Thông tư số 11/2025 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện có hiệu lực từ đầu tháng 7.
XÁC ĐỊNH THỜI ĐIỂM ĐƯỢC HƯỞNG LƯƠNG HƯU
Thông tư quy định trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước ngày 1/1/2021, có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trở lên, đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành (tức 1/7/2025), và không tiếp tục đóng kể từ ngày này, nếu có nguyện vọng thì được hưởng lương hưu từ 1/7/2025.
Như vậy, so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019, những người này được về hưu sớm hơn 2 - 5 năm so với người tham gia sau ngày 1/1/2021.
Theo Bộ luật Lao động năm 2019, từ năm 2021 trở đi, tuổi nghỉ hưu tăng theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028, và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.
Chỉ những trường hợp lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hoặc những người lao động sức khỏe yếu (bị suy giảm khả năng lao động), mới có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với người làm việc trong điều kiện lao động bình thường (nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 hoặc 10 tuổi tùy từng trường hợp).

Bên cạnh đó, Thông tư số 11 của Bộ Nội vụ cũng hướng dẫn các trường hợp cụ thể về thời điểm được hưởng lương hưu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Hưởng lương hưu ngay sau khi đủ điều kiện, bao gồm 2 trường hợp: Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên; Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước ngày 1/1/2021, và đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.
Với nhóm trên, thời điểm hưởng lương hưu được tính từ ngày đầu tiên của tháng liền kề, sau tháng đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội sau khi đủ điều kiện: Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sau khi đã đủ điều kiện hưởng lương hưu, thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng dừng đóng, và có yêu cầu hưởng lương hưu.
Đang đóng theo kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, hoặc một lần cho nhiều năm về sau: Nếu đang đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo kỳ hạn, hoặc một lần cho nhiều năm mà đủ điều kiện hưởng lương hưu, và có yêu cầu hưởng lương hưu, thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng đủ điều kiện, và có yêu cầu hưởng lương hưu.
Đã đủ điều kiện hưởng lương hưu trước ngày 1/7/2025, không tiếp tục đóng: Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên, đủ tuổi nghỉ hưu trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực, và không đóng tiếp từ ngày 1/7/2025, thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành, tức 1/7/2025.
Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trước năm 2021, đủ điều kiện hưởng trước 1/7/2025: Nếu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước ngày 1/1/2021, đã đóng từ đủ 20 năm trở lên, và đủ 60 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ trước ngày 1/7/2025, thì cũng được hưởng từ ngày Luật có hiệu lực.
Đóng một lần cho thời gian còn thiếu: Nếu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng một lần cho thời gian còn thiếu theo quy định tại Nghị định số 159/2025/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện, thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày đầu tiên của tháng liền kề, sau tháng đóng đủ số tiền cho thời gian đóng còn thiếu.
Trường hợp không xác định được ngày sinh, tháng sinh (chỉ có năm sinh): Thời điểm hưởng lương hưu được tính từ ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng đủ điều kiện hưởng lương hưu. Trong đó, tháng đủ tuổi nghỉ hưu được xác định trên cơ sở lấy ngày 1/1 của năm sinh để làm căn cứ xác định tuổi của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
BỔ SUNG QUYỀN LỢI, TĂNG MỨC HỖ TRỢ TIỀN ĐÓNG
Như vậy, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã bổ sung nhiều điểm mới nhằm mở rộng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo đó, thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu được rút ngắn từ 20 năm xuống còn 15 năm. Đồng thời, mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cũng được điều chỉnh tăng, giúp giảm chi phí đóng góp cho người tham gia.

Nghị định số 159/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện đã, đã nêu rõ mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Mức 50%; 40%; 30%; và 20%, theo thứ tự từng nhóm đối tượng tương ứng là thuộc hộ nghèo, người đang sinh sống tại xã đảo, đặc khu theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hộ cận nghèo; người tham gia là người dân tộc thiểu số; và các đối tượng khác.
“Thời gian hỗ trợ không quá 10 năm. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc đối tượng hỗ trợ ở nhiều mức khác nhau, thì được hỗ trợ theo mức cao nhất. Chính phủ khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà khẳng định.
Mức hỗ trợ này tăng nhiều so với quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP, đó là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hỗ trợ bằng 30% khi thuộc hộ nghèo; 25% với hộ cận nghèo và 10% với các đối tượng khác.
Đặc biệt, Luật mới còn bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, được hưởng trợ cấp thai sản với mức là 2 triệu đồng cho mỗi con mới sinh. Tiền hỗ trợ do ngân sách nhà nước bảo đảm, người lao động không phải đóng thêm.
Lao động nữ là người dân tộc thiểu số, hoặc lao động nữ là người dân tộc Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, khi sinh con ngoài chế độ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ khác theo quy định của Chính phủ.