BS Hương khuyến cáo và cho biết, dùng gia vị khác như tăng cường thực phẩm bằng gia vị ấm thay vì tất cả lượng đường bổ sung.
Hãy thử gừng, hạt tiêu Jamaica, quế hoặc hạt nhục đậu khấu. Sử dụng chất tạo ngọt ít calo khi cần thiết. Các chất thay thế đường ít calo và không calo mô phỏng vị ngọt của đường, hoạt động như một giải pháp ngắn hạn khi bạn dần dần rèn luyện khẩu vị của mình để thưởng thức các loại thực phẩm và đồ uống ít ngọt hơn.
Việc quy định rõ thành phần dinh dưỡng trên dán nhãn đang góp phần quan trọng trong việc lựa chọn sản phẩm, thay đổi xu hướng tiêu dùng. Chẳng hạn tại Singapore, Chính phủ Singapore quy định rất chặt chẽ, tất cả đồ uống bán ra tại nước này sẽ được xếp hạng theo hàm lượng đường trên nhãn sản phẩm. Trên nhãn đồ uống sẽ phân loại thực phẩm từ hạng A đến D, trong đó D có lượng đường không tốt cho sức khỏe nhất và bị cấm quảng cáo. Đây là giải pháp để Singapore để hạn chế lượng đường tiêu thụ trên toàn quốc và nâng cao nhận thức, cải thiện thói quen sinh hoạt của người dân.
Thực tế, chính cảm giác khi uống sản phẩm có nhiều đường sẽ muốn sử dụng nhiều hơn đã khiến nhiều ngành công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm sử dụng nhiều đường để tăng sức hấp dẫn với người tiêu dùng. Do đó, các thông tin về việc bổ sung đường trên nhãn sản phẩm cần được quy định để người tiêu dùng khi sử dụng được cảnh báo về cách sản phẩm bổ sung thêm đường. Đã đến lúc, Việt Nam cần có sự can thiệp về các chính sách để ưu tiên phát triển các sản phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khoẻ.
Tại hội thảo, TS.BS Bùi Thị Mai Hương cũng cho biết, Bộ Y tế vừa ban hành 10 lời khuyên dinh dưỡng đến năm 2030, trong đó hạn chế sử dụng các loại thức ăn chiên rán, thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ, thức ăn nhiều muối, nhiều đường, đồ uống có đường, có cồn; bảo đảm an toàn trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm. BS cũng nhấn mạnh, đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh sẽ giúp người tiêu dùng được bảo vệ sức khoẻ, tránh ngộ độc thực phẩm cũng như giảm các bệnh không lây nhiễm.