Theo báo cáo của UBND thành phố Thanh Hóa, từ đầu năm 2023 đến nay, tổng giá trị sản xuất ước đạt 73.407 tỷ đồng; tốc độ tăng giá trị sản xuất ước đạt 5,09%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 84,86 triệu đồng. Năm 2022, thành phố Thanh Hóa là địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất tỉnh Thanh Hóa khi đạt 80,85 triệu đồng/người/năm.
Tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng của thành phố Thanh Hóa ước đạt 48.165 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng khá so với cùng kỳ, như: giầy da, giầy thể thao các loại tăng 7,2%; quần áo may sẵn tăng 7,7%…
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ của thành phố này ước đạt 42.487 tỷ đồng, tăng 7,71% so với cùng kỳ; tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1.450 triệu USD, bằng 76,3% kế hoạch, giảm 1,2% so với cùng kỳ.
Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 776 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ; tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 40.545,5 tấn, đạt 101,36% kế hoạch. Tích tụ được 78ha đất nông nghiệp, vượt 11,4% kế hoạch; công nhận 09 sản phẩm OCOP đạt 03 sao, vượt 12,5% kế hoạch.
Năm 2023, toàn thành phố Thanh Hóa ước đón 3,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 21,5% so với kế hoạch và tăng 28,6% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch ước đạt 4.900 tỷ đồng, tăng 17,5% so với kế hoạch và tăng 26,6% so với cùng kỳ. Dịch vụ vận chuyển hàng hóa ước đạt 32,393 triệu tấn, tăng 9,4% so với cùng kỳ; vận chuyển hành khách ước đạt 18,147 nghìn lượt người, tăng 12,7% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách nhà nước của thành phố Thanh Hóa ước đạt 3.539.708 triệu đồng, vượt 36,5% dự toán; thành lập mới 1.525 doanh nghiệp, bằng 101% kế hoạch. Giải ngân vốn đầu tư các dự án từ nguồn vốn của tỉnh (vốn giao năm 2023) ước đạt 205,36 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch; giải ngân vốn đầu tư công của thành phố ước đạt 1.072,781 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch.
Với diện tích tự nhiên hơn 146 km2 cùng dân số trên 400 nghìn người, thành phố Thanh Hóa là một trong những đô thị có quy mô dân số và diện tích lớn nhất của khu vực phía Bắc.
Các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang nghiên cứu đề án xây dựng và phát triển thành phố Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu chung của đề án là xây dựng, phát triển thành phố Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn về thương mại dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục – đào tạo của vùng Bắc Trung bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ.
Thành phố này có kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được bảo đảm; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, một trong năm thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước về quy mô kinh tế và tốc độ tăng trưởng, động lực quan trọng đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2045 trở thành Thành phố giàu đẹp, văn minh, hiện đại, “kiểu mẫu” của cả nước.
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 2551/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc công bố kết quả điều tra lao động, việc làm và thu nhập bình quân đầu người cấp huyện năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa là 51,7 triệu đồng/người/năm.
Trong đó, thành phố Thanh Hóa là địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất, đạt 80,85 triệu đồng/người/năm; thành phố Sầm Sơn đạt 64,63 triệu đồng/người/năm; thị xã Bỉm Sơn đạt 66,7 triệu đồng/người/năm; thị xã Nghi Sơn đạt 60,4 triệu đồng/người/năm. Huyện Mường Lát là địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong năm 2022, đạt 22,95 triệu đồng/người/năm.
Quyết định cũng chỉ ra mức thu nhập bình quân đầu người giữa khu vực miền xuôi là 58,54 triệu đồng/người/năm và khu vực miền núi là 36,98 triệu đồng/người/năm.